Chính quyền Trung Quốc gần đây đã không ngừng leo thang hình thức ngoại giao “chiến binh sói” và giá họa cho các nước khác về nguồn gốc của mầm bệnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng
Chính sách ngoại giao này đã dấy lên sự phẫn nộ và phản kháng từ cộng đồng quốc tế. Ngày 13/5, tờ Handelsblatt – tờ báo kinh tế và thương mại hàng đầu của Đức, đã đăng tải một bài viết cho rằng Trung Quốc đang sử dụng một chính sách ngoại giao gây hấn và tổng kết lại các tình huống “ngoại giao chiến binh sói” do chính quyền Trung Quốc tự biên tự diễn thời gian gần đây, cũng như những hậu quả “trái đắng” mà nó mang đến.
Bài viết nói rằng các nhà ngoại giao của chính quyền Trung Quốc thường được gọi là “chiến binh sói”. Tên này có liên quan đến hai bộ phim hành động chiến tranh 3D cùng tên được trình chiếu tại Trung Quốc vào năm 2015 và năm 2017. Trong phim, người Trung Quốc đã anh dũng chiến đấu chống lại cái mà họ cho là các thế lực thù địch nước ngoài. Những bộ phim này chứa đầy cái gọi là “tinh thần ái quốc”.
Loại hỗn chiến quân sự trên màn ảnh rộng này cũng đã được các nhà ngoại giao Trung Quốc sao chép lại. Bản tính xâm lược không đổi, họ không ngừng phát động các đợt tấn công nhắm vào các nước khác.
Bài viết nói rằng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nhậm chức lãnh đạo ĐCSTQ và lãnh đạo nhà nước vào năm 2012 và 2013, chính sách ngoại giao của ĐCSTQ cũng đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của Bắc Kinh chưa bao giờ cực đoan và mất hết lý tính như trong cuộc khủng hoảng đại dịch lần này.
Bài viết đưa ra nhiều dẫn chứng. Ví dụ, sau khi Úc gần đây yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus ĐCSTQ, Bắc Kinh đã tạm ngừng nhập khẩu thịt bò từ Úc. Đại sứ Trung Quốc tại Úc cũng đe dọa tẩy chay các sản phẩm của Úc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Úc.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp đã đăng một bài viết ngắn trên trang web của Đại sứ quán vào tháng Tư, trong đó một quan chức ngoại giao giấu tên nói rằng “người già trong các viện dưỡng lão của Pháp không được chăm sóc”.
Hồi tháng 3, một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố vô căn cứ, cho rằng virus corona chủng mới đã được quân đội Hoa Kỳ đưa vào Trung Quốc.
Ngay đến cả Đức – đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Trung Quốc ở châu Âu, ĐCSTQ cũng đã phát động những cuộc tấn công dữ dội. Khi Đức thảo luận về việc liệu quy hoạch mạng 5G có chấp thuận sự tham gia của Huawei hay không, Đại sứ Trung Quốc tại Berlin đã công khai đe dọa tẩy chay tiêu thụ các hãng xe của Đức tại Trung Quốc.
“Tờ báo kinh doanh hàng đầu” của Đức chỉ ra rằng ĐCSTQ đang sử dụng mô thức tấn công được giới truyền thông gọi là “chiến binh sói” để đánh lạc hướng chú ý của người dân Trung Quốc với các vấn đề trong nước. Cách làm này không chỉ khiến các nhà ngoại giao ĐCSTQ gặp phải “thất bại thảm hại” ở hải ngoại, mà còn tổn hại mối quan hệ với các quốc gia trước giờ luôn cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.
Việc chính quyền Bắc Kinh không ngăn cản loại ngoại giao “chiến binh sói” này, cho thấy hành vi này đã được các quan chức cấp cao của Bắc Kinh chấp nhận. Điều này có thể sẽ tăng cường mâu thuẫn giữa Trung Quốc và châu Âu trong tương lai.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã phát sinh những thay đổi to lớn. ĐCSTQ đã trở nên tự phụ hơn, và châu Âu cũng đã dần từ bỏ ý tưởng ngây thơ rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia kinh tế thị trường dân chủ và tự do.
Tuy nhiên, bài viết này nói rằng ĐCSTQ phải hiểu một điều: khi sự ác cảm của công chúng và các chính trị gia đối với ĐCSTQ ngày càng tăng lên, khi những lời đe dọa và cáo buộc vô căn cứ làm mất lòng tin của các đối tác quốc tế, tình cảnh của ĐCSTQ sẽ khó khăn hơn. Tại Hoa Kỳ, tình cảm tốt đẹp của công chúng đối với chính quyền Trung Quốc đã xuống cấp đến mức thấp nhất trong lịch sử, và mối ác cảm này cũng đang tăng dần ở các nước châu Âu.