Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSau Biển Đông, TQ có thể xây đảo nhân tạo ở Ấn...

Sau Biển Đông, TQ có thể xây đảo nhân tạo ở Ấn Độ Dương

Sau khi thuê đảo Feydhoo Finolhu – gần thủ đô Malé của Maldives và cách Ấn Độ khoảng 600 km, công ty Trung Quốc đã bồi đắp, biến đảo này từ diện tích ban đầu là 38.000 m2 thành 100.000 m2 như hiện nay.

Theo thông tin trên, các hình ảnh vệ tinh mới nhất chụp hòn đảo Feydhoo Finolhu ở Ấn Độ Dương đã gây ra những lo ngại nghiêm trọng đối với Ấn Độ. Các bức ảnh vệ tinh chụp vào tháng 1/2018 cho thấy quy mô ban đầu của hòn đảo vào khoảng 38.000 m2. Tuy nhiên, một bức ảnh chụp vào tháng 2/2020 cho thấy phần bồi đắp do Trung Quốc thực hiện, khiến diện tích hòn đảo tăng lên 100.000 m2. Hình ảnh cũng cho thấy công việc xây dựng đang diễn ra tại khu vực được bồi đắp.

Chuyên gia địa chính trị người Mỹ Hans Kristensen đã chỉ trích dự án trên vì các lý do môi trường, lo ngại rằng Trung Quốc có thể phá hủy bãi san hô khi bồi đắp khu vực. Không dừng lại ở đó, tàu Trung Quốc cũng đẩy mạnh hoạt động ở Ấn Độ Dương giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới. Các chuyên gia nhận định những diễn biến trên nằm trong cái gọi là chiến lược “chuỗi ngọc trai”, theo đó Trung Quốc mở rộng hiện diện hải quân ở khắp Ấn Độ Dương bằng cách xây dựng hạ tầng dân sự hàng hải tại những quốc gia thân thiện với họ. Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (trụ sở ở Ấn Độ) nhận định sẽ không có gì lạ nếu Trung Quốc lợi dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay để mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương…

Đảo Feydhoo Finolhu, cách Ấn Độ 600 km và nằm gần sân bay Male, đã được Maldives cho một công ty chưa rõ danh tính của Trung Quốc thuê 50 năm với giá 4 triệu USD vào tháng 12/2016. Theo giới chuyên gia, việc đảo quốc Maldives cho phép người nước ngoài mua đảo khiến các quan chức Ấn Độ lo ngại Trung Quốc có thể sớm tiến hành cải tạo, xây đảo nhân tạo ở Ấn Độ Dương, song song với hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Bà Eva Abdullah, một trong số 14 nghị sĩ Maldives phản đối, bỏ phiếu chống lại việc điều chỉnh luật, cho biết động thái này “sẽ biến Maldives trở thành thuộc địa của Trung Quốc” và hành động này sẽ “mở đường cho Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Maldives và biến đất nước chúng ta thành nước tiền tuyến giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đe dọa cán cân quyền lực ở Ấn Độ. Chúng tôi không thể phớt lờ sự đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc”.

Nhằm trấn an Ấn Độ và dư luận quốc tế, Tổng thống Maldives, Abdulla Yameen đã bác bỏ thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ dùng những đảo mua từ Maldives để làm căn cứ quân sự; khẳng định Chính phủ Maldives đảm bảo với chính phủ Ấn Độ và các nước láng giềng sẽ giữ Ấn Độ Dương là khu vực phi quân sự. Trong khi đó, Phó Tổng thống Maldives, Ahmed Adeeb cho biết, “chúng tôi không rao bán chủ quyền. Chúng tôi không muốn các quốc gia láng giềng, bao gồm Ấn Độ, phải lo ngại. Chúng tôi không muốn trở thành một mối đe dọa với các quốc gia láng giềng”.

Được biết, việc Trung Quốc có thể thuê Đảo Feydhoo Finolhu là do Quốc hội Maldives đã thông qua một điều khoản sửa đổi hiến pháp, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có số vốn hơn 1 tỉ USD được sở hữu đảo, với điều kiện 70% diện tích của đảo này được hình thành từ hoạt động bồi đắp, xây dựng trên biển. Động thái này ngay lập tức đã khiến New Delhi quan ngại. Ấn Độ – nước có quan hệ gần gũi với Maldives và Sri Lanka, từ lâu đã lo ngại can dự ngày một gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong bối cảnh Bắc Kinh theo đuổi dự án “Chuỗi ngọc trai” (String of Pearls) gắn với việc xây dựng cảng biển, cơ sở hạ tầng dọc Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, có thể hướng đến việc mở rộng sức mạnh quân sự ra bên ngoài. Một quan chức Ấn Độ giấu tên cho biết Trung Quốc sẽ nắm lấy cơ hội này để mở rộng hơn 1.200 đảo thuộc Maldives, án ngữ vị trí chiến lược tại Ấn Độ Dương.

Bắc Kinh lâu nay luôn khẳng định nước này không cần phải có căn cứ quân sự ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một thông cáo gần đây cho hay việc điều chỉnh luật là vấn đề nội bộ của Maldives, đồng thời cho rằng không dùng Maldives để bành trướng. Tuy nhiên, trong cuộc hội thảo vừa qua tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, Đô đốc Gary Roughead, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, cảnh báo Trung Quốc đang tiến hành chiến lược bành trướng mở căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương, thông qua các hoạt động tập trận chống hải tặc và ghé thăm cảng tại một số quốc gia nằm ở vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương. Các chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc một ngày nào đó sẽ vượt qua các rào cản và thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài nhằm bảo vệ lợi ích của nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới