Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững thay đổi đáng chú ý trong chính sách, hành động đối...

Những thay đổi đáng chú ý trong chính sách, hành động đối với vấn đề Biển Đông của Malaysia hiện nay trước các hành vi của TQ

Những tháng gần đây, dư luận dồn sự chú ý vào cuộc đối đầu giữa Malaysia và Trung Quốc tại khu vực Biển Đông khi tàu Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc bám theo tàu khảo sát dầu khí mà hãng Petronas của Malaysia vận hành, cùng với những phản ứng cứng rắn trước đó của Chính quyền Malaysia trước các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Các nhà quan sát nhận thấy rõ sự thay đổi trong cách tiếp cận và chính sách của Malaysia trong vấn đề này so với trước đây.

Dưới thời Thủ tướng Mahathir Mohamad, Malaysia đã công bố “Khung hướng dẫn” mới đối với chính sách đối ngoại của Malaysia, nhấn mạnh về cơ bản, Biển Đông phải là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột. Theo Tài liệu trên, Thủ tướng Mahathir đã đề xuất phi quân sự hóa tuyến đường hàng hải đang có tranh chấp gay gắt này và biến nó thành một khu vực hòa bình hữu nghị và thịnh vượng. Malaysia cũng nhấn mạnh mối đe dọa an ninh từ những tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông “đã được kiểm soát tốt và quản lý hiệu quả về mặt ngoại giao”, nhưng cảnh báo “có vài điểm nóng có thể gây ra khủng hoảng hoặc chiến tranh nếu không được xử lý một cách hợp lý”. Cũng theo tài liệu mới, Chính phủ Malaysia vẫn giữ lập trường không đứng về phía nào đối với các nước lớn và sẽ duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nhiều lần kêu gọi duy trì quan điểm Biển Đông mở cửa cho tất cả các tàu, thậm chí cả tàu chiến. Tuy nhiên, ông Mahathir Mohamad cũng nhấn mạnh rằng tự do như vậy không nên bị lạm dụng và không có tàu chiến nào có quyền lưu lại vĩnh viễn ở vùng biển tranh chấp vì điều này sẽ gây kích động cho các quốc gia xung quanh. Theo ông, các hành động kích động không phải là những gì mà chúng ta muốn thấy ở Biển Đông, cho rằng Malaysia cần tiếp tục kiểm soát các cấu trúc mà nước này có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông nhưng sẽ không chiếm thêm các cấu trúc nào khác. Trong khi đó, Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah cũng nhiều lần lên án việc tàu thuyền của Trung Quốc xuất hiện quanh bãi cạn Nam Luconia, thuộc bang Sarawak của Malaysia, khẳng định Malaysia sẽ duy trì quan điểm không quân sự hóa Biển Đông, đồng thời kêu gọi ASEAN có cách tiếp cận thống nhất trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Rõ ràng Malaysia đã thực thi chính sách mang tính cứng rắn, cương quyết hơn trong vấn đề Biển Đông, nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích. Mặt khác, Malaysia sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và từng bước ngăn chặn, lên án những hành động phi pháp của Bắc Kinh trong khu vực. Bộ Quốc phòng Malaysia cho rằng các yêu sách chủ quyền của Malaysia ở Biển Đông không thể bác bỏ, ngoại trừ ở những khu vực các nước láng giềng có tuyên bố chồng lấn; khẳng định các yêu sách của Malaysia được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) liên quan đến khu đặc quyền kinh tế (EEZ), nhấn mạnh yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là phi pháp vì không có quy định nào về quyền lịch sử. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia cũng tuyên bố trong bối cảnh sự bành trướng hung hăng của Trung Quốc, Chính phủ mới của Malaysia sẽ đưa ra lập trường cứng rắn hơn trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài hàng thập kỷ ở Biển Đông. Thủ tướng Mahathir từng yêu cầu các tàu chiến Trung Quốc nên được rút khỏi Biển Đông.

Ngày 12/12/2019, Malaysia đã đệ trình tới Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc (CLCS) việc xác lập thềm lục địa mở rộng (ECS) vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước này. Đây là đợt đệ trình đơn đăng ký từng phần kể từ đệ trình chung của Việt Nam và Malaysia về thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý năm 2009. Động thái này phủ định gián tiếp yêu sách đường 9 đoạn vô lý của Trung Quốc, mặc dù Malaysia không phải là một bên tham gia vụ kiện Biển Đông của Philippines. Nó cũng ngầm ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 cho rằng tất cả các thực thể cấu trúc đảo của quần đảo Trường Sa chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý và không thể yêu sách tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng mình. Điều mà từ trước đến nay, Bắc Kinh vẫn tìm mọi cách bác bỏ và không thực thi.

Malaysia đã cùng các nước ASEAN bày tỏ quan ngại về Biển Đông, kêu gọi các bên tránh làm tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo đất hay các sự cố nghiêm trọng. ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt được COC, kêu gọi các bên tăng cường niềm tin lẫn nhau, tự kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, tránh làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Mới đây nhất, phát biểu trước Quốc hội, Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah cho rằng, cần cảnh giác trong bối cảnh lực lượng vũ trang của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông gia tăng hoạt động thời gian gần đây. Theo Quốc vương Al-Sultan Billah Shah, khuôn khổ chiến lược và chính sách quốc phòng trong tương lai của Malaysia nên tính đến tầm quan trọng của ngoại giao quốc phòng, các chính sách đối ngoại thực tế, các hiệp ước quốc tế và quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương. “Hoạt động lực lượng vũ trang của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông có sự gia tăng trong thời gian gần đây. Do đó, Malaysia phải luôn cảnh giác trên mặt trận hàng hải và khung chiến lược để duy trì lợi ích địa chính trị của quốc gia”, Nhà vua Malaysia nói.

Nhìn chung, mặc dù Chính phủ Malaysia tuyên bố vẫn giữ lập trường không đứng về phía nào đối với các nước lớn và sẽ duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế hay thậm chí không phải là bên có tranh chấp, thì thực tế nước này đã có những xung đột với Trung Quốc khi các yêu sách của Bắc Kinh bao gồm cả thềm lục địa và EEZ của Malaysia. Vụ việc liên quan hoạt động thăm dò dầu khí vừa qua đã cho thấy, Malaysia đang là mục tiêu của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới