Ngày 18/4/2020, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam. Hai “quận” này lần lượt quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Tiếp đó, ngày 19/4/2020, Chính phủ Trung Quốc còn công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể địa lý ở Biển Đông, trong đó có đến 50 thực thể nằm ở đáy biển, lấn sâu vào Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước khác. Trước những động thái trên của phía Trung Quốc, trong những ngày qua, các chuyên gia hàng đầu khu vực về quan hệ quốc tế và tình hình Biển Đông, đã liên tục đưa ra nhiều nhận định đánh giá và khuyến nghị đối với các nước ASEAN nhằm chống lại hành động phi pháp và ngang ngược nói trên của Trung Quốc. Tiêu biểu nhất trong số họ là tiến sĩ Collin Koh Swee Lean – chuyên gia thuộc Trường Quan hệ quốc tế Rajaratnam, Singapore; giáo sư Jay Batongbacal – Đại học Luật, Đại học Philippines; tiến sĩ Oh Ei Sun – nhà nghiên cứu, nguyên cố vấn chính trị cho Thủ tướng Malaysia.
Đánh giá về các động thái mới của Trung Quốc đối với Biển Đông, cả ba chuyên gia trên đều nhất trí cho rằng, mưu đồ “độc chiếm” Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi, cho dù Bắc Kinh đang gặp phải một số khó khăn ở trong nước do đại dịch Covid-19. Theo tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, đây không phải là những “bước tiến” ở Biển Đông như một số người bình luận. Những động thái trên chỉ có nghĩa thể hiện sự nhất quán với những gì Trung Quốc đã làm trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ năm 2012 với việc tăng cường đẩy mạnh yêu sách “chủ quyền” theo “đường chín khúc” ở Biển Đông. Còn giáo sư Jay Batongbacal thì khẳng định, ý định “độc chiếm” Biển Đông của Bắc Kinh là rất rõ ràng, đã có từ lâu và nó gây bất lợi cho tất cả những nước khác trong khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Thông qua động thái này, Bắc Kinh vẫn tiếp tục chủ trương áp đặt ý chí “nước lớn” và tước đoạt chủ quyền của các quốc gia ven biển khác, chiếm đoạt tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của họ, bất chấp luật pháp quốc tế nói gì và cộng đồng quốc tế nghĩ gì. Đồng quan điểm, tiến sĩ Oh Ei Sun cũng cho rằng, Trung Quốc muốn gửi “thông điệp” đến các bên liên quan ở Biển Đông, cũng như những “người chơi” khác như Mỹ rằng, ngay cả trong lúc đang bị “chao đảo” vì đại dịch Covid-19, tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn không hề suy suyển.
Liên quan đến những gì Trung Quốc đang áp dụng ở Biển Đông hiện nay, giáo sư Batongbacal nhận định, đây là những chỉ dấu mới nhất của chiến lược chiếm lĩnh Biển Đông từng bước và lâu dài của Trung Quốc. Bắc Kinh hy vọng rằng mỗi động thái nhỏ sẽ không thu hút quá nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế và sẽ dễ được cộng đồng này không chú ý, bỏ qua, để đến một thời điểm nào đó trong tương lai, họ có thể lập luận rằng, cộng đồng quốc tế đã chấp nhận và mặc nhiên đồng ý với các hành vi đó của Trung Quốc. Trong khi đó, ông Oh Ei Sun cho rằng, chiến lược chính ở đây của Trung Quốc là ngăn cản hoặc làm suy giảm khả năng khai thác kinh tế của các bên ở Biển Đông, đến nỗi họ không thể tiếp tục tuyên bố những yêu sách liên quan của mình. Và nếu không được như vậy, Trung Quốc sẽ cưỡng ép họ để “cùng khai thác chung”.
Trước những diễn biến mới nhất ở Biển Đông, gần đây các nước trong khu vực đã tham gia vào “cuộc chiến công hàm” tại Liên hợp quốc, trong đó, Trung Quốc dường như tiếp tục vin vào cái gọi là “Tứ Sa”, thay cho “đường chín khúc” để đưa ra đòi hỏi “chủ quyền” gần như toàn bộ Biển Đông. Nhiều người đặt câu hỏi phải chăng việc lập các “quận” mới, đặt tên cho các thực thể địa lý như đã nói trên có phải nằm trong chiến lược “Tứ Sa” hay không? Trả lời cho câu hỏi này, giáo sư Batongbacal cho biết: Lập luận “Tứ Sa” là nỗ lực để Trung Quốc tái khẳng định yêu sách bất hợp pháp của họ bằng cách chuyển một yêu sách quá mức mơ hồ đối với toàn bộ vùng biển nằm trong “đường chín khúc”, thành một yêu sách quá mức mơ hồ khác đối với bốn nhóm đảo cùng vùng biển và các thực thể ở giữa và xung quanh chúng. Ông đánh giá, vì “đường chín khúc” quá phi lý và phi pháp, không được cộng đồng quốc tế chấp nhận, nên Trung Quốc đang cố gắng tiếp tục đẩy mạnh yêu sách đầy tham vọng của mình nhưng tránh đề cập đến “đường chín khúc” với hy vọng rằng, điều này có thể tránh được sự phản đối hay phản ứng tức thời của cộng đồng quốc tế. Lần này, họ đang nhấn mạnh các nhóm đảo là cơ sở và nguồn gốc của yêu sách nói trên. Xét cho cùng, sự nguy hiểm của cả hai yêu sách này là như nhau, bởi vì xem xét tất cả ý định và mục đích của hai yêu sách thì thật ra chúng cùng là một yêu sách, nhưng chỉ khác nhau ở cách trình bày.
Trong lập luận về “Tứ Sa”, Trung Quốc cũng cố tình áp dụng sai Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) bằng cách tuyên bố rằng, mọi nhóm đảo nói trên đều là quần đảo có thể được bao bọc bằng đường cơ sở thẳng như những gì họ đã làm đối với Hoàng Sa, và rằng thậm chí các khu vực chìm dưới biển cũng có thể được tuyên bố chủ quyền. Vì thế, việc Trung Quốc lập ra các “quận” mới gần đây và đặt tên các thực thể địa lý ở Biển Đông, kể cả những thực thể “ngầm” dưới nước là bước đi với mục đích nhằm khẳng định “chủ quyền”, đồng thời là nỗ lực để giới thiệu và thực hành lập luận “Tứ Sa” của họ. Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc có lập luận “Tứ Sa” hay “Ngũ Sa, Lục Sa” gì đó đi nữa thì cũng đều là sai lầm và vô căn cứ, nó giống như “đường chín khúc” mà thôi.
Theo tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, về mặt lý thuyết, lập luận về “Tứ Sa” cho thấy một dự báo là trong tương lai, Trung Quốc sẽ tuyên bố đường cơ sở quần đảo cho quần đảo Trường Sa tương tự như cách họ đã thực hiện cho quần đảo Hoàng Sa. Nhưng trong thực tế, đây hoàn toàn sẽ là một sự khiêu khích trắng trợn đối với các bên yêu sách khác và sẽ dẫn đến các phản ứng dữ dội của họ. Vì nếu như với vấn đề quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc có thể chỉ phải đối phó với một mình Việt Nam thì đối với vấn đề quần đảo Trường Sa, sẽ không phải như vậy. Trung Quốc sẽ phải đối phó với nhiều bên hơn và nguy cơ gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ các nước ASEAN là rất cao. Trong mọi trường hợp, tuyên bố đường cơ sở quần đảo là một chuyện, còn thi hành nó lại là một chuyện khác. Ngay cả khi Bắc Kinh có ý chí và quyền lực để làm như vậy, điều này đồng nghĩa với việc xâm phạm lợi ích của các bên khác.
Có ý kiến nói rằng, Trung Quốc đang tận dụng “khoảng trống” chiến lược hiện nay để thực hiện các bước đi nhằm hiện thực hóa yêu sách “Tứ Sa”. Đối với ý kiến này, ông Collin Koh Swee Lean nêu quan điểm, dù có hay không có “khoảng trống” chiến lược như hiện nay, Trung Quốc vẫn sẽ tiến hành những động thái đó. Có chăng, điểm khác biệt của lần này là Trung Quốc khai thác “khoảng trống” đó như là “cánh cửa cơ hội” để củng cố thêm lợi ích của mình. Đồng quan điểm, ông Batongbacal cho rằng, tình hình hiện tại đã mang đến cho Trung Quốc những “cơ hội” mới mà họ đang tận dụng để loại bớt trở ngại trong việc thực hiện chiến lược của mình. Mặc dù đã có lúc Trung Quốc thực hiện các bước đi yêu sách “chủ quyền” ngay cả khi không có “khủng hoảng”, nhưng rõ ràng hiện nay Trung Quốc đang sử dụng sự “khủng hoảng” để tối đa hóa khả năng mở rộng quyền kiểm soát và giảm thiểu khả năng các quốc gia khác thể hiện mạnh mẽ sự phản đối đối với các động thái của họ.
Liên quan đến tác động của các động thái trên của Trung Quốc đối với tình hình “nguyên trạng” ở Biển Đông và các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiện nay, cả ba chuyên gia trên đều cho rằng, những động thái này tiếp tục giúp tăng cường khả năng “kiểm soát” thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Trên thực địa, cái gọi là “nguyên trạng” ở Biển Đông lâu nay đã hầu như bị thay đổi vì các hành vi “phá phách” của Trung Quốc. Với việc xây dựng những hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa và bình thường hóa hành vi cưỡng ép của họ tại khu vực, Trung Quốc đã làm thay đổi “nguyên trạng” tình hình. Người ta chỉ có thể thấy Trung Quốc đang ngày càng làm xói mòn thêm cái gọi là “nguyên trạng” này mà thôi. Bên cạnh đó, tình hình hiện tại đã “kéo chậm” tiến độ đàm phán về COC mà ASEAN và Trung Quốc đang theo đuổi. Người ta đã có thể mong đợi một cuộc trao đổi hợp lý hơn giữa các bên về COC với sự nhìn nhận về những gì Trung Quốc đã làm. Song một lần nữa, Bắc Kinh đang tỏ ra họ sở hữu “đòn bẩy” đối với COC – bằng cách cho thấy họ có khả năng khiến quá trình này diễn ra nhanh hay chậm. Và phần nào đó, ASEAN đang ở vào thế bị động và bất lợi hơn trong quá trình này. Ông Batongbacal cho rằng, “nguyên trạng” Biển Đông đã thay đổi một cách rõ ràng, nhưng chưa dồn dập và đó là mấu chốt trong các bước đi “tích tiểu thành đại” của Trung Quốc. Sự đối đầu giữa Trung Quốc và các bên trên Biển Đông chỉ là nhất thời nhưng sẽ gây ra tác động lâu dài. Đó là điều khiến các chủ thể ngoài khu vực, chẳng hạn như giới đầu tư, sẽ không muốn nghĩ đến việc hợp tác thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở bất cứ đâu tại Biển Đông. Những động thái trên của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc đàm phán COC, bởi vì chúng thể hiện ý định thực sự của Bắc Kinh và hủy hoại bất cứ sự tin cậy nào đặt vào lập trường và đề xuất của họ. Theo tiến sĩ Oh Ei Sun, một thực tế trong quan hệ quốc tế là các quốc gia thường vừa theo đuổi các cuộc đàm phán vừa tạo ra các thực tế địa lý hoặc hành động ở thực địa, trong trường hợp này là trên biển, mặc dù năng lực của mỗi nước rất khác nhau. Vì vậy, tình trạng bế tắc ở Biển Đông sẽ tiếp tục.
Nhìn từ góc độ luật pháp quốc tế, giáo sư Batongbacal cho rằng, không có “điểm cộng” nào trong số các động thái trên của Trung Quốc giúp thúc đẩy hoặc củng cố lập trường pháp lý về “chủ quyền” Biển Đông của họ. Tại thời điểm này, bất kỳ hành động nào Bắc Kinh thực hiện cũng chỉ là những nỗ lực vị kỷ để tạo ra “vỏ bọc pháp lý” cho các hoạt động gây tranh cãi của họ. Chúng hoàn toàn không có tính ràng buộc đối với các quốc gia liên quan khác. Và vì vậy, cả ba chuyên gia đều cho rằng, những động thái trên thực sự phản tác dụng đối với Trung Quốc vì nó làm suy yếu niềm tin của ASEAN và cộng đồng quốc tế đối với cái mà Bắc Kinh đang ra sức tuyên truyền là “trỗi dậy hòa bình”. Song, dường như giới “tinh hoa” ở Bắc Kinh ít quan tâm đến những điều này hơn là tình hình trong nước mà họ đang phải đối mặt. Theo ông Batongbacal, Bắc Kinh tiến hành hoạt động trên giữa lúc này cho thấy, Trung Quốc không những không đáng tin cậy mà còn lộ rõ là một kẻ “nhỏ nhen” khi tranh thủ mọi cơ hội để chống lại các nước láng giềng nhỏ hơn, yếu thế hơn, bất chấp luật pháp quốc tế.
