Saturday, September 21, 2024
Trang chủBiển nóngGiới chuyên gia bàn về khả năng Mỹ tăng cường hiện diện...

Giới chuyên gia bàn về khả năng Mỹ tăng cường hiện diện ở Vịnh Cam Ranh để răn đe TQ trên Biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên thực địa, khiến xuất hiện ngày càng nhiều những đồn đoán về khả năng Mỹ sẽ thuê cảng Cam Ranh của Việt Nam. Tuy nhiên, theo giới phân tích, khả năng này sẽ ít khi xảy ra.

Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales của Australia nhận định Cam Ranh là một trong các cảng nước sâu tốt nhất trong vùng, có tầm quan trọng chiến lược đối với Đông Nam Á, và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Trong khi đó, Hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines đã có từ năm 1951, cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại các căn cứ chiến lược của Philippines. Tình hình Biển Đông có lẽ đã khác đi nếu người Mỹ không rút ra khỏi lãnh thổ Philippines vào đầu thập niên 1990, vì những mâu thuẫn dẫn tới việc đàm phán lại Hiệp ước phòng thủ chung (MDT), khiến Mỹ rút ra khỏi Philippines. Sự vắng mặt của Mỹ trong khu vực từ đó, đã tạo chỗ trống cho phép Trung Quốc bành trướng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, để cuối cùng trở thành một mối đe dọa đối với các nước nhỏ hơn trong khu vực. Vì mối đe dọa này, Manila đề xuất một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ “tạm thời” có mặt tại Philippines, dẫn tới Hiệp Ước Thăm Viếng Quân Sự với Mỹ (VFA) năm 1998, và sau đó Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) giữa Manila và Washington năm 2014. Tuy nhiên, loan báo của Tổng thống Philippines Duterte sẽ chấm dứt Hiệp Ước Thăm Viếng Quân Sự với Mỹ sẽ tác động tới EDCA bởi vì khó có chuyện người Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động và hỗ trợ Philippines nếu nhân sự của họ không được bảo vệ theo các điều khoản ghi trong thỏa thuận VFA. Những khúc mắc trong quan hệ hai nước và chính sách bất nhất của Tổng thống Duterte đã buộc người Mỹ xoay sang các nước láng giềng, và trong bối cảnh đó, các cơ sở tại Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với Hoa Kỳ, dẫn tới nhiều đồn đoán cho rằng Hà Nội đang cân nhắc việc cho Hoa Kỳ thuê dài hạn Vịnh Cam Ranh hoặc một vài đảo ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng khả năng này bị hạn chế bởi chính sách “Ba Không” của Việt Nam, ngăn cấm việc cho thuê cảng Cam Ranh hay các đảo đá ở Biển Đông. Theo đó, chính sách đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam dựa trên nguyên tắc Ba Không đã được ghi trong Sách trắng Quốc phòng đầu tiên của Việt Nam vào năm 1998. Nguyên tắc Ba Không gồm: “Không liên minh quân sự với nước nào, Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, và Không về phe nước nào chống lại một nước khác.”

Chính sách này được Hà Nội tái khẳng định nhiều lần. Sách trắng Quốc phòng mới nhất, công bố vào cuối năm 2019, đổi chính sách Ba không thành Bốn Không: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Giáo sư Thayer nhận định, nếu chỉ dựa trên nguyên tắc Ba Không, thì chính sách quốc phòng của Việt Nam ngăn cấm việc cho Hoa Kỳ hoặc bất kỳ nước nào khác, thuê Vịnh Cam Ranh hay các đảo trên Biển Đông. Nhưng GS Thayer lưu ý rằng Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 gợi lên triển vọng Việt Nam có thể cứu xét sửa đổi chính sách Ba Không. Các đoạn sau đây đã thu hút nhiều chú ý: “Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung”; “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.”

