Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông nhằm ngăn chặn TQ...

Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông nhằm ngăn chặn TQ quấy phá

Trong bối cảnh Mỹ đang phải chịu ảnh hưởng, tổn thất nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng nước này đang phải gồng mình tăng cường hiện diện ở Biển Đông nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.

Theo số liệu thống kê đến ngày 21/5, Mỹ hiện là nước đang bị đại dịch COVID-19 “tàn phá” nặng nề nhất, với 1,58 triệu người nhiễm COVID-19, trong đó có 93.806 ca tử vong. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 03/2020 giảm hơn 6 %. Trong hơn 70 năm qua, lần đầu tiên tập đoàn chế tạo máy bay Boeing tuyên bố đóng cửa “vô hạn định các nhà máy” ở Seattle. General Electric đối tác không thể thiếu của Boeing sa thải 10 % nhân sự do các hoạt động trong ngành hàng không tại Hoa Kỳ giảm 95 %. Cũng chưa bao giờ các nhà máy xe hơi tại Mỹ đồng loạt đóng cửa từ ngày 18/03/2020 và đây là một lĩnh vực bảo đảm công việc làm cho 1,3 triệu Mỹ. Thêm một thước đo lường khác về đà sa sút tại Mỹ là mức tiêu thụ xăng dầu quay trở về với thời điểm của năm 1968 ! Hàng chục nhà sản xuất dầu đá phiến nhỏ bé tại Mỹ không tránh khỏi việc tuyên bố phá sản vào lúc dầu đá phiến mất 37 % trị giá trong vòng một tháng. Lớn hơn một chút, là các tập đoàn như Diamond Offshore ở Texas, Whiting Petrolium- Bắc Dakota … đã mất khả năng thanh toán. Ngay cả đến những ông vua dầu hỏa của Hoa Kỳ như ExxonMobil hay Chevron cũng phải “cắt giảm triệt để” các khoản chi tiêu. Theo thăm dò 27/04/2020 do hiệp hội quy tụ các doanh nghiệp Mỹ trên toàn quốc NABE thực hiện, tất cả những người được hỏi đều cho biết “doanh thu và đầu tư đã giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008 tới nay”. 30 % trong số này cho rằng “tình trạng đen tối đó còn tiếp diễn trong từ 3 đến 6 tháng nữa”. 17 % trong số những người được tham khảo y kiến đã phải sa thải nhân viên, 31 % tạm thời cho nhân viên “nghỉ phép” với hy vọng công ty hay cửa hàng được phép mở cửa lại trong “một vài ngày nữa”. Ngân hàng Bank of America dự báo GDP của Mỹ trong quý 2/2020 giảm 30 % và tổng sản phẩm nội địa Hoa Kỳ sẽ thấp hơn so với của năm ngoái hơn 10 %.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn không quên nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi số lượng và tần suất hoạt động của các tàu tình báo, giám sát và trinh sát của Mỹ gần như không thay đổi, khoảng hàng trăm hoạt động mỗi năm dọc theo bờ biển Trung Quốc thì các hoạt động quân sự khác đã tăng lên. Trong quý 1-2020, Không quân Mỹ đã điều số lượng máy bay hoạt động trên biển Đông nhiều gấp 3 lần so với bất kỳ quý nào của năm 2019. Hải quân Mỹ đã tiến hành 4 chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông trong quý đầu năm, trong đó có hai đợt diễn ra trong hai ngày liên tiếp. Con số này của cả năm 2019 là 8 chiến dịch. Hồi tháng 4, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry và tàu tấn công đổ bộ USS America đã tập trận với một tàu khu trục Australia gần nơi xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Malaysia về hoạt động thăm dò dầu khí. Tới tháng Năm, tàu chiến USS Montgomery và tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ cũng đã hoạt động gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia. Và gần đây nhất, hôm 12/5, tàu tấn công ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc lớp Independence của hải quân Mỹ cũng có mặt ở phía nam Biển Đông và gần tàu thăm dò West Capella. 