Cuối cùng, đề cập đến việc Việt Nam và những bên liên quan khác ở Biển Đông có thể làm gì để đối phó với những động thái ngang ngược đó của Trung Quốc, các chuyên gia trên khuyến nghị: 1/ Các bên có liên quan ở Đông Nam Á nên trao đổi thẳng thắn thông tin và quan điểm về lợi ích chung của họ, cũng như những gì họ muốn đạt được. Họ cũng nên thống nhất và thể hiện lập trường với tư cách một nhóm nước vì rất rõ ràng rằng, cá nhân từng nước sẽ có rất ít cơ hội đạt được bất cứ điều gì với Trung Quốc. Song nếu là một nhóm nước thì họ có thể mạnh hơn và có được nhiều “đòn bẩy” hơn, đặc biệt là khi chính họ đã tận mắt nhìn thấy Trung Quốc không hề kiềm chế trong việc mở rộng quyền kiểm soát ở Biển Đông. Ở đây, liên quan tới Philippines, công hàm ngày 22/04/2020 của Chính phủ Philippines gửi Trung Quốc liên quan đến việc radar của tàu chiến Trung Quốc chĩa vào tàu Hải quân Philippines ở vùng biển Philippines và việc Trung Quốc tuyên bố các phần lãnh thổ Philippines thuộc về tỉnh Hải Nam cho thấy, bất chấp những gì thể hiện ra bên ngoài, quan hệ Trung Quốc – Philippines không gần gũi và thân thiết như Trung Quốc hay ai đó đang cố gắng tô vẽ. Nó thể hiện rất rõ tính hai mặt trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc: Trong khi “ca ngợi” Philippines là quốc gia thân thiện, Trung Quốc vẫn tiến hành các hành động khiêu khích và thù địch trên biển chống lại Philippines. 2/ Lý tưởng nhất là ASEAN cần xây dựng một “mặt trận” đoàn kết trong vấn đề này, hoặc một “mặt trận” đoàn kết giữa các bên có yêu sách ở Biển Đông trong ASEAN. Trước tiên, ASEAN cần phải cùng nhau hành động và ít nhất là trong đàm phán COC, hãy đàm phán cùng Trung Quốc với tư cách là một khối thay vì để Bắc Kinh đàm phán riêng rẽ với 10 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, đây là một quá trình dài hơi. Bên cạnh đó, các bên trong ASEAN cần phải công khai lập trường về Biển Đông một cách vững chắc; bắt đầu tập trung xây dựng lực lượng có thể đối phó với các hoạt động cưỡng ép của Trung Quốc ở “vùng xám” trên biển. ASEAN cũng cần tăng cường khả năng phục hồi kinh tế bằng cách đa dạng hóa thị trường và đầu tư hơn nữa để giảm nguy cơ rơi vào tình trạng ép buộc kinh tế hoặc bẫy nợ của Bắc Kinh. Việc chính phủ Nhật Bản đang hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp của họ dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á rõ ràng là một cơ hội cho các nước ASEAN thực thi khả năng này.
Thành thật mà nói, những khuyến nghị của các chuyên gia trên không phải bây giờ mới có và cũng không phải chính giới các nước ASEAN không biết. Chỉ có điều là “cái tôi” của mỗi quốc gia trong mười quốc gia này vẫn đang quá lớn nên lâu nay chưa có gì đủ sức “kết dính” họ với nhau trong một “mặt trận” đối phó hiệu quả với Trung Quốc. Nhưng hy vọng giờ đây, âm mưu tạo “vỏ bọc pháp lý” ở Biển Đông của Trung Quốc bị bóc trần sẽ khiến “cái tôi” của từng nước “xẹp” dần đi, nhường chỗ cho cái “chúng tôi” lớn hơn là lợi ích của toàn khu vực thắng thế. Nhờ đó, cả Khối sẽ đồng lòng, chung tay hành động đáp trả những hành vi phi lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thì may ra mới buộc họ “tỉnh ngộ” mà dừng lại.
Comments are closed.