Thượng viện Mỹ (14/5) đã thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ mà không cần bỏ phiếu, dọn đường cho các biện pháp trừng phạt quan chức Trung Quốc.
Theo thông tin trên, Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương. Dự luật yêu cầu Nhà Trắng đệ trình báo cáo lên quốc hội trong vòng 180 ngày, xác định những người được coi là chịu trách nhiệm ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ. Những cá nhân này sẽ bị trừng phạt bằng những hình thức như đóng băng tài sản ở Mỹ và bị từ chối nhập cảnh.
Sau khi được Thượng viện Mỹ thông qua, Dự luật sẽ được gửi đến Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát để xem xét. Nếu Hạ viện thông qua, dự luật tiếp tục được đưa tới Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump quyết định ký thành luật hay không. Dự luật do thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez đề xuất, được thông qua với sự đồng thuận của toàn bộ thượng nghị sĩ.
Từ năm 2017 đến nay, giới chức Mỹ liên tục có các động thái nhằm răn đe, lên án Trung Quốc trong vấn đề người Duy Ngô Nhĩ. Ủy ban Chấp hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC, 8/1) đã công bố một báo cáo nghiên cứu thường niên trong đó kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump trừng phạt Trung Quốc về vi phạm nhân quyền, đồng thời thúc giục quan chức Mỹ lưu tâm đến vấn đề nhân quyền liên quan đến Tân Cương khi đàm phán với Bắc Kinh, bao gồm cả đàm phán thương mại. Báo cáo cũng nêu chi tiết về cách Trung Quốc đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số, các nhà hoạt động nhân quyền và báo chí, trong đó tập trung sâu rộng vào vấn đề tại Tân Cương, nơi được cho là khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang “cải tạo” tại các “trại giáo dục” mà Trung Quốc lập ra. Ủy ban tin rằng tại khu tự trị miền tây bắc Trung Quốc, các nhà chức trách Trung Quốc có thể đang vi phạm nhân quyền. Báo cáo cho rằng, chính quyền Mỹ nên phát triển các quan điểm cụ thể về vấn đề nhân quyền cho quan chức Mỹ tham gia các cuộc đàm phán thương mại, những người thường xuyên liên kết tự do báo chí, ngôn luận với các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời khẳng định, tại Tân Cương, chính quyền Bắc Kinh đã và đang sử dụng camera nhận diện khuôn mặt và các hệ thống giám sát điện thoại di động để kiểm soát chặt chẽ người dân, báo cáo cho biết và nhấn mạnh “chính sách ngoại giao Mỹ phải ưu tiên thúc đẩy nhân quyền và pháp quyền tại Trung Quốc, không chỉ tôn trọng và bảo vệ phẩm giá cơ bản của người dân Trung Quốc, mà còn thúc đẩy tốt hơn về an ninh và thịnh vượng cho toàn nhân loại”. Báo cáo của Ủy ban Chấp hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) cũng chỉ ra rằng, để giải quyết vấn đề nhân quyền, Washington nên đưa ra các chính sách thắt chặt tiếp cận thị trường Mỹ đối với các công ty Trung Quốc đã đang ủng hộ hoặc cung cấp khả năng công nghệ kiểm soát bao gồm các hệ thống nhận diện gương mặt, công nghệ máy học và sinh trắc học. Ngoài ra, báo cáo của CECC cũng khuyến nghị chính quyền Trump áp đặt trừng phạt lên các doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc liên quan tới cách đối xử của họ với người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Ngày 29/10/2019, nhóm các nước tại Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu đã lên án Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và những dân tộc Hồi giáo khác ở Tân Cương; kêu gọi Trung Quốc duy trì luật pháp quốc gia và các nghĩa vụ, cam kết quốc tế trong việc tôn trọng quyền con người, bao gồm tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở Tân Cương và trên khắp Trung Quốc; khẩn trương thực hiện các khuyến nghị của các chuyên gia Liên hợp quốc về tình hình Tân Cương, gồm cả việc kiềm chế giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo khác. Trước đó, hơn 30 nước dưới sự dẫn đầu của Mỹ đã lên án Trung Quốc “đàn áp” người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, cho rằng các nước này đang vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia Trung Á nên từ chối yêu cầu của Trung Quốc trong việc buộc hồi hương các sắc dân thiểu số về Trung Quốc; cho rằng việc Bắc Kinh giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở miền Tây Trung Quốc không liên quan gì đến chống khủng bố, như Trung Quốc tuyên bố. Thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ coi đây một nỗ lực nhằm xóa bỏ các nền văn hóa và các tôn giáo của người thiểu số.
Tháng 11/2019, với số phiếu ủng hộ áp đảo 407 và chỉ có 1 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật Duy Ngô Nhĩ 2019, cho phép chính quyền Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích và phản ứng cứng rắn hơn trước hành động của Trung Quốc với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương. Dự luật trên đã nêu đích danh Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương, ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) và quy trách nhiệm cho ông này trong việc tạo ra các trung tâm giam giữ người thiểu số Hồi giáo, đồng thời kêu gọi trừng phạt thêm các quan chức cấp cao của Trung Quốc chịu trách nhiệm về các hoạt động đối với người Hồi giáo ở Tân Cương. Đây được coi là phiên bản cứng rắn hơn một bản dự luật tương tự đã được Thượng viện Mỹ tán thành hồi tháng 9 năm 2019. Đây cũng là lần đầu tiên một dự luật liên quan đến vấn đề Tân Cương yêu cầu trừng phạt các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Đáp trả Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng “đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Mỹ chỉ trích một cách bừa bãi chính sách của Trung Quốc về Tân Cương trong sự coi thường sự thật. Đó là sự can thiệp trắng trợn vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và chúng tôi phản đối và kiên quyết phản đối. Việc thành lập các trung tâm cải tạo tại Tân Cương hoàn toàn hợp pháp, nhằm mục đích cứu những người bị lừa dối hoặc thậm chí đã gia nhập lực lượng khủng bố và phạm tội nhẹ để giúp họ thoát khỏi tư tưởng cực đoan”. Ngoài ra bà Oánh còn chi trích các quan chức Mỹ “không quan tâm đến sự thật, bôi nhọ và chỉ trích tình hình nhân quyền ở Tân Cương và chính sách của Trung Quốc và cho rằng “sự can thiệp trắng trợn như vậy vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc sẽ chỉ khiến người dân Trung Quốc trở nên phẫn nộ hơn”. Theo bà Hoa Xuân Oánh, “Trung Quốc kêu gọi phía Mỹ hãy tôn trọng sự thật, hãy lý trí trở lại, loại bỏ tư duy chiến tranh lạnh, ngừng lấy các vấn đề liên quan tới Tân Cương như một cái cớ để can thiệp vào các công việc nội bộ của Trung Quốc, và chấm dứt ngay việc thúc đẩy dự luật này trở thành luật để tránh gây tổn hại cho mối quan hệ tổng thể giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Không những vậy, Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc (21/7/2019) công bố Sách Trắng “Những vấn đề lịch sử về Tân Cương”, cho rằng Tân Cương là một cộng đồng đa dạng về tôn giáo, nơi một số tín ngưỡng đã tồn tại hàng thế kỷ và chính quyền “tôn trọng quyền tự do của công dân trong việc tin hay không tin theo bất kỳ tôn giáo nào”. Sách Trắng “Những vấn đề lịch sử về Tân Cương” gồm 6.800 từ, mô tả Tân Cương là một cộng đồng đa dạng về tôn giáo, nơi một số tín ngưỡng đã tồn tại hàng thế kỷ, và chính quyền “tôn trọng quyền tự do của công dân trong việc tin hay không tin theo bất kỳ tôn giáo nào”. Theo sách trắng, Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc nằm ở phía Tây Bắc của Trung Quốc, ở vùng nội địa của lục địa Á-Âu, giáp với Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ. Khu vực này là nơi giao lưu giữa Trung Quốc cổ đại với các nền văn minh thế giới. Sách trắng chỉ ra rằng Trung Quốc là một quốc gia đa sắc tộc thống nhất và tất cả các nhóm dân tộc ở Tân Cương là một thành viên của quốc gia Trung Quốc. Trong quá trình phát triển lịch sử lâu dài, vận mệnh của Tân Cương luôn gắn liền với vận mệnh của quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, “các