Mỹ và một số nước đồng minh liên tục chỉ trích, lên án Trung Quốc vì COVID-19 khiến Bắc Kinh rơi vào thế bị động. Trước sức ép ngày càng gia tăng, Trung Quốc dần lộ rõ việc giấu nhẹ các thông tin về virus corona khi mới bùng phát ở Vũ Hán.
Theo dữ liệu tổng hợp của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến 8 giờ sáng 17/5, thế giới có tổng cộng gần 4,63 triệu người mắc COVID-19, với 311.425 ca tử vong. Mỹ có số bệnh nhân COVID-19 đứng đầu thế giới với gần 1,47 triệu người (88.730 ca tử vong), theo sau là Nga với hơn 272.000 người (2.537 ca tử vong), Anh với gần 241.500 người (34.546 ca tử vong), Brazil với hơn 233.100 người (15.633 ca tử vong) và Tây Ban Nha với xấp xỉ 230.700 người (27.563 người chết).
Sức ép ngày càng tăng
Mỹ, Australia và nhiều nước trên thế giới đang có những hành động cụ thể điều tra về COVID-19 để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho rằng cần phải có một cuộc điều tra kỹ lưỡng về nguyên nhân gây ra đại dịch này để đảm bảo rằng chúng có thể ngăn chặn điều tương tự diễn ra trong tương lai. Đây là hành động có trách nhiệm tối thiểu mà mọi người mong đợi và chính phủ Australia sẽ tiếp tục làm việc với tất cả các nước trên thế giới để cố gắng đạt được mục tiêu này. Tiếp sau Bộ trưởng Ngoại giao Australia, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham (28/4) tiếp tục khẳng định quan điểm của Australia về việc kêu gọi cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra độc lập về COVID-19 đồng thời nhấn mạnh Australia không đánh đổi lợi ích kinh tế với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cũng nhấn mạnh nước này “không thay đổi quan điểm về vấn đề sức khỏe cộng đồng trước bất kỳ sức ép hay mối đe dọa. Chúng tôi chỉ thay đổi chính sách khi liên quan đến an ninh quốc gia”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Trung Quốc gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người khắp thế giới và yêu cầu Bắc Kinh phải minh bạch thông tin về đại dịch COVID-19; nhấn mạnh “Chính quyền Trung Quốc biết rõ nhưng từ chối chia sẻ thông tin mà chúng tôi cần để đảm bảo an toàn cho mọi người. Trung Quốc có thể khiến thế giới rơi vào tình trạng bất ổn kinh tế”; đồng thời khẳng định ông có “bằng chứng khủng” về việc COVID-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán mặc dù các cơ quan tình báo của Mỹ và một số đồng minh khẳng định còn thiếu chứng cứ. Đáng chú ý, tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump (27/4) cho biết, Washington đang tiến hành “các cuộc điều tra nghiêm túc” về cách Trung Quốc xử lý sự bùng phát dịch COVID-19; cho rằng, dịch bệnh có thể đã được ngăn chặn nhanh chóng và không lây lan khắp thế giới nếu Bắc Kinh “dập tắt tại nguồn (khởi phát)”. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cho rằng COVID-19 gây hậu quả tồi tệ cho Mỹ hơn trận chiến Trân Châu Cảng năm 1941 và vụ khủng bố 11/9/2001.
Không những vậy, Đài CNN dẫn lời các nguồn tin tiết lộ Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhiều cuộc điện đàm với hàng loạt lãnh đạo các quốc gia đồng minh và đối tác nước ngoài trong 3 tuần qua để kêu gọi họ ủng hộ Mỹ, tham gia chiến dịch gây áp lực với Trung Quốc. Các quan chức Nhà Trắng cũng đã thảo luận hàng loạt biện pháp trừng phạt Trung Quốc liên quan đến đại dịch COVID-19, bao gồm bổ sung thuế quan đối với sản phẩm Trung Quốc, tước quyền miễn trừ quốc gia để có thể kiện Bắc Kinh đòi bồi thường và tăng cường sức ép đối với những công ty viễn thông Trung Quốc.
Hệ lụy nguy hiểm
Những chỉ trích này làm cho cạnh tranh chiến lược thêm sâu sắc. Quan điểm chủ đạo ở Mỹ là Trung Quốc về cơ bản là thù địch, là đối thủ cạnh tranh, chủ trương ăn trộm sở hữu trí tuệ của Mỹ và hủy diệt công ăn việc làm của người Mỹ để tranh đua vượt lên trước. Ngược lại, Trung Quốc coi Mỹ là một quốc gia tồi tệ và suy yếu, bắt nạt để kiềm chế Trung Quốc vì Mỹ không còn khả năng cạnh tranh công bằng với Trung Quốc. Chính trị nội bộ ở cả hai nước càng làm gia tăng thù địch.
Giờ đây khi COVID-19 đe dọa xóa sổ thành tựu kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump, ông coi việc đối đầu với Trung Quốc là thành tố trung tâm trong chiến lược tái cử của ông ta nhằm đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Trung Quốc phản bác tất cả cáo buộc về đại dịch, và nhấn mạnh thành công quản lý dịch bệnh của chính quyền. Thông tin virus xuất phát từ Mỹ được truyền thông Trung Quốc truyền tải rộng rãi và được nhiều người dân Trung Quốc tin là thật.