Theo giới học giả, Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông xuất phát từ nhiều yếu tố. Theo ông Mark J. Valencia, một học giả tại Viện Nghiên cứu Biển Đông tại thành phố Hải Khẩu của Trung Quốc, hoạt động tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ trên Biển Đông được cho là Mỹ không thể dung thứ cho sự bành trướng của Trung Quốc. Ngoài ra, sự xuất hiện liên tiếp của các tàu chiến Mỹ trên vùng biển chiến lược như Biển Đông là dấu hiệu cho thấy sự xuống cấp cơ bản của mối quan hệ Mỹ – Trung. Trong khi đó, ông Shi Yinhong, cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc tin rằng, Mỹ – Trung “thực chất đang rơi vào Chiến tranh Lạnh kiểu mới” và mối quan hệ hai nước đang dần thay đổi trong vài tháng qua. Nói cách khác, việc thổi bùng những căng thẳng vốn tồi tại ở Biển Đông chỉ là một phần trong tổng thể mối quan hệ xuống cấp giữa hai nước liên quan tới vấn đề thương mại, an ninh mạng, Đài Loan, trật tự thế giới và cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở châu Á. Một giả thuyết khác được đưa ra là Mỹ tăng cường phô trương sức mạnh quân sự trên Biển Đông nhằm phản ứng trước việc Trung Quốc cố tình phớt lờ những yêu cầu trước đó về việc từ bỏ các hành động ngang ngược và bành trướng ở vùng biển chiến lược như đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý, xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa trái phép cũng như điều động nhóm tác chiến tàu sân bay qua Biển Đông để thị uy.

Bên cạnh đó, ông Timothy Heath tại Viện Rand Corporation nhận định, tăng cường hoạt động của quân đội Mỹ một phần là vì những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết bất đồng giữa Mỹ – Trung đã thất bại. Điều này buộc Mỹ “không còn lựa chọn nào khác” là phải tăng cường hoạt động để chứng minh, “Mỹ thực sự nghiêm túc trong việc duy trì vị trí quốc tế của Biển Đông và sẵn sàng thực hiện những cam kết đã đưa ra với các đồng minh”.

Một số chuyên gia cho rằng, động thái của Mỹ là nhằm duy trì trật tự quốc tế trên Biển Đông. Cụ thể, trong tuyên bố hôm 7/5, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, “Mỹ cam kết duy trì trật tự dựa trên các quy định ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền tự do trên biển và quy định luật pháp”. Cũng theo ông Aquilino, “Trung Quốc phải chấm dứt hành động bắt nạt các nước Đông Nam Á để độc chiếm dầu mỏ, khí đốt và đánh cá ở ngoài khơi. Hàng triệu người dân trong khu vực đang phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên này để sinh sống”.

Cũng có giả thuyết tin rằng, Mỹ liên tiếp điều động máy bay và tàu chiến là nhằm phản ứng trước việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự vốn bị xem là mối đe dọa tới Đài Loan. Theo đó, máy bay quân sự Trung Quốc ít nhất là 6 lần trong năm nay đã áp sát không phận Đài Loan, buộc quân đội Đài Loan điều động chiến đấu cơ lên đường xua đuổi. Thậm chí, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh còn hai lần hoạt động sát đảo Đài Loan trong tháng Tư. Cũng trong tháng Tư, Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc đã tiến hành sứ mệnh tuần tra và chống ngầm trên khu vực Biển Đông. Trung Quốc cho biết mục đích của cuộc tập trận là để đối phó trước những hành động và nỗ lực của Mỹ nhằm “thu thập thông tin tình báo”.

Cũng có ý kiến nhận định việc tăng cường hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông còn nhằm chứng minh quân đội Mỹ luôn sẵn sàng hoạt động trong khu vực bất chấp dịch Covid-19 khiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải nằm bờ. Thậm chí, hôm 1/5, Mỹ đã điều động 4 máy bay ném bom hạng nặng B-1B cùng hàng trăm binh sĩ tới đảo Guam để tiến hành “sứ mệnh ngăn chặn” Trung Quốc.

Trên thực tế, Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông là nhằm bảo vệ lợi ích, an ninh của Mỹ và các đồng minh trong khu vực; duy trì hòa bình, ổn định tuyến đường hàng hải, hàng không ở châu Á – Thái Bình Dương và ngăn chặn các hoạt động bành trướng, trái pháp luật của Trung Quốc trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới