Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐối phó TQ, Mỹ đưa tàu tấn công ven bờ USS Gabrielle...

Đối phó TQ, Mỹ đưa tàu tấn công ven bờ USS Gabrielle Giffords tới Nam Biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc đưa nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 08 hoạt động trái phép trong EEZ của Malaysia, Hải quân Mỹ (12/5) đã điều tàu tấn công ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc lớp Independence tới hoạt động ở phía Nam Biển Đông và gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia.

Theo Navy.mil, tàu USS Gabrielle Giffords trở thành tàu tấn công ven bờ thứ hai được hải quân Mỹ điều động tới gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia. Tư lệnh Hạm đội 7 của hải quân Mỹ là Phó Đô đốc Bill Merz cho biết, hải quân Mỹ sẽ bay qua, di chuyển qua và hoạt động trên Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế vào bất cứ thời điểm nào; nhấn mạnh các hoạt động hiện diện thường xuyên như của tàu USS Gabrielle Giffords nhằm tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu và máy bay một cách tự do, theo luật pháp quốc tế và thông lệ hàng hải, bất chấp những yêu sách phi lý hay các diễn biến hiện tại; tái khẳng định Mỹ ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi các lợi ích kinh tế hợp pháp. Cũng theo ông Merz, hải quân Mỹ duy trì cảnh giác và cam kết tuân theo trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, tiếp tục đề cao tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật, đồng thời chống lại các hành vi cưỡng ép và phi pháp của Trung Quốc.

Nằm trong biên chế Biên đội tàu khu trục 7, tàu Gabrielle Giffords đang luân phiên triển khai hoạt động tại khu vực tác chiến của Hạm đội 7 để hỗ trợ đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hạm đội 7 triển khai tác chiến hải quân ở tiền phương để hỗ trợ đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Là hạm đội có nhiều tàu nhất của Hải quân Mỹ, Hạm đội 7 tương tác với 35 quốc gia ven biển khác để xây dựng quan hệ hợp tác giúp củng cố an ninh hàng hải, tăng cường ổn định và ngăn chặn xung đột.

Tàu USS Gabrielle Giffords có lượng giãn nước hơn 3.100 tấn, chiều dài khoảng 115 m và bán kính hoạt động từ 1.100 – 1.700 km. Tàu này được cho là bắt đầu đến Tây Thái Bình Dương từ tháng 9/2019. USS Gabrielle Giffords là tàu chiến đầu tiên được trang bị tên lửa tấn công trên biển (NSM) mới của Mỹ do hãng Raytheon phát triển. NSM là loại tên lửa hành trình chống hạm có khả năng tàng hình và khó bị phát hiện bằng radar. NSM có tầm bắn hơn 100 hải lý (185 km), xa hơn 30% so với tên lửa diệt hạm Harpoon mà hải quân Mỹ sử dụng lâu nay.

Thời gian gần đây, Mỹ liên tục điều tàu chiến hiện diện ở Biển Đông. Trong đó, tàu tấn công ven bờ USS Montgomery cùng tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ (7/5) tiến hành tuần tra duy trì tự do hàng hải và hàng không ở phía Nam Biển Đông, gần tàu thăm dò West Capella. Cuối tháng Tư, ngoài các tàu USS America (LHA 6), USS Bunker Hill (CG 52) and USS Barry (DDG 52), tàu hộ vệ HMAS Parramatta (FFH 154) của hải quân Hoàng gia Australia cũng tham gia cùng đội tàu chiến Mỹ thực hiện cam kết về một khu vực tự do và mở cửa ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Hạm đội 7 cũng ra thông báo về việc 3 tàu ngầm của hải quân Mỹ đã tham gia một đợt huấn luyện chiến tranh hiện đại trên biển Philippines.

Ngoài tàu chiến, theo thông báo từ Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, 4 oanh tạc cơ B-1B cùng binh sĩ Mỹ đã được điều động tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam vào ngày 1/5. Không quân Mỹ không nói cụ thể sứ mệnh của 4 oanh tạc cơ B-1B sẽ kéo dài bao lâu. Song hoạt động triển khai 4 máy bay ném bom B-1B tới đảo Guam được thực hiện chỉ sau một ngày hai máy bay B-1 thực hiện chuyến bay qua Biển Đông. Chuyến bay này kéo dài 32 giờ đồng hồ từ căn cứ không quân Ellsworth ở Nam Dakota và là một phần trong hoạt động “phô trương sức mạnh” của quân đội Mỹ trong khu vực.

Được biết, từ đầu tháng 4 đến nay, Trung Quốc đã điều nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 tiến hành hoạt động thăm dò ở khu vực phía Nam Biển Đông. Theo dữ liệu của trang Marine Traffic cho thấy, tàu Hải Dương địa chất 08 hoạt động bên trong EEZ của Malaysia, gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do Công ty Dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành. Đi theo hộ tống tàu Hải Dương 8 là một nhóm tàu Hải Cảnh và dân quân biển Trung Quốc. Trước hoạt động của Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Hishammuddin kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng giải pháp hòa bình, song nhấn mạnh nước này quyết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình tại đó; cho rằng mặc dù luật pháp quốc tế bảo đảm tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến và các tàu khác trên biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định khu vực. Ngoài ra, ông Hishammuddin còn cho biết Malaysia sẽ tiếp tục liên lạc cởi mở với mọi bên liên quan, trong đó có Trung Quốc và Mỹ. Trước đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Anifah Aman kêu gọi Chính quyền đáp trả hành vi của tàu Hải Dương địa chất 08; khẳng định đây không phải lần đầu tàu Trung Quốc “xâm nhập” EEZ của Malaysia và nhấn mạnh việc bảo vệ, thúc đẩy các lợi ích chiến lược quốc gia phải là nguyên tắc chủ đạo và Malaysia phải quyết đoán trong việc bảo vệ lợi ích, quyền lợi quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

RELATED ARTICLES

Tin mới