Được biết, quân cảng Cam Ranh có vị trí địa chiến lược quan trọng ở bờ biển Đông Nam của Việt Nam, đây được coi là một trong những quân bài chiến lược để Việt Nam đối phó với thách thức an ninh từ Biển Đông. Quân cảng Cam Ranh là một trong những cảng nước sâu tự nhiên tốt nhất thế giới, có tọa độ là 12 độ vĩ Bắc, xung quanh đều có dãy núi bao quanh cao khoảng 400m. Cảng Cam Ranh bên trong có diện tích 60km2, cửa cảng chỉ rộng 1.300m, nước sâu 16 – 25m, chỗ sâu nhất 32m; cảng ngoài Bình Ba có nước sâu 10 – 22m, cửa vịnh rộng khoảng 4.000m, ngoài cửa nước sâu 30m trở lên. Do nước sâu, vịnh rộng, trong cảng có thể đậu hơn 100 tàu chiến cỡ lớn lớp 10.000 tấn, trong đó có tàu sân bay. Cảng chính và căn cứ nằm ở bờ Tây cảng phía trong. Căn cứ không quân nằm trên bán đảo Cam Ranh. Góc Cam Ranh cực Nam bán đảo có trung tâm thông tin.

Quân cảng vịnh Cam Ranh đã triển khai các tàu chiến chủ lực tiên tiến nhất của Hải quân Việt Nam, trong đó có 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Gepard 3.9, tàu tuần tra cỡ lớn sản xuất bằng chuyển nhượng công nghệ, tàu tên lửa lớp Molniya, tàu ngầm thông thường lớp Kilo. Tại Cam Ranh có sân bay lớn, hiện đại. Trước năm 1975 máy bay B.52 của Mỹ đã hạ cánh xuống đây. Sau khi Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp định hợp tác hữu nghị Việt – Xô, Liên Xô đã sử dụng quân cảng Cam Ranh một thời gian. Máy bay TU- 95 của Liên Xô thường xuyên vận chuyển hàng từ Vladivostock xuống sân bay Cam Ranh tiếp tế cho binh đoàn 17 thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đóng tại đây.

Giới chuyên gia nhận định, nhờ lợi thế về vị trí, nếu bố trí tên lửa phòng không ở vịnh Cam Ranh và những cao điểm xung quanh thì toàn bộ eo biển Malacca và eo biển Singapore đều nằm trong tầm khống chế của hỏa lực những tên lửa đó. Ngoài ra, vịnh Cam Ranh còn có thể cho phép triển khai hệ thống giám sát điện tử để kiểm soát toàn bộ khu vực Bắc Ấn Độ Dương, vịnh Persia, biển Hoa Đông và Biển Đông. Ngoài ra, vừa có lợi thế tự nhiên rất có lợi cho quân sự, quốc phòng lại cận kề tuyến đường vận tải biển quốc tế trọng yếu nên từ hàng trăm năm nay vịnh Cam Ranh luôn được hải quân các cường quốc coi là “trung tâm dịch vụ hậu cần” quan trọng.

Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế cho rằng khi Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đang đóng ở đảo Hải Nam, tàu ngầm hạt nhân duy nhất của nước này cũng được đưa đến đây, thì Mỹ và Nhật Bản rất quan tâm đến việc theo dõi các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước này đều quan tâm đến việc được tiếp cận cảng Cam Ranh, căn cứ ở Singapore, các cảng ở Sabah và Sarawak của Malaysia, Luzon và Palawan ở Philippines. Cảng Cam Ranh đã trở nên quan trọng trở lại trong bối cảnh hiện nay. Nếu liên minh Mỹ – Thái tiếp tục suy yếu, Cam Ranh sẽ càng có ý nghĩa to lớn hơn hơn đối với Mỹ và Nhật Bản.

Giáo sư James Holmes, Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định, theo thời gian, Cam Ranh không đánh mất những giá trị về sức mạnh và nguồn lực, trong khi giá trị về địa lý trên bản đồ ngày càng gia tăng do những hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, tự bản thân Cam Ranh đã có vị trí và điều kiện thiên nhiên thuận tiện cho sự ra vào của các tàu lớn, một quân cảng tốt cho cả phòng thủ lẫn tấn công. Tầm quan trọng của Cam Ranh thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Vì căng thẳng ở Biển Đông, và vì sự lo ngại của các cường quốc với Trung Quốc, Cam Ranh trở nên quan trọng hơn nhiều so với thời kỳ Trung Quốc còn yếu, cũng như so với giai đoạn Mỹ rút đi và không quan tâm đến khu vực Đông Nam Á trước đây.

Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm và Thiếu tướng Lê Mã Lương đánh giá cao vai trò phòng thủ của cảng Cam Ranh trong việc ngăn Trung Quốc lộng hành ở Biển Đông. Ông Lê Kế Lâm nhận định, Cam Ranh có vị trí chiến lược không chỉ với Việt Nam mà còn nhiều nước khác ở trong và ngoài khu vực. Xét về mặt địa lý, Cam Ranh là một vịnh rộng, nước sâu, kín gió, có khả năng chống được bão to. Trong khi đó, khu vực Cam Ranh hiếm khi có bão lớn trên cấp 9. Vì thế, tàu thuyền neo đậu ở đây rất an toàn. Xét về mặt quân sự, Cam Ranh có địa thế vô cùng đặc biệt. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng thủ nhưng lại vô cùng dễ dàng cho các nhiệm vụ tấn công trên biển. Ngoài ra, tàu chiến từ Cam Ranh có thể di chuyển ra Biển Đông một cách nhanh chóng, giúp tăng cường khả năng kiểm soát tuyến hàng hải huyết mạch này và bảo vệ chủ quyền. Cùng quan điểm trên, ông Lê Mã Lương cho biết, Cam Ranh là một vịnh thiên nhiên có diện tích hơn 13.800 ha, nước sâu 16-25 m, có nơi sâu hơn 30 m. Vùng nước sâu nhất là 31 m. Hàng không mẫu hạm và hàng trăm tàu có thể neo đậu và ra vào trong cảng Cam Ranh. Cam Ranh không có đá ngầm, núi cao trên 1.000 m bao phủ, che chắn bên ngoài, sâu bên trong là đất liền. Bên trong Cam Ranh là dải đất nối liền từ thành phố Nha Trang tới cụm cảng Cam Ranh hàng trăm km. Đây là khu vực vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu và tạo ra thế trận phòng thủ vững chắc. Với địa thế như vậy, Cam Ranh là căn cứ cho các tàu hải quân xuất phát làm nhiệm vụ ở Trường Sa, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời bảo vệ ngư dân đánh cá, tài nguyên biển. Ngoài thế mạnh là phòng thủ tại chỗ, Cam Ranh giống như điểm phòng thủ cho khu vực Tây Nguyên và toàn bộ Nam Trung Bộ và khu vực miền Nam. Có thể ví cảng Cam Ranh là “bảo bối” để đảm bảo phòng thủ đất nước và Biển Đông. Đây cũng chính là những lý do khiến các nhà quân sự nước ngoài, đặc biệt là các cường quốc hải quân, đánh giá rất cao cảng Cam Ranh.

Ngoài ra, ông Lê Mã Lương nhận định, tranh chấp Biển Đông ngày càng ẩn chứa những dấu hiệu nguy hiểm khiến Nga, Mỹ, Nhật Bản ngày càng chú ý tới vai trò của quân cảng Cam Ranh. Từ việc khánh thành cảng quốc tế, chúng ta thấy được những lợi thế sau: Thứ nhất, cảng sẽ đóng vai trò lớn trong quá trình triển khai lực lượng ra khu vực trên Biển Đông. Thứ hai, khi chúng ta biết thu hút đầu tư, nâng cấp dịch vụ đạt tầm quốc tế, nó sẽ giúp Việt Nam tăng cường mối quan hệ dân sự và quân sự, củng cố vị thế đối tác chiến lược và nâng cao vai trò của Việt Nam trong khu vực. Thứ ba, cảng quốc tế Cam Ranh còn giúp quốc tế hóa giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Và cuối cùng, nó góp phần phòng thủ biển đảo, phát triển kinh tế biển, hợp tác hội nhập quốc tế – những vấn đề sống còn của quốc gia.

Những năm trước đây, Trung Quốc từng vu khống rằng Việt Nam sử dụng Cam Ranh để lôi kéo các nước lớn khác trong khu vực. Đây là những lời lẽ kích động, cho thấy thái độ hậm hực, trịnh thượng của Bắc Kinh.Sự hiện diện của cảng quốc tế Cam Ranh có vai trò quan trọng trong tình hình hiện nay, đặc biệt là trước sự náo động của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, cảng dịch vụ Cam Ranh có thể ngăn Bắc Kinh lộng hành trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới