Trước việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Chính quyền Malaysia hầu như không đưa ra được tuyên bố cụ thể nào lên án hành vi của Trung Quốc. Điều này khiến Quốc vương Malaysia phải “phá lệ” ở cuộc họp quốc hội khác lạ.
Từ giữa tháng Tư, Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và một nhóm tàu hộ tống vào hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Trước hoạt động của Trung Quốc, Chính quyền Malaysia (23/4) mới đưa ra phản ứng chính thức. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Hishammuddin kêu gọi giải quyết vấn đề biển Đông bằng giải pháp hòa bình, song nhấn mạnh nước này quyết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình tại đó; cho rằng mặc dù luật pháp quốc tế bảo đảm tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến và các tàu khác trên biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định khu vực. Ngoài ra, ông Hishammuddin còn cho biết Malaysia sẽ tiếp tục liên lạc cởi mở với mọi bên liên quan, trong đó có Trung Quốc và Mỹ.
Lời tuyên bố muộn màng của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Malaysia là chưa đủ để người dân nước này cảm thấy hài lòng và yên tâm đối với tân Thủ tướng Muyiddin Yassin. Điều này khiến Quốc vương Malaysia Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah (18/5) phải đưa ra tuyên bố yêu cầu cảnh giác với tình hình hiện tại ở Biển Đông trong một phiên họp quốc hội hôm 18/5 về tình hình chính trị rối ren của quốc gia này. Tại phiên họp, Quốc vương Malaysia Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah đã kêu gọi các nhà lập pháp không gây ra bất ổn chính trị hai tháng sau cuộc khủng hoảng khiến chính phủ trước đó bị đó lật đổ chỉ sau 21 tháng cầm quyền; nhấn mạnh: “Hãy thể hiện sự trưởng thành trong chính trị. Chúng tôi tin rằng chỉ có sự đoàn kết của người dân và chính phủ mới có thể tạo ra một Malaysia ổn định, hòa bình và thịnh vượng” và kêu gọi các nhà lập pháp tuân theo “văn hóa làm chính trị sạch”. Quốc vương Malaysia cho biết ông hy vọng khuôn khổ chiến lược và chính sách quốc phòng trong tương lai của Malaysia sẽ tính đến tầm quan trọng của ngoại giao quốc phòng, các chính sách đối ngoại thực tế, các hiệp ước quốc tế và quốc gia ở Châu Á – Thái Bình Dương. Hoạt động lực lượng vũ trang của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông có sự gia tăng trong thời gian gần đây. Do đó, Malaysia phải luôn cảnh giác trên mặt trận hàng hải và khung chiến lược để duy trì lợi ích địa chính trị của quốc gia.
Được biết, đây lần đầu tiên trong lịch sử Malaysia, phiên họp quốc hội chỉ có bài phát biểu của quốc vương mà không dành thời gian thảo luận về chính sách giải quyết đại dịch hoặc thông qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm phản đối ông Muhyiddin.