Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐàm luậnViệt Nam: Những động thái cứng rắn trên biển Đông

Việt Nam: Những động thái cứng rắn trên biển Đông

Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa ra thông báo, tình hình Biển Đông thời gian gần đây tiếp tục có những diễn biến xấu. Bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng “độc chiếm Biển Đông”, ngang nhiên củng cố sự hiện diện, khả năng kiểm soát trên thực địa.

Trước tình hình này, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương ven biển khảo sát, đánh giá toàn diện tình hình Biển Đông, tham mưu với Chính phủ trong thực hiện sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Lực lượng hải quân đã bố trí các tàu trực, tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt trên các vùng biển trọng điểm, sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra.

Bộ Quốc phòng đề nghịcác địa phương ven biển tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chủ quyền biển, đảo. Đề nghị các địa phương hợp tác chặt chẽ với các lực lượng quản lý biển trong xử lý các tình huống đột xuất xảy ra, không để bị bất ngờ.

Việt Nam đã tỏ rõ thái độ với Trung Quốc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, DKI. Cùng với đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý, phía Việt Nam đã có phương án quân sự, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Cụ thể là, Bộ Quốc phòng tăng cường chỉ đạo các lực lượng Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, Biên phòng…nắm tình hình trên các vùng biển; tổ chức lực lượng kịp thời xử lý các tình huống xảy ra không để bị động, bất ngờ. Đồng thời phối hợp cung cấp thông tin cho các bộ, ban, ngành Trung ương để phối hợp đấu tranh ngăn chặn các hành động gia tăng quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Đông.

Các lực lượng Hải quân, Phòng không – Không quân, Cảnh sát biển đã được Chính phủ đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại. Chủ động nghiên cứu, phát triển trang bị, vũ khí công nghệ cao, nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển.Tăng cường lực lượng tàu trực tại các vùng biển trọng điểm, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Trung Quốc.

Cùng với đó Bộ quốc phòng rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tổ chức diễn tập, luyện tập các phương án, hiệp đồng chiến đấu, xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển. Các lực lượng chức năng của Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển các nước trong khu vực; tổ chức tuần tra chung trên biển, duy trì an ninh, trật tự ở vùng biển giáp ranh, nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, kịp thời đập tan âm mưu của Bắc Kinh.

Hà Nội cũng đang âm thầm chuẩn bị hồ sơ đấu tranh pháp lý, đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp. Cụ thể là, xem xét khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế để giữ vững, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Quan điểm chung của chính phủ Việt Nam ta là, quán triệt tinh thần “kiên quyết, kiên trì”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng.

Tuy nhiên, với tư tưởng Đại Hán, với âm mưu độc chiếm biển Đông, Trung Quốc sẽ không từ một thủ đoạn xấu xa nào, biến không thành có, biến những vùng không có tranh chấp trở thành vùng tranh chấp, sẵn sàng tạo cớ để nổ súng chiếm nốt một số đảo ở Trường Sa. Vì vậy, là một quốc gia nhỏ, tiềm lực kinh tế quốc phòng còn hạn chế, Hà Nội chủ trương có đối sách phù hợp, giữ yên bờ cõi nhưng phải ổn định chính trị, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.

Chủ trương lâu dài của Hà Nội là, xây dựng lực lượng biển đủ mạnh để xử lý thắng lợi các tình huống. Tìm cách tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế, khu vực, các nước lớn để tránh để bị sơ hở cô lập; không để các nước khác chi phối, lôi kéo, chia rẽ, làm phương hại tới lợi ích quốc gia, dân tộc.

Để đấu tranh kiên quyết hơn nữa đối với các hành động leo thang quân sự, xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc trong thời gian tới, Hà Nội xác định, tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thông tin tuyên truyền cả ở trong và ngoài nước.Đặc biệt coi trọng truyền thông báo chí để nâng cao nhận thức về cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo.Tại sao lâu nay tờ Hoàn Cầu và nhiều tạp chí chuyên ngành của Trung Quốc thường xuyên la lối, xuyên tạc, đổi trắng thay đen về tình hình biển Đông, coi Việt Nam mới là kẻ gây phức tạp và “xâm chiếm” đảo của Trung Quốc, trong khi đó báo chí của Việt Nam lại tỏ ra rất “hiền lành”?

Gần đây khi Trung Quốc quyết định thành lập hai huyện Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), báo chí Trung Quốc ra rả lên án Việt Nam. Nhiều bài báo của Trung Quốc ngụy tạo chứng cứ, xuyên tạc sự thật lịch sử nhằm đánh lừa dư luận với “hệ quy chiếu” là “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi củaTrung Quốc”. Các báo này nhắc lại sự kiện năm 1974 khi quân đội Trung Quốc gây hấn, dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Sài Gòn.

Tờ Hoàn Cầu xưng xưng nói rằng: Từ ngày 15 đến 19-1-1974, chính quyền Sài Gòn huy động quân đội xâm phạm nhóm đảo “Vĩnh Lạc” trong quần đảo “Tây Sa”, đánh chiếm các đảo “Cam Tuyền” và “Kim Ngân”, vì thế “quân dân Trung Quốc đã vùng lên đánh trả, đánh đuổi quân đội Nam Việt, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ…”. Thật là một trò ăn cướp trắng trợn. Và cho tới nay, việc đòi lại Hoàng Sa quả là quá xa vời đối với Việt Nam!

Nhưng chưa đòi được không phải là chịu mất vĩnh viễn. Những ngày tháng 4 và tháng 5 vừa qua, phía Việt Nam đã có nhiều tuyên bố cứng rắn, mạnh mẽ hơn. Việc chuẩn bị cho các phương án chiến đấu cũng được tập dượt. Và đó là những dấu hiệu tích cực nhằm kiềm chế cái vòi bạch tuộc Bắc Kinh trên cái “Đường lưỡi bò” xằng bậy và vô lối.

RELATED ARTICLES

Tin mới