thế lực thù địch trong và ngoài nước, đặc biệt là các lực lượng ly khai dân tộc, các lực lượng cực đoan tôn giáo và các lực lượng khủng bố bạo lực, đã cố tình bóp méo lịch sử và nhầm lẫn đúng sai để đạt được mục đích chia rẽ và phá hoại Trung Quốc”; tìm cách xóa bỏ Tân Cương là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc. Sách trắng nhấn mạnh rằng lịch sử không thể bị làm sai lệch và sự thật không thể bị từ chối. Tân Cương là một phần không thể thay đổi của lãnh thổ của Trung Quốc. Tân Cương không bao giờ là “Đông Turkistan”, người Duy Ngô Nhĩ được hình thành thông qua di cư và hội nhập lâu dài và là một phần của quốc gia Trung Quốc, Tân Cương là một khu vực có nhiều nền văn hóa và tôn giáo, Hồi giáo không phải là tôn giáo duy nhất của tín ngưỡng tự nhiên của người Duy Ngô Nhĩ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn công bố Sách Trắng về đấu tranh chống khủng bố, cực đoan và đảm bảo nhân quyền ở Tân Cương. Sách Trắng khẳng định Tân Cương là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, giới thiệu sự hình thành của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan ở Tân Cương, sự vi phạm nhân quyền của các hành vi khủng bố bạo lực và cực đoan tôn giáo, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẽ kiên trì việc chống khủng bố mang tính phòng ngừa là nhiệm vụ hàng đầu, tổng kết kinh nghiệm và tiếp tục tích cực tham gia hợp tác quốc tế trong chống khủng bố; nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại, cũng là đối tượng đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế. Đồng thời cho biết, thời gian gần đây, khu vực Tân Cương và nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước nhiều vụ tấn công khủng bố của ba thế lực, gồm: ly khai dân tộc, cực đoan tôn giáo và khủng bố bạo lực. Sách Trắng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan ở Tân Cương phù hợp với tôn chỉ và nguyên tắc về chống khủng bố và bảo vệ những quyền cơ bản của con người của Liên Hợp Quốc. Theo số liệu Sách Trắng đưa ra, từ năm 1990 đến cuối năm 2016, ba thế lực đã gây ra hàng nghìn vụ khủng bố bạo lực tại Tân Cương, làm nhiều dân thường bị sát hại, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát công an hy sinh, gây thiệt hại lớn về tài sản. Trong đó, đáng chú ý là vụ bạo động xảy ra năm 2009 làm gần 200 người thiệt mạng, hơn 1.700 người bị thương và nhiều cơ sở vật chất bị phá hủy. Từ năm 2014 đến nay, Tân Cương đã triệt hạ được 1.588 băng nhóm và bắt giữ được gần 13.000 phần tử khủng bố bạo lực, thu giữ hàng nghìn thiết bị nổ. Ngoài ra, bên cạnh việc nghiêm trị các tội phạm khủng bố bạo lực, nước này còn chú trọng việc cải thiện dân sinh, tăng cường công tác tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm đảm bảo quyền con người cơ bản cho người dân sở tại. Trung Quốc cũng tái khẳng định việc chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức, song phản đối việc gắn liền chống khủng bố, cực đoan với một quốc gia mặc định nào đó hoặc các vấn đề dân tộc, tôn giáo, phản đối việc dùng “tiêu chuẩn kép” trong vấn đề chống khủng bố. Về hợp tác quốc tế, cùng với việc tuân thủ các nguyên tắc và quy định quốc tế, trong đó ủng hộ vai trò chủ đạo và điều phối của Liên Hợp Quốc trong hợp tác quốc tế chống khủng bố, Trung Quốc còn ký kết nhiều Công ước quốc tế, tổ chức các cuộc tập trận chung chống khủng bố, tiến hành giao lưu hợp tác song phương và đa phương nhằm trao đổi thông tin tình báo và hợp tác tư pháp.