Pháp sẽ bán vũ khí nâng cấp hệ thống đánh chặn tên lửa trên 6 tàu khu trục lớp Lafayette cho Đài Loan. Hợp đồng trên trị giá hơn 800 triệu đài tệ (26,8 triệu USD), sẽ dùng để mua bệ phóng mồi bẫy Dagaie MK2 từ một đơn vị thuộc tập đoàn DCI của Pháp.
Theo thông tin trên, cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết chính quyền Đài Loan đã lên kế hoạch hiện đại hóa các tàu chiến trên dưới sự giúp đỡ của Pháp. Quá trình hiện đại hóa bao gồm lắp đặt hệ thống phóng mồi bẫy nhiệt Dagaie MK2 thuộc Tập đoàn DCI (Pháp). Giá trị hợp đồng dự kiến hơn 800 triệu đôla Đài Loan (khoảng 26,8 triệu USD).
Pháp đã bán 6 tàu hộ vệ tên lửa lớp Lafayette cho Đài Loan với giá 2,8 tỉ USD vào năm 1991. Xét về thời gian sử dụng, các tàu này hiện đã trên 25 năm tuổi và khá lạc hậu so với các tàu chiến cùng loại của hải quân Trung Quốc. Pháp cũng bán cho Đài Loan 60 máy bay chiến đấu Mirage vào năm 1992. Những thương vụ trên khiến quan hệ Trung – Pháp đóng băng suốt ba năm.
Được biết, La Fayette (hay còn gọi là FL-3000) là lớp khinh hạm tàng hình đa năng cực kỳ hiện đại, được Tập đoàn DCNS thiết kế cho Hải quân Pháp. Thiết kế của La Fayette rất tiên tiến với công nghệ module cho khả năng tùy biến cao, hình dáng thượng tầng “trơn tru”, thân tàu chế tạo bằng vật liệu composite có đặc tính nhẹ, hấp thụ sóng radar rất tốt trong khi vẫn đảm bảo độ vững chắc cần thiết. Tàu có lượng giãn nước 3.200 tấn; dài 125 m; rộng 15,4 m; mớn nước 4,1 m; vận tốc tối đa 25 hải lý/h; tầm hoạt động 9.000 hải lý khi chạy ở tốc độ 12 hải lý/h; thủy thủ đoàn 80 người. Radar mảng pha đa năng Herakles (tầm hoạt động 250 km) của La Fayette được tối ưu hóa cho hoạt động tại các khu vực ven biển, nơi có môi trường lộn xộn. Radar cung cấp, giám sát đối không, đối hải, đối đất cũng như dẫn đường cho các hệ thống vũ khí. Bên cạnh đó, tàu còn có radar hàng hải Terma Electronic Scanter 2001, sonar EDO Model 980 và hệ thống đối kháng điện tử RAFAEL C-PEARL-M, tất cả thiết bị trên đều do Tập đoàn Thales sản xuất. Vũ khí trang bị của lớp khinh hạm này gồm pháo hạm 100 mm, tên lửa chống hạm Exocet Block 3, tên lửa phòng không tầm trung – xa Aster-15/30, pháo tự động bắn nhanh 30 mm F2 và ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ MU90 Impact.
Ngay sau khi có thông tin trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra các tuyên bố phản đối, yêu cầu Pháp không được bán vũ khí cho Đài Loan và cảnh báo quan hệ ngoại giao với Pháp sẽ bị tổn hại sau hợp đồng bán vũ khí này. Theo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc với Pháp, nhấn mạnh Trung Quốc “phản đối tất cả giao dịch bán vũ khí hoặc trao đổi quân sự và an ninh với khu vực Đài Loan. Chúng tôi kêu gọi Pháp hủy bỏ việc bán vũ khí theo kế hoạch này cho Đài Loan để tránh làm tổn hại quan hệ Trung – Pháp”. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Đài Loan (13/5) cho rằng hải quân Đài Loan từng tuyên bố tuân thủ các quy định mua bán liên quan tới vũ khí để đáp ứng “các nhu cầu chiến đấu” của mình. Bộ này từ chối bình luận thêm.
Trong khi đó, Pháp đã gạt bỏ những chỉ trích của Trung Quốc, khẳng định Pháp tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Pháp nhân mạnh “trong bối cảnh hiện nay, Pháp tôn trọng nghiêm ngặt các thỏa thuận hợp đồng đã hình thành với Đài Loan và không có gì thay đổi trong quan điểm của chúng tôi từ năm 1994” và “đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19, chúng ta nên tập trung toàn bộ sự chú ý và nỗ lực vào chống dịch”.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải sử dụng vũ lực. Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên cầm quyền từ năm 2016 đến nay. Dưới thời bà Thái, lực lượng vũ trang Đài Loan được hiện đại hóa mạnh mẽ, bao gồm các hợp đồng mua mới tiêm kích F-16 và xe tăng M1A2 Abrams từ Mỹ. Các hợp đồng này cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Bắc Kinh. Bên cạnh đó, phần lớn các tàu chiến chủ lực của Đài Loan là các tàu chiến bị Mỹ loại biên và chuyển giao. Tàu chiến mặt nước mạnh nhất của hải quân Đài Loan hiện nay là 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Kidd được chuyển giao từ Mỹ. 4 tàu này được chế tạo vào cuối thập niên 1970 và được chuyển giao cho Đài Loan năm 2003.