Bộ Ngoại giao Indonesia (7/5) cho biết nước này đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để làm rõ một video lan truyền trên mạng xã hội liên quan tới cái chết của bốn thuyền viên Indonesia cáchthủy táng các thuyền viên Indonesia trên một chiếc tàu treo cờ Trung Quốc.
Ngay sau khi trên mạng lan truyền một video được cho là quay lại cảnh thủy táng các thuyền viên Indonesia trên một chiếc tàu treo cờ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Xiao Qian để làm rõ vấn đề liên quan tới cái chết của bốn thuyền viên Indonesia và những vụ thủy táng thuyền viên Indonesia có phù hợp với các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hay không.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã xác nhận rằng ít nhất ba thuyền viên Indonesia đã tử vong trên các tàu đánh cá treo cờ Trung Quốc kể từ tháng 12/2019 và được thủy táng. Một thuyền viên đã tử vong và được thủy táng hôm 31/3. Hồi tháng 12/2019, hai thuyền viên khác đã qua đời và cũng được thủy táng; một thuyền viên khác đã tử vong tại một bệnh viện do viêm phổi sau khi tàu cập cảng Busan (Hàn Quốc). Bên cạnh đó, bà Retno Marsudi cho biết, có 49 ngư dân Indonesia, độ tuổi từ 19-24, phải làm việc trung bình 18 giờ/ngày trên 4 tàu cá Trung Quốc. Một số ngư dân còn không được trả lương hoặc được trả lương không đúng như cam kết. Làm việc đến kiệt sức, điều kiện lao động tồi tệ khiến nhiều người bị ốm. Hiện do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn bộ các ngư dân Indonesia còn lại trên 4 tàu cá Trung Quốc đã được hồi hương. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng lên án cách đối xử phi nhân tính với công dân Indonesia làm việc cho các công ty đánh bắt hải sản Trung Quốc, nhấn mạnh các công ty này đã vi phạm nhân quyền; khẳng định chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến vụ việc và cam kết sẽ điều tra các công ty đánh bắt hải sản Trung Quốc bị phía Indonesia lên án. Hiện Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta chưa có bình luận sau vụ việc.
Việc triệu Đại sứ Trung Quốc diễn ra sau khi các nhóm nhân quyền cáo buộc chủ tàu cá Trung Quốc ngược đãi và bóc lột thủy thủ. Tổ chức Công lý Môi trường (EJF), một nhóm bảo vệ môi trường có trụ sở tại Anh, cáo buộc một số thủy thủ phải làm việc 18 giờ nhưng được trả công chưa tới một USD mỗi ngày và những người bị bệnh không được đưa vào bờ lập tức để điều trị y tế. Bên cạnh đó, Nhóm ủng hộ luật pháp vì lợi ích công cộng (APIL) và EJF đang kêu gọi một cuộc điều tra khẩn cấp của chính quyền Trung Quốc và quốc tế về hành vi của đội tàu này.
Trong những năm gần đây, tàu cá Trung Quốc đã trở thành nỗi khiếp sợ đối với ngư dân nhiều nước trên thế giới. Một trong những ví dụ điển hình là việc tàu cá Trung Quốc đâm chìm và bỏ mặc ngư dân Philippines trôi dạt trên biển. Theo đó, ngày 9/6/2019, khi đang nghỉ gần bãi Cỏ Rong, tàu cá Gimver-1 của Philippines đã bất ngờ bị tàu cá Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đâm chìm và bỏ đi ngay sau đó, khiến 22 ngư dân phải bám vào các thùng nhựa trôi dạt trên biển và may mắn sau được tàu Việt Nam phát hiện và cứu vớt. Sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila (14/6/2019) đã công bố báo cáo điều tra sơ bộ về vụ việc. Tuy nhiên, kết quả điều tra của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế bị bất ngờ, không ai nghĩ Trung Quốc có thể ngụy biện và đổi trắng thay đen một cách ghê gớm như vậy. Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng tàu cá Yuemaobinyu 42212 từ tỉnh Quảng Đông đã tham gia vào “hoạt động kéo lưới” ở khu vực xung quanh bãi Cỏ Rong ở Biển Đông vào ngày 9/6. Tàu 42212 “bất ngờ bị 7 hoặc 8 tàu Philippines bao vây” và “trong lúc sơ tán, dây cáp thép trên mạng lưới thắp sáng của tàu va chạm với buồng lái của tàu Gem-Ver 1”; đồng thời khẳng định “thuyền trưởng Trung Quốc đã cố cứu ngư dân Philippines, nhưng sợ bị các tàu Philippines khác bao vây. Vì vậy, khi xác định được những ngư dân đó được các tàu Philippines khác cứu, tàu 42212 mới rời khỏi hiện trường”.