Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ và Cơ quan Tình báo Đức đã công bố báo cáo nghi ngờ Trung Quốc cố ngăn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo động về đợt bùng phát dịch COVID-19 hồi tháng 1, thời điểm Bắc Kinh tăng cường dự trữ trang thiết bị y tế từ khắp thế giới.
Theo thông tin trên, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã công bố báo cáo cho biết Trung Quốc đã dọa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng nước này sẽ ngừng hợp tác với cuộc điều tra của cơ quan này nếu WHO công bố một tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu. Trước đó, một bản đánh giá của tình báo Đức do báo Der Spiegel công bố tuần qua, cáo buộc cá nhân ông Tập Cận Bình gây áp lực lên Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vào ngày 21/1.
Tuy nhiên, WHO đã bác bỏ cáo buộc ông Tập đã can thiệp nhưng từ chối trả lời câu hỏi liệu các quan chức Trung Quốc có nỗ lực trì hoãn hoặc thay đổi tuyên bố về Tình trạng Khẩn cấp y tế công cộng Quốc tế (PHEIC) hay không. Người phát ngôn WHO Christian Lindmeier chỉ dám tuyên bố: “Chúng tôi không bình luận về các cuộc thảo luận cụ thể với các quốc gia thành viên nhưng chúng tôi có thể nói rằng mọi lúc trong đại dịch, WHO đã hành động theo nhiệm vụ của mình là một tổ chức kỹ thuật dựa trên bằng chứng, tập trung vào việc bảo vệ tất cả mọi người, ở mọi nơi. WHO dựa trên các khuyến nghị về khoa học, thực hành tốt nhất về sức khỏe cộng đồng, bằng chứng, dữ liệu và lời khuyên của các chuyên gia độc lập”. Ngoài ra, ông Lindmeier nhấn mạnh “tiến sĩ Tedros đã không liên lạc với Chủ tịch Tập vào ngày 20, 21 hoặc 22. Tiến sĩ Tedros và nhóm cao cấp của ông đã gặp Chủ tịch Tập tại Bắc Kinh vào ngày 28/1. Vấn đề PHEIC không được đưa ra trong cuộc họp đó”.
Để đáp trả, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington bác bỏ là “không có căn cứ”; đồng thời cho biết Bắc Kinh đã nhập khẩu 2,5 tỉ chiếc thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) bao gồm hơn 2 tỉ khẩu trang trong khoảng thời gian từ ngày 24/1 – 29/2. Sự tăng đột biến của các đơn đặt hàng đi kèm với những lời kêu gọi nhiệt thành từ các cơ quan ngoại giao của Bắc Kinh trên toàn cầu nhằm đảm bảo nguồn cung khi quốc gia đông dân nhất thế giới này tự trang bị để chống lại sự bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, COVID-19 sau đó đã lan rộng ra khỏi biên giới Trung Quốc và một số quốc gia từng xuất khẩu PPE cho Trung Quốc lâm vào tình trạng thiếu hụt. Bắc Kinh sau đó bắt tay vào chiến dịch cung cấp PPE, nhân sự và các hỗ trợ khác cho các quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (9/5) đã công bố một tài liệu phản bác chỉ trích và cáo buộc của Mỹ nhắm vào Trung Quốc liên quan đến đại dịch COVID-19. Tập tài liệu gốc dày 30 trang và có dung lượng khoảng 11.000 từ. Tài liệu liệt kê ra 24 cáo buộc “hoang đường và dối trá không thể tin nổi” của “một số chính trị gia và nền truyền thông Mỹ” về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19), về sự minh bạch thông tin dịch bệnh của Bắc Kinh và về “sự thao túng” WHO. Đầu tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc viện dẫn các thông lệ về đặt tên dịch bệnh của WHO để nhấn mạnh SARS-CoV-2 không phải là “virus Trung Quốc” hay “virus Vũ Hán”. Về nguồn gốc dịch bệnh, Bắc Kinh cho rằng việc TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) là nơi đầu tiên phát hiện ca bệnh không có nghĩa là nguồn gốc của virus là ở Vũ Hán. Câu trả lời thực sự cho câu hỏi này vẫn là “chưa rõ”. Đồng thời, tài liệu nhắc lại rằng SARS-CoV-2 đã được chứng minh không phải là một sản phẩm sinh học do con người tạo ra. Phòng thí nghiệm của Viện virus học Vũ Hán – được nhấn mạnh là “một dự án hợp tác của chính phủ Trung-Pháp” – cũng “không có khả năng phát triển và sản xuất” virus tương tự SARS-CoV-2.
Trung Quốc khẳng định luôn công bố thông tin dịch bệnh một cách “cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm”, không có chuyện che giấu, đưa tin sai lệch, báo cáo chậm trễ hay báo cáo không đúng mức tình hình dịch bệnh. Thậm chí Trung Quốc nhắc lại rằng mình là “nạn nhân của việc đưa tin sai lệch”. Tài liệu cũng điểm lại những hành động “dứt khoát và quyết định” của hệ thống chính trị Trung Quốc và phủ nhận cáo buộc rằng “hệ thống chính trị Trung Quốc là gốc rễ vấn đề”.
Về WHO và quan hệ Trung Quốc-WHO, tài liệu cho biết Bắc Kinh “ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương” và “chưa bao giờ thao túng WHO”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại tuyên bố trước đó của WHO rằng Đài Loan không cảnh báo về tình trạng lây nhiễm từ người sang người, mà chỉ mong muốn có thêm thông tin về dịch bệnh. Trung Quốc cũng phản bác yêu cầu phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra đại dịch, cho rằng không có cơ sở pháp lý cho yêu cầu đó và những tuyên bố của Mỹ chỉ là “mánh khóe” của một số chính trị gia Mỹ. Trung Quốc cũng nỗ lực hỗ trợ các quốc gia khác chống dịch, tương tự như cách các nước đã hỗ trợ Bắc Kinh trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã nỗ lực kiểm soát chất lượng sản phẩm y tế xuất khẩu, viện trợ cho nước khác.
Đây là phản ứng mới nhất của Trung Quốc trước những cáo buộc liên tục và mạnh mẽ của Mỹ và các quốc gia đồng minh. Cùng với các bê bối về chất lượng vật tư y tế, các cáo buộc của Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây. Được biết, Trung Quốc lần đầu tiên thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới về một chủng virus Corona mới gây bệnh cho người dân của họ vào ngày 31/12/2019 và bắt đầu thông báo chính thức cho Mỹ vào ngày 3/1. Vào ngày 20/1, Bắc Kinh lần đầu tiên ghi nhận những trường hợp lây bệnh từ người sang người, cho thấy virus trên dễ lây lan hơn so với đánh giá ban đầu. WHO đã tổ chức hai cuộc bỏ phiếu vào ngày 22 và 23/1 để quyết định có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng hay không, nhưng ủy ban chuyên trách của tổ chức này đã không thể đưa ra kết luận. Một cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 30/1 đã dẫn đến việc ban bố PHEIC.