Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, Mỹ và Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự tại Biển Đông, cùng với đó là sự tranh cãi gay gắt giữa 2 bên xung quanh vấn đề nguồn gốc của virus corona. Trung Quốc phát động chiến dịch tuyên truyền vu cáo Mỹ đã đem virus corona đến Vũ Hán; còn Mỹ thì gọi corona là “virus Trung Quốc (china)”.
Giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt ở khu vực và trên thế giới. Xác định Trung Quốc là “đối thủ nguy hiểm nhất” thách thức vai trò siêu cường độc tôn của Mỹ, từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump triển khai nhiều biện pháp kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc.
Mỹ nỗ lực tăng cường áp lực lên Trung Quốc bằng nhiều cách thức khác nhau và trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh các vấn đề như thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, nhân quyền Mỹ đã sử dụng hai “con bài” chiến lược ở khu vực là vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc luôn tìm mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông và ngăn Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan.
Trên vấn đề Biển Đông, ý định của Trung Quốc và Mỹ đã lộ rõ: Trung Quốc mong muốn thiết lập kiểm soát của mình đối với Biển Đông và triển khai các thành tố hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp mở rộng để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông; Mỹ coi hành động này là nguy cơ đối với ưu thế của họ ở khu vực và quyết tâm chống Trung Quốc, bảo vệ các nước nhỏ ở khu vực trước sự leo thang của Bắc Kinh.
Trong khi Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông và tiến hành nhiều hoạt động gây hấn, bắt nạt các nước láng giềng thì Mỹ đề cao tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế để tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông cùng với những hành động hung hăng của họ đã tạo điều kiện cho Mỹ can dự ngày càng sâu hơn vào Biển Đông.
Mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước trong khu vực luôn phức tạp một cách tự nhiên do Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với các nước này, nhất là yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa trực tiếp lợi ích của các nước láng giềng ven Biển Đông. Trong khi các nước láng giềng ven Biển Đông đều bày tỏ mong muốn thông qua biện pháp hòa bình giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Nhưng rõ ràng Trung Quốc cố tình không hiểu điều này. Họ luôn muốn dùng sức mạnh quân sự để bắt nạt, gây sức ép với các nước láng giềng.
Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự trên Biển Đông nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông. Họ không thể biện minh những hành động này không chống lại các nước láng giềng. Trung Quốc nên hiểu rằng những tham vọng sẽ không thể nào đạt được theo cách họ muốn mà chỉ làm cho các nước láng giềng càng thêm lo ngại và đề phòng.
Hơn nữa, toàn bộ khu vực Biển Đông là con đường vận chuyển thương mại quan trọng của cả thế giới và duy trì cục diện Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế là lợi ích chung của cả cộng đồng, do vậy Bắc Kinh cần phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Trung Quốc cũng cần thấy rõ Mỹ sẽ không ngồi im để họ hoành hành độc chiếm Biển Đông.
Đại dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc bùng phát trên khắp thế giới, Trung Quốc lợi dụng lúc các nước đang bận đối phó với dịch bệnh để tăng cường sự hiện diện và các hoạt động quân sự ở Biển Đông như tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam; triển khai nhóm tàu tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông tập trận; đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 (là tàu đã tiến hành các hoạt động xâm lấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam gần 4 tháng liền trong năm 2019) đến vùng biển của Việt Nam, Malaysia…. Điều này khiến Mỹ mặc dù bận chống dịch bệnh, song vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện thường xuyên tại Biển Đông. Từ những động thái này của Trung Quốc và Mỹ, các nhà phân tích quốc tế cho rằng căng thẳng Trung-Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng ở khu vực Biển Đông sau đại dịch Covid-19.
Nga đã từng đóng vai trò quan trọng ở Biển Đông khi có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh lạnh và hiện chọn Châu Á làm định hướng chiến lược cho sự phát triển của mình, đang tìm cách tăng cường vị thế và ảnh hưởng của Nga ở khu vực. Tuy nhiên, quan hệ mật thiết giữa Nga với Trung Quốc trong những năm gần đây đã gây khó khăn cho Nga trong việc phát huy vai trò trên vấn đề Biển Đông do Nga không muốn vấn đề Biển Đông ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Nga với Trung Quốc.
