Sunday, September 22, 2024
Trang chủĐàm luậnMáy bay, chiến hạm hiện đại của Mỹ có tạo thế cân...

Máy bay, chiến hạm hiện đại của Mỹ có tạo thế cân bằng trên Biển Đông?

Sau khi ngang ngược tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè trong thời gian hơn ba tháng, Trung Quốc đã giở bài “hoan nghênh” toàn bộ tàu đánh cá của nước này đã trở về các cảng ở đảo Hải Nam lúc 0 giờ ngày 29/4/2020.

Nhân đây tờ báo mạng Hoàn Cầu không quên nhắc nhở các quốc gia liên quan: “Mọi hoạt động đánh bắt cá không được phép trong những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. Như vậy, Bắc Kinh ngang ngược cho mình cái quyền bắt giữ tầu cá Việt Nam, Philippines, Indonesia đánh bắt “trái phép”.

Lệnh cấm đơn phương này làm cho tình hình biển Đông thêm căng thẳng. Hoa Kỳ đã có những động thái dằn mặt Trung Quốc. Cụ thể, đã điều 4 máy bay ném bom B-1B cùng 200 quân nhân từ căn cứ Không quân Dyess ở Texas đến căn cứ Andersen, trên đảo Guam ở Thái Bình Dương, từ ngày 1/5 và chưa biết kết thúc nhiệm vụ khi nào.

Một ngày trước đó, hôm 30/4, 2 chiếc B-1B, xuất phát từ căn cứ Nam Dokota (Mỹ), đã có chuyến bay diễn tập trong 33 giờ với trọng tâm là Biển Đông. Đây là lần đầu tiên oanh tạc cơ hạng nặng trở lại Guam sau khi rời khỏi căn cứ này vào giữa tháng 4/2019, kết thúc chiến dịch 6 tháng của các loại oanh tạc cơ B-52, B-1 và B-2 ở căn cứ Andersen.

Mỹ cũng liên tiếp cử 2 chiến hạm USS Bunker Hill và USS Barry quá cảnh vùng biển ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhằm hỗ trợ các chiến dịch duy trì an ninh và ổn định trong vùng Thái Bình Dương. Chiến hạm có trang bị tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Bunker Hill.

Các hoạt động của chiến hạm Barry diễn ra theo kế hoạch mà không hề gặp bất kỳ hành động thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp từ tàu thuyền hay máy bay quân sự Trung Quốc. Điều này trái ngược hoàn toàn lập luận của Bắc Kinh rằng quân đội nước này đã theo dõi sát một tàu chiến Mỹ “xâm nhập” vùng Tây Sa ở Biển Đông (Hoàng Sa của Việt Nam).

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ tư lệnh Chiến khu Nam bộ, Trung Quốc, phụ trách cả khu vực Biển Đông, không ngớt lời khoe khoang: Các lực lượng Không quân và Hải quân Trung Quốc đã bám theo, giám sát, nhận diện, cảnh báo và trục xuất tàu USS Barry của Mỹ.

Trong khi đó Washington luôn khẳng định, các hoạt động của tàu hải quân Hoa Kỳ luôn thực hiện đúng luật quốc tế, nằm trong khuôn khổ các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP). Hai chiến hạm Mỹ tuần tra Trường Sa và Hoàng Sa đã phối hợp với tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ và hộ tống hạm HMAS Parramatta của Úc đến khu vực ngoài khơi Malaysia. Điều này nhằm cảnh cáo tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc và đội tàu hộ tống hoành hành gần một dàn khoan thăm dò của Công ty dầu khí Malaysia Petronas.

Trong khi cả thế giới đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19, Bắc Kinh thừa lúc nhá nhem, triển khai hàng loạt việc làm vi phạm luật pháp quốc tế nhằm áp đặt chủ quyền trên Biển Đông. Việc thành lập hai huyện thuộc “thành phố Tam Sa”, đó là “huyện Tây Sa” và “huyện Nam Sa” là hành động ăn cướp trắng trợn nhất.

“Kẻ cắp già mồm”, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, lớn tiếng: Phía Trung Quốc đã “giao thiệp nghiêm khắc” để đáp trả việc “Việt Nam tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp ở biển Hoa Nam (Biển Đông).

Trước những động thái leo thang căng thẳng của Bắc Kinh, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc tập trung hỗ trợ cho các nỗ lực của quốc tế chống đại dịch toàn cầu. Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt lợi dụng lúc các nước khác đang bận tâm chống dịch, để mở rộng các đòi hỏi chủ quyền “phi pháp” ở Biển Đông.

Thế nhưng Bắc Kinh vẫn phớt lờ những lời kêu gọi của Washington. Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc Peter Jennings, được hãng tin Reuters trích dẫn, nhận định: “Rõ ràng Trung Quốc đang có một chiến lược lợi dụng tối đa lúc thế giới bớt chú ý và năng lực của Hoa Kỳ đang suy giảm để gây áp lực lên các nước láng giềng”.

Còn Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương, có cùng nhận định: “Dường như là cho dù đang chiến đấu chống dịch, Trung Quốc vẫn không quên những mục tiêu chiến lược dài hạn. Bắc Kinh đang muốn tạo ra một tình trạng bình thường mới ở Biển Đông và để đạt được điều này, họ có những hành động ngày càng hung hăng”.

Có thể thấy, các hành động gây hấn của Bắc Kinh hướng tới mục tiêu trước mắt là phục vụ công việc thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Sau khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tầu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã đến vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Khu vực này cũng nằm sát với những vùng biển mà cả Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Trong tuyên bố gửi qua thư điện tử, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết: “Hoa Kỳ quan ngại về những thông tin cho thấy những hành động gây hấn lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm tìm kiếm dầu lửa tại vùng biển mà các nước khác cũng tuyên bố có chủ quyền”. Mỹ yêu cầu Bắc Kinh “chấm dứt kiểu hành động gây hấn và gây bất ổn” vì những hành động đó đe dọa an ninh năng lượng trong vùng và phá hoại thị trường năng lượng trong không gian “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP).

Một nguồn tin an ninh của Malaysia cho biết riêng trong ngày 17/4, có lúc, tầu Hải Dương Địa Chất 8 được 10 tầu của lực lượng dân quân biển và hải cảnh Trung Quốc hộ tống. Những hành động ngang ngược này cần được tiếp tục được các nước liên quan lên án mạnh mẽ.

Hi vọng việc Mỹ điều máy bay ném bom, cùng các chiến hạm hiện đại tới biển Đông sẽ như là một phép thử đối với Trung Quốc. Chắc hẳn Bắc Kinh đang suy nghĩ tìm những mưu kế mới, hình thức tấn công mới về quân sự và ngoại giao. Nhưng trước mắt Wasinghton đã góp phần tạo thế cân bằng trên biển Đông, một lời cảnh báo đối với Trung Nam Hải: Hãy dừng lại những hành động vừa ăn cướp vừa la làng!

RELATED ARTICLES

Tin mới