Cả hai cường quốc cùng phô trương sức mạnh quân sự. TQ tập trận, Mỹ và đồng minh tập trận. TQ tuyên bố chủ quyền trên biển, Mỹ phớt lờ, thỉnh thoảng lại cho máy bay bay vè vè, cho tàu chiến lượn lờ sát các đảo mà TQ đang kiểm soát như trêu ngươi, thách thức
Mỹ-Australia cùng tập trận trên biển Đông
Mỹ và Trung Quốc là hai siêu cường hiện nay. Mỹ đương nhiên số 1. TQ cũng… gần số 1. Hiện tại thì chưa, nhưng Bắc Kinh, tự cho là thời của mình đã đến, đang âm mưu làm cú lật đổ ngoạn mục để chiếm vị trí số 1 của Mỹ nay mai.
Thế giới đã chứng kiến, hai nền kinh tế lớn nhất vài tháng trước đây đã căng thẳng như thế nào trong cuộc chiến vô tiền khoáng hậu về thương mại. Cuộc chiến thương mại tạm thời lắng xuống, tuy nhiên, chưa biết chừng, nó lại có thể bùng lên bất kỳ lúc nào.
Nhưng, TQ và Mỹ đâu chỉ có một cuộc chiến thương mại mà còn nhiều vấn đề kiểu “ân oán giang hồ” khác. Trong đó, biển Đông là vấn đề nóng, dai dẳng thường xuyên diễn ra căng thẳng.
Nguồn cơn câu chuyện biển Đông ai cũng biết. Biển Đông hẳn sẽ lặng sóng nếu TQ không đưa ra “đường 9 đoạn” đòi chủ quyền tới 85%, nhằm biến khu vực bao la, giàu tiềm năng này thành “ao nhà” của mình.
Yêu sách ngang ngược, tham lam của TQ khiến 5 nước 6 bên trực tiếp liên quan, trong đó có VN, PLP, Malaysia nổi giận. Không khuất phục cũng chính là lý do khiến các nước này luôn là nạn nhân, bị TQ nhiều lần gây hấn, bắt nạt, thậm chí, đưa cả súng, đạn uy hiếp.
VN sát TQ thì thôi rồi: bị TQ gây hấn đủ kiểu, đủ trò trên bộ, trên không, dưới biển. Tiếp đó là PLP. Chỉ cách đây ít lâu, TQ từng “chĩa súng” – hành động mà PLP cho là “thù địch chưa từng có”- vào một tàu hộ tống của Hải quân PLP trên vùng biển thuộc quần đảo Kalayaan ở biển Đông.
Cũng chính PLP, năm 2013 đã đệ đơn kiện TQ và được coi là thắng kiện với phán quyết ra năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Còn Malaysia: hiện tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và đội tàu hộ tống của TQ đang hoành hành gần một dàn khoan thăm dò của công ty dầu khí Malaysia Petronas.
Mỹ- bên kia tây bán cầu không có yêu sách chủ quyền trên biển Đông. Nhưng cường quốc này, cũng như một số quốc gia đồng minh khác, luôn cho rằng, yêu sách “đường chín đoạn” của TQ là phi lý, vi phạm tự do hàng hải quốc tế trên một tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới hiện nay; Mỹ có quyền thực hiện và bảo đảm tự do hàng hải tại khu vực này. Vậy là biển Đông vốn đã nóng trong tranh chấp giữa TQ với các nước liên quan trực tiếp, càng nóng hơn khi trở thành nơi xung đột giữa TQ với Mỹ và một số nước đồng minh. Tất nhiên, đằng sau lý do đề cao công pháp đó, có thể còn các lý do tế nhị liên quan việc mỗi bên đều muốn kiềm chế bên kia.
Ăn miếng trả miếng. Hai bên cùng phô trương sức mạnh quân sự. TQ tập trận, Mỹ và đồng minh tập trận. TQ tuyên bố chủ quyền trên biển, Mỹ phớt lờ, thỉnh thoảng lại cho máy bay bay vè vè, cho tàu chiến lượn lờ sát các đảo mà TQ đang kiểm soát như trêu ngươi, thách thức.
Cuối tháng 4 vừa qua, hai chiến hạm USS Bunker Hill và USS Barry của Mỹ “quá cảnh” vùng biển ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Lập tức, ngày 1/5, Bộ Quốc phòng TQ tố cáo Mỹ thúc đẩy “quân sự hóa” Biển Đông. Một phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ-TQ, phụ trách cả khu vực Biển Đông, còn khoe khoang rằng các lực lượng không quân và hải quân TQ đã bám theo, giám sát, nhận diện, cảnh báo và trục xuất tàu USS Barry của Mỹ (?).
Trong khi đó, một quan chức Mỹ lại tuyên bố: hoạt động của chiến hạm Barry đã diễn ra theo kế hoạch “không hề gặp bất kỳ hành động thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp từ tàu thuyền hay máy bay quân sự TQ”.
Cái cách khen TQ không “hành động thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp” thực ra là phủ nhận việc “bám theo, giám sát, nhận diện” như TQ nói – kèm theo thái độ kẻ cả trong màn đấu khẩu mới nhất với TQ, Mỹ dường như muốn thế giới chứng kiến rằng: Bắc Kinh chỉ giỏi bắt nạt các nước láng giềng thôi. Chứ với ta đây – tức Washington: quên đi nhé !