Tuy nhiên, chỉ trích của Mỹ về việc Trung Quốc đã cố tình che giấu thông tin trong thời gian đầu của dịch bệnh là đúng. Các nước khác như Australia cũng đã kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch. Vừa qua, Reuters đã đưa tin về một báo cáo nội bộ trình lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo về tâm lý chống Trung Quốc trên thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989 trong đó Mỹ dẫn đầu. Và Trung Quốc sẽ phản công lại chỉ trích của nước ngoài mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Theo giới nghiên cứu, căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới sẽ kéo theo những hệ lụy. Một là nguy cơ xuất hiện hành động quân sự. Trung Quốc đã chiếm đóng và kiên cố một số đảo ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Gần đây, Trung Quốc đã đánh chìm tàu Việt Nam ở khu vực tranh chấp. Trong khi đó, Mỹ khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc tự do hàng hải. Khi căng thẳng tăng cao, nguy cơ đụng độ cũng gia tăng. Điểm nóng nguy hiểm nhất vẫn là Đài Loan. Chắc chắn là cả Trung Quốc và Mỹ đều không theo đuổi chiến tranh. Tuy nhiên, cả hai đều cố thúc đẩy tiến bộ trong các hồ sơ kinh tế. Như báo cáo đặc biệt của The Economist tuần này chỉ ra hiện Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống tài chính song song nhằm tránh các cơ chế thanh toán quốc tế dựa trên đồng USD, và qua đó tránh các trừng phạt của Mỹ. Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung Quốc trong giai đoạn trước dịch COVID-19 có khả năng sẽ đổ vỡ. Ngoài ra, sự thù địch ảnh hưởng bất lợi đến hợp tác quốc tế trong ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và tội phạm quốc tế. Trong tuần này, EU tổ chức hội nghị kêu gọi tài trợ, huy động được 8 tỷ USD để hỗ trợ cho việc tìm kiếm vaccin để cứu sinh mạng con người và để đưa nền kinh tế hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Mỹ đã đứng ngoài cuộc và Trung Quốc chỉ cử cấp Đại sứ tham dự mà không có bất cứ cam kết nào. Để đưa ra những quyết định như vậy, chắc hẳn điều gì đó rất tệ hại đã xảy ra ở Washington và Bắc Kinh.
Trung Quốc dần yếu thế
Trung Quốc đã phải thừa nhận ngăn chặn một số thông tin về virus corona trong giai đoạn đầu bùng phát dịch vì lý do “an toàn sinh học”. Theo đó, Liu Dengfeng, một quan chức của phòng khoa học thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã xác nhận các phòng nghiên cứu trái phép đã được yêu cầu hủy những mẫu nCoV để “phòng ngừa rủi ro với an toàn sinh học và ngăn ngừa thảm họa thứ cấp do mầm bệnh không xác định”. Ông Liu cho biết khi các ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán, “các viện nghiên cứu chuyên nghiệp cấp quốc gia” đã làm việc tích cực để xác định mầm bệnh. Dựa trên nghiên cứu toàn diện và ý kiến chuyên gia, chúng tôi quyết định phân loại mầm bệnh gây dịch viêm phổi vào Loại II, khả năng gây bệnh cao, đồng thời áp đặt các yêu cầu an toàn sinh học đối với các hoạt động thu thập, vận chuyển và thử nghiệm mẫu, cũng như phá hủy các mẫu”.
Các mầm bệnh Loại II có thể lây truyền giữa người với người, động vật với động vật hoặc giữa người với động vật và gây ra các bệnh nghiêm trọng như SARS và bệnh đậu mùa. Theo thông báo của ủy ban y tế địa phương hồi tháng 2, những người xử lý mẫu nCoV được lệnh không cung cấp chúng cho bất cứ tổ chức hoặc phòng thí nghiệm nào không được phê duyệt. Các phòng thí nghiệm đã lấy mẫu nCoV trái phép trong giai đoạn đầu đợt bùng phát buộc phải tiêu hủy hoặc gửi chúng đến một trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh để lưu trữ.
Bên cạnh đó, Tiến sỹ Chung Nam Sơn, cố vấn cấp cao về y tế của chính phủ Trung Quốc, nói rằng, khi dịch COVID-19 mới bùng phát ở Vũ Hán, “chính quyền địa phương không nói ra sự thật” và hiện nay Trung Quốc đối mặt nguy cơ làn sóng lây lan COVID-19 lần thứ hai. Theo chuyên gia này, coronavirus mới có thể truyền từ người sang người, sau khi giới chức y tế Vũ Hán trong nhiều tuần liền nói rằng, không có bằng chứng rõ ràng về lây nhiễm từ người sang người và dịch “có thể ngăn chặn và khống chế được”. Tuy nhiên, tình hình trên thực tế rất tồi tệ và có quá nhiều người bị lây nhiễm ngay từ khi khởi phát dịch bệnh. Tiến sỹ Chung Nam Sơn nghi ngờ khi thấy con số mắc COVID-19 ở Vũ Hán được báo cáo chính thức vẫn ở 41 trong hơn 10 ngày dù số ca lây nhiễm tăng mạnh ở nước ngoài.
Trước đó, thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng từng thừa nhận rằng, chính quyền thành phố đã không kịp thời tiết lộ thông tin về coronavirus mới cho công chúng biết. Để sửa sai, Trung Quốc sa thải một số quan chức trong bối cảnh cách thức xử lý dịch bệnh của chính quyền địa phương bị chỉ trích dữ dội. Trong số họ có hai quan chức phụ trách Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, bí thư tỉnh ủy Hà Bắc và bí thư thành ủy Vũ Hán.