Một bài viết trên Washington Examiner chỉ ra rằng Bắc Kinh đang nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Mỹ tại Biển Đông bằng một chiến lược được chuẩn bị kỹ càng nhắm tới mục đích cuối cùng: độc chiếm vùng biển giàu tài nguyên. Và đại dịch Covid-19 là một cơ hội giúp họ hiện thực hóa tham vọng của mình.
Theo hai chuyên gia Bradley Bowman & Liane Zivitski (B&L), tác giả của bài viết, trong khi Hoa Kỳ đang bận chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gia tăng các hoạt động quấy nhiễu tàu chiến Mỹ trên Biển Đông. Hai nhà phân tích cho rằng, các hành động của ĐCSTQ nhấn mạnh một cảnh báo đối với Mỹ rằng Washington phải liên tục có các hoạt động quân sự ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm củng cố niềm tin của các nước trong khu vực và bảo vệ quyền tự do hàng hải cũng như lợi ích kinh tế và an ninh cốt lõi của Hoa Kỳ.
Vào tháng trước, các tàu chiến Hoa Kỳ liên tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông. Các tàu Mỹ đã di chuyển một cách hòa bình trong những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép, nhằm bác bỏ “yêu sách hàng hải tùy tiện và bất hợp pháp” của Bắc Kinh như một tuyên bố của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ về Trung Quốc.
Bắc Kinh loan báo rằng họ đã phái tàu chiến và máy bay để “xua đuổi” tàu USS Barry của Hải quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện những việc cần làm của họ, ngay sau đó, Hải quân Mỹ đã cử tàu USS Bunker Hill tiến vào vùng biển của quần đảo Trường Sa để khẳng định quyền tự do hàng hải quốc tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng hứa với Mỹ rằng sẽ không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông, mặc dù vậy, ĐCSTQ đã liên tục bồi đắp và quân sự hóa các đảo mà họ chiếm được ở vùng biển có vị trí chiến lược này. Hai chuyên gia B&L đánh giá, hành động ngang ngược cùng với các chiến thuật bắt nạt của Bắc Kinh trên Biển Đông đã thúc đẩy một cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở khu vực.
Nằm ở phía tây Thái Bình Dương, Biển Đông là cửa ngõ thương mại quan trọng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, hơn 3 nghìn tỷ USD hàng hóa được lưu chuyển qua vùng biển này hàng năm. Hiện 6 quốc gia có các yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông, nhưng Trung Quốc là quốc gia duy nhất tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển này.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài La Hay đã ra phán quyết bác bỏ đòi hỏi chủ quyền đường 9 đoạn trên Biển Đông của Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh tỏ ra bất chấp, họ đã bồi đắp thêm được khoảng 3.200 mẫu đất ở Biển Đông, biến những bãi đá hoặc rạn san hô ở vùng biển này thành những tiền đồn quân sự với những đường băng, cảng, máy bay chiến đấu, radar và ụ súng.
B&L nhận định, các quốc gia như Việt Nam và Philippines sẽ còn tiếp tục bị chèn ép nếu chính quyền Trung Quốc chặn được các hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực. Ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh có thể chưa đủ khả năng cản trở các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ, nhưng rõ ràng họ đang nỗ lực để thay đổi điều đó.
B&L cho rằng, những việc mà Bắc Kinh đang thực hiện có thể đưa tới một hệ lụy hết sức nguy hiểm, đó là họ sẽ “dần trở nên có chính nghĩa” nhưng thứ “chính nghĩa” này là trái với luật pháp và chuẩn mực quốc tế, những điều đã thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở nước Mỹ và trên thế giới.
Hai chuyên gia người Mỹ đánh giá, sẽ là ngây thơ khi tin rằng Bắc Kinh sẽ cảm thấy vừa lòng chỉ với những tuyên bố cứng rắn của mình. Chính quyền Trung Quốc đã và đang theo đuổi một kế hoạch hiện đại hóa quân sự toàn diện và đáng gờm hòng làm xói mòn quyền lực của Hoa Kỳ và thực sự họ đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.
Vào tháng Ba, Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã gửi một báo cáo tới Quốc hội cảnh báo rằng cán cân sức mạnh quân sự với Trung Quốc đang tiếp tục trở nên xấu đi.