Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHành động chung duy trì hòa bình, an ninh và ổn định...

Hành động chung duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông

Trung Quốc với những hành động đầy toan tính từ đầu năm tới nay cho thấy nước này đang bất chấp tất cả để hiện thức hóa tham vọng chủ quyền ở Biển Đông. Điều này đòi hỏi phải có những tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tham vọng đang tạo mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng cho tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Diễn biến khác trước ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông từ đầu năm tới nay lại có những căng thẳng với những diễn biến được dư luận cho rằng mới, khác với trước đây của Trung Quốc nhằm gia tăng đòi hỏi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Sau khi đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay “đường 9 đoạn”) năm 2009 để đơn phương đòi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông và học thuyết “Tứ Sa” (đòi chủ quyền đối với quần đảo Pratas nằm ở Đông Bắc Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield với 4 tên “Hán hóa” lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) năm 2013, Trung Quốc vào trung tuần tháng 4 vừa qua lại tiến thêm bước mới khi công bố cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”.

Ngay sau đó, Trung Quốc lại vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông mà phần lớn nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Có thể thấy rất rõ là Trung Quốc bất chấp đại dịch Covid-19 đang hoành hành ngay tại chính nước này và sau đó lây lan ra khắp khu vực và thế giới vẫn tiếp tục tiến hành những việc làm phi pháp nhằm hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông.

Bất chấp việc yêu sách này đã bị bác bỏ theo phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, Bắc Kinh vẫn đang dùng sức mạnh hòng áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp trên vùng biển chiến lược, là huyết mạch của không chỉ vận tải biển mà cả kinh tế khu vực và thế giới.

Trong thời gian vài tháng qua, Trung Quốc bên cạnh việc gia tăng mạnh những hoạt động khảo sát, thăm dò ở Biển Đông đã triển khai những hoạt động nhằm phô trương sức mạnh như điều nhóm tàu sân bay Liêu Ninh vào vùng biển này với đội hình như tập trận, đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xuống vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia ở phía Nam Biển Đông… Đáng lo ngại là việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

 Những việc làm, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua đang khiến khu vực, thế giới dõi theo với sự quan tâm, lo ngại sâu sắc. Các hành vi hung hăng, gây hấn từng đe dọa tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông đang có nguy cơ tái bùng phát với mức độ và phạm vi còn đáng lo ngại hơn.

“Bó đũa” ASEAN ngăn Trung Quốc ở Biển Đông

Các quốc gia khu vực và trên thế giới có lợi ích liên quan ở Biển Đông thời gian qua cũng đã có những tiếng nói và hành động mạnh mẽ nhằm phản đối các hành vi nguy hiểm, bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi lý, phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển này. Mỹ, Philippines đã công khai phản đối việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam, trong khi Mỹ đã triển khai các tàu chiến tại các khu vực biển mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải, đồng thời bác bỏ trên thực tế yêu sách đòi chủ quyền.

Trong bài viết trên tờ The Times of India (Thời báo Ấn Độ) ngày 6-5, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan đã cho rằng, những diễn biến hiện nay ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục những toan tính độc chiếm vùng biển này. The ông SD Pradha, điều cần làm lúc này là kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.

Các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông có thể tiến hành tuần tra chung để gửi thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh. Cùng lúc đó, các nước như Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ cần cung cấp hỗ trợ cho những quốc gia này và sẵn sàng tham gia các cuộc tuần tra chung bất kỳ khi nào được yêu cầu. 

Cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby cho rằng, đã đến lúc các quốc gia ASEAN phải đoàn kết như bó đũa thông qua việc thiết lập thiết chế tuần tra hàng hải chung để ngăn chặn “chuyện đã rồi của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Thiết chế đa phương này nếu cần thiết có sự hỗ trợ thì cơ chế đa phương này cần có mô hình mở rộng với các quốc gia đối tác như các thể chế khác của ASEAN như ASEAN+3, ADMM+ để thúc đẩy việc tuần tra có hiệu quả như đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng, tập huấn năng lực hoạt động và kỹ thuật, cũng như cung cấp thông tin tình báo từ vệ tinh cũng như từ các máy bay giám sát.

Các quốc gia trong khu vực đã đến lúc nhận thức những xung đột có thể bùng phát ở Biển Đông không chỉ là chuyện riêng của một quốc gia tranh chấp nào mà là câu chuyện chung của toàn khu vực và đòi hỏi sự đoàn kết thống nhất trong khối ASEAN để ngăn ngừa các mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Tình hình Biển Đông đang có những diễn biến mới khác so với trước đây và điều này đòi hỏi mỗi quốc gia và các nước trong khu vực phải có cách tiếp cận mới cũng như cách thức ứng phó mới, trong đó đoàn kết, nhất trí và thống nhất hành động chung của ASEAN tạo ra sức mạnh để góp phần hiệu quả duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, điều mà các thành viên cũng như đối tác cùng mong muốn.

RELATED ARTICLES

Tin mới