Nga sẽ khó thực hiện được mục tiêu tăng cường vị thế của Nga ở khu vực nếu Nga không đóng góp vào giải quyết những vấn đề an ninh, chính trị ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Hiện Nga cũng đang phải tập trung mọi nỗ lực đối phó với dịch Covid-19. Điều này đang làm giảm tập trung của Nga vào vấn đề Biển Đông.
Trong bối cảnh như vậy, để đảm bảo vai trò trung tâm của mình ở khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần làm gì để góp phần duy trì và củng cố môi trường hòa bình ở khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông? Đây là câu hỏi được nhiều chuyên gia quốc tế quan tâm.
Trước hết, để khẳng định vai trò trung tâm của mình ở Đông Nam Á, ASEAN cần phải đứng trên một mặt trận thống nhất chống lại những nguy cơ đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, do có sự khác nhau về lợi ích trong quan hệ với các nước lớn và trên vấn đề Biển Đông cho đến nay, vẫn chưa có được điều này. Cách đây 8 năm trước, ASEAN thậm chí không thông qua được tuyên bố về tình hình Biển Đông. ASEAN khó có thể nói về vai trò trung tâm của mình khi mà một vài thành viên tham gia vào mưu đồ chống lại thành viên khác theo lối tư duy của Tào Tháo “thà ta phụ người, còn hơn để người phụ ta”. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Để khẳng định vai trò trung tâm của mình, đối với các vấn đề khu vực, nhất là vấn đề Biển Đông, ASEAN nhất thiết phải có sự đoàn kết, nhất trí.
Hai là, ASEAN không chỉ là một tổ chức kinh tế, mà còn là một tổ chức chính trị và có tính chất vượt trội so với nhiều tổ chức khác hoạt động tại khu vực này. Vấn đề Biển Đông nằm trong lĩnh vực trách nhiệm trực tiếp của ASEAN, do đó ASEAN cần là tổ chức đầu tiên thực hiện nỗ lực ổn định tình hình. Trong nhiều năm qua và đã có các nghị quyết liên quan được thông qua và có những đóng góp nhất định vào duy trì hòa bình ổn định khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng. Tuy nhiên, nội dung các văn kiện này còn quá chung chung và chưa đủ mạnh mẽ để giúp ASEAN phát huy vai trò. Hiện nay xu hướng tiêu cực vẫn đang tồn tại, một vài thành viên ASEAN còn chịu sự chi phối của các nước lớn khiến ASEAN không thể phát huy được vai trò trung tâm của mình. Chằng hạn, trong vụ việc nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc có các hoạt động xâm lấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt gần 4 tháng trong năm 2019, nhưng ASEAN không ra được một Tuyên bố riêng để lên án hành vi của Trung Quốc; hay trong vụ việc một tàu đánh cá của Việt Nam vừa bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm hồi cuối tháng 3/2020 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông nhưng ASEAN cũng im lặng.
Năm 2020, Việt Nam là nước chủ nhà của các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN. Bản thân Hà Nội có liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, vì vậy cộng đồng quốc tế hy vọng rằng Hà Nội có thể đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, các nghị quyết, văn kiện của ASEAN được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận nên đây là một khó khăn rất lớn cho Hà Nội khi tạo ra sự đồng thuận nhất trí trên vấn đề Biển Đông.
Dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc đang làm đảo lộn cả thế giới. Thậm chí, Bắc Kinh đang lợi dụng đại dịch để thực hiện các mục tiêu chính trị, lãnh thổ. Hy vọng qua đại dịch toàn cầu, thế giới, trong đó có các thành viên ASEAN sẽ càng hiểu rõ thêm bản chất bá quyền, hung hăng của những người lãnh đạo ở Bắc Kinh. Điều này có thể sẽ giúp Hà Nội thuận lợi hơn trong việc tăng cường sự thống nhất trong ASEAN trên các vấn đề khu vực, bao gồm cả vấn đề Biển Đông.