Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã trở thành đại dịch toàn cầu, khiến các biện pháp chống dịch của nhiều quốc gia làm nổi dần xu hướng đi ngược toàn cầu hóa. Là bên khởi xướng sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhưng trong dự án quốc tế này, dường như nhà cầm quyền Bắc Kinh ngày càng trong tình trạng đơn độc.
“Vành đai và Con đường” là cái bẫy nợ?
Có thể nói dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lây lan toàn cầu đã gây cú sốc chưa từng thấy đối với nền kinh tế thế giới trong hơn một thế kỷ qua, trong một báo cáo toàn cầu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ “Đại suy thoái” năm 1929. Dưới tác động của dịch bệnh, các nền kinh tế yếu kém phải chịu đau đớn hơn, do thông thường những nước nghèo thì cơ sở hạ tầng y tế cũng yếu kém nên dễ gặp khó khăn trong việc đối phó với dịch bệnh. Ngoài ra những nước đang chịu gánh nặng nợ nần cũng dễ suy sụp khốn đốn trong tình trạng dịch bệnh tấn công.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã cung cấp viện trợ khẩn cấp quy mô lớn cho nhiều nước, nhưng vẫn như muối bỏ biển. Hai cơ quan quốc tế lớn kêu gọi các nước chủ nợ trong G20 ngừng thu lãi đối với các khoản vay của các nước thu nhập thấp. Vào ngày 15/4, các nước thành viên G20 đã thống nhất đồng ý trước khi kết thúc năm nay sẽ tạm ngừng thu lãi cho các khoản vay.
Mặc dù Trung Quốc cũng đã tham gia ký kết, nhưng họ tuyên bố không bao gồm “khoản vay ưu đãi”, có nghĩa là họ không tính các khoản vay cho các nước thu nhập thấp trong kế hoạch “Vành đai và Con đường”. Hơn nữa, là một trong những quốc gia chủ nợ lớn nhất thế giới, nếu Trung Quốc tiếp tục tính lãi đối với các nước có thu nhập thấp đang chịu gánh nặng nợ của họ, như vậy sẽ buộc các nước nghèo này phải lựa chọn giữa trả nợ và nhập khẩu các mặt hàng cần thiết như thực phẩm và thuốc!
Có báo cáo nghiên cứu chỉ ra các khoản cho vay của Trung Quốc đối với nước ngoài có kỳ hạn trả nợ và thời gian gia hạn ngắn nhưng lãi suất cao, vì vậy một số nước đang phát triển vay tiền từ Trung Quốc khiến rủi ro nợ cũng gia tăng trong thời gian dịch bệnh.
Ví dụ, năm 2019 quốc gia ở phía tây châu Phi là Ghana đã ký một biên bản ghi nhớ với Trung Quốc, theo đó Trung Quốc sẽ hỗ trợ 2 tỷ USD (Đô la Mỹ) cho mạng lưới đường sắt, đường bộ và cầu cống của Ghana, điều kiện là Ghana cho Trung Quốc 5% quyền lợi từ phát triển nguồn tài nguyên Bauxite của nước này.
Ngày 6/4, Bộ trưởng Tài chính Ofori-Atta của Ghana cho biết, Trung Quốc phải thực hiện nhiều biện pháp để giúp giảm gánh nặng nợ của các nước châu Phi đang đối mặt với thảm họa kinh tế do đại dịch virus corona. “Nợ của châu Phi đối với Trung Quốc là khoảng 145 tỷ USD, và khoản nợ phải trả trong năm nay là trên 8 tỷ USD. Vì vậy cần phải được xem xét.”
Sau khi Trung Quốc đưa ra kế hoạch “Vành đai và Con đường” vào năm 2013, truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã so sánh dự án phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ này với “Con đường tơ lụa” thời cổ đại. Trung Quốc cung cấp các khoản vay cho các nước đang phát triển có thu nhập thấp này để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng khổng lồ từ đường bộ đến bến cảng. Nhưng sau khi một số nước thu nhập thấp rơi vào khủng hoảng vì không có khả năng thanh toán các khoản nợ, kế hoạch này được gọi là “bẫy nợ”.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, các khoản vay thương mại của Trung Quốc làm tăng rủi ro nợ của các nước châu Phi. Như báo cáo nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Washington là Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development, CGD) công bố gần đây cho thấy, so với việc cho vay của Ngân hàng Thế giới thì các khoản cho vay thương mại của Trung Quốc dành cho các nước đang phát triển có kỳ hạn trả nợ và thời gian gia hạn ngắn, nhưng lãi suất cao hơn.
Theo VOA đưa tin vào ngày 11/5, đồng tác giả của báo cáo là Brad Park – giám đốc điều hành của dự án AidData về minh bạch tài chính đặt tại Đại học William & Mary cho biết: “Chúng tôi thấy rằng các điều khoản trong các khoản vay của Trung Quốc luôn hà khắc hơn so với Ngân hàng Thế giới, đặc biệt là đối với các nước nghèo nhất. Hầu hết các cuộc thảo luận về hiểm họa nợ ở các nước đang phát triển tập trung vào tổng số tiền vay, nhưng vấn đề điều kiện cho vay cũng quan trọng không kém.”
Nghiên cứu cho thấy lãi suất trung bình đối với các khoản cho vay của Trung Quốc vượt quá 4%, trong khi lãi suất của ngân hàng thông thường chỉ gần 2%. Chuyên gia Brad Parks cho biết điều này không phải ngẫu nhiên mà có chủ ý. Trước khi xảy ra đại dịch virus corona đã có ngày càng nhiều nước có thu nhập thấp chìm vào khó khăn vì nợ nần, hoặc đối mặt với rủi ro lớn vì nợ nần. Hiện nay, khoảng 44% số nước thu nhập thấp đang rơi vào khốn khó do nợ nần, trong khi cách đây 6 năm con số chỉ là 23%.
Tất cả những điều này đã khiến cộng đồng quốc tế rơi vào tình trạng thất vọng và lo ngại, đã nâng cao cảnh giác đối với những nỗ lực mở rộng trên toàn cầu của Bắc Kinh.
Nguồn tin gần đây của Reuters dẫn ý kiến từ một số quan chức cao cấp của Mỹ cho biết, sau khi dịch bệnh tấn công mạnh vào nền kinh tế và làm nhiều người thiệt mạng, Chính phủ Mỹ cũng đẩy mạnh giảm phụ thuộc Trung Quốc trong chuỗi sản xuất và cung ứng, ngay cả khi không di chuyển về Mỹ thì cũng phải được chuyển đến các quốc gia khác thân Mỹ hơn.
Trong một diễn đàn trực tuyến vào ngày 9/5, Chủ tịch Lý Dương (Li Yang) của Phòng thực nghiệm Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc và là ủy viên của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, dịch bệnh không chỉ kéo theo gia tăng chuỗi cung ứng đi ngược xu thế toàn cầu hóa, mà còn cần phải cảnh giác xu hướng “tẩy chay Nhân dân tệ” trong lĩnh vực tài chính quốc tế.
Ông chỉ ra rằng khi bắt đầu cuộc khủng hoảng dịch bệnh, các nhà đầu tư muốn hạn chế rủi ro đã chọn giữ USD, dẫn đến tình trạng thiếu USD trên toàn cầu, còn nhìn lại lịch sử mỗi lần thiếu USD càng củng cố vị thế của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ quốc tế. Sau sự thiếu hụt đồng USD lần này, ngân hàng trung ương của 9 quốc gia đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, nhưng không có Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, trong mạng lưới trao đổi tiền tệ đã không có Nhân dân tệ, có thể đây là dấu hiệu giới tài chính quốc tế tẩy chay đồng Nhân dân tệ, là một tín hiệu rất nguy hiểm đối với Trung Quốc.
Ngày 13/4, Tin tức Bắc Kinh (Bjnew) của Nhà nước Trung Quốc đã phỏng vấn “vua thủy tinh” Tào Đức Vương (Cao Dewang) là Chủ tịch Tập đoàn Fuyao. Ông cho biết cuộc khủng hoảng này là chưa có tiền lệ, trước tiên phải có khả năng sống sót thì mới tìm kiếm bước phát triển tiếp theo.
Ông cho biết, “Sau khi xảy ra dịch bệnh, tất cả các nước đều muốn thiết lập một chuỗi công nghiệp độc lập toàn vẹn, chuỗi công nghiệp toàn cầu sẽ được đơn giản hóa. Sau đại dịch, chuỗi công nghiệp toàn cầu sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.”
Ông Tào Đức Vương chỉ ra việc doanh nghiệp bị giảm đơn hàng xuất khẩu đã dẫn đến áp lực kinh doanh gia tăng nghiêm trọng, vì chìa khóa để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp chính là đơn hàng. Sau đại dịch sẽ bùng nổ, xu thế các nước tập trung xây dựng chuỗi công nghiệp độc lập, hoàn chỉnh và an toàn hơn, đây chính là quá trình đi ngược toàn cầu hóa.