Mỹ đồng loạt triển khai tàu ngầm hạt nhân, tàu chiến nổi các loại, máy bay ném bom chiến lược tầm xa… và sắp đưa cả tàu sân bay trở lại khu vực tây Thái Bình Dương nhằm nhấn mạnh sự răn đe đối với Trung Quốc.
Dậy sóng với đông đảo chiến hạm
Ngày 22.5, một trang thông tin của Lầu Năm Góc đăng tải hình ảnh chiến đấu cơ E/A-18 Growler, chuyên về tác chiến điện tử, xuất kích từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Hình ảnh được chụp khi tàu đang hoạt động ở vùng biển Philippines. Trước đó một ngày, cả hai tàu sân bay Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) là USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đều ra khơi trở lại. Trước đó, tàu USS Ronald Reagan neo đậu tại Nhật Bản, còn tàu USS Theodore Roosevelt trải qua gần 2 tháng neo đậu tại đảo Guam để ứng phó việc dịch Covid-19 lây lan cho hàng loạt binh sĩ, thủy thủ đoàn trên tàu. Theo thông tin từ phía Mỹ, thì cả hai tàu đều tập trung vào các hoạt động ở vùng Indo-Pacific.
Chiến đấu cơ EA-18G Growler chuẩn bị xuất kích trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ở vùng biển Philippines
|
Đây là diễn biến mới nhất sau khi Mỹ đã điều động nhiều chiến hạm nổi đến Biển Đông hay rộng hơn vùng tây Thái Bình Dương nói chung trong những ngày qua. Với sự hoạt động trở lại của hai tàu sân bay, thì hải quân Mỹ gần như đang triển khai đầy đủ các loại chiến hạm, từ tàu tác chiến cận bờ, tàu khu trục, tàu tuần dương… đến tàu đổ bộ tấn công (có mang theo cả máy bay tiêm kích thế hệ 5 tàng hình F-35 để hoạt động như tàu sân bay) và cả tàu sân bay lớp Nimitz.
Ngoài ra, truyền thông Mỹ ngày 19.5 đưa tin Lầu Năm Góc điều động 7 tàu ngầm hạt nhân rời bến đến khu vực tây Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, từ cuối tháng 4 đến nay, Washington điều động oanh tạc cơ hạng nặng B-1 Lancer đến hoạt động ở vùng biển tây Thái Bình Dương, trú đóng ở đảo Guam.
Không những vậy, nhiều thông tin cũng cho thấy các máy bay trinh sát, máy bay chống tàu ngầm của Mỹ gần đây thường xuyên hoạt động ở khu vực. Như vậy, Mỹ đang triển khai một lực lượng đa dạng ở khu vực Indo-Pacific, hiện diện từ trong lòng biển đến trên mặt biển, trên không trung.
3 thông điệp của Mỹ
Trong đó, theo nhận định của TS Satoru Nagao khi trả lời Thanh Niên ngày 22.5, thì diễn biến đáng quan tâm nhất là việc điều động tàu ngầm. Kết hợp với các động thái khác, ông Nagao cho rằng các hoạt động quân sự mà Washington đang triển khai ở Biển Đông nói riêng hay Indo-Pacific nói chung hàm chứa 3 thông điệp nổi bật.
Một là răn đe việc Trung Quốc lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để gây rối là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Sự răn đe này diễn ra sau khi Bắc Kinh có hàng loạt hành vi đáng quan ngại ở Biển Đông cũng như vùng tây Thái Bình Dương như: dùng tàu cảnh sát biển đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; lập 2 đơn vị hành chính cấp quận huyện phi pháp để kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; thiết lập các cơ sở nghiên cứu “dân sự” trên Biển Đông để phục vụ ý đồ tăng cường quân sự; điều động nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đến vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư rồi tập trận ở Biển Đông… Trong bối cảnh như vậy, việc Mỹ đáp trả bằng sự răn đe là cần thiết.
Thứ hai, thông điệp không chỉ hướng đến Trung Quốc mà còn muốn truyền cho cả các đối tác trong khu vực rằng Mỹ ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và những quốc gia đấu tranh cho điều đó.
Thứ ba, cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ – Trung hiện nay ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) là cuộc cạnh tranh cho vai trò dẫn đầu thế giới. Nên nếu Washington không có thái độ mạnh mẽ thì sẽ mất địa vị vào tay Bắc Kinh. Chính vì thế, Mỹ phải tiến hành các động thái cần thiết.
Sẵn sàng sử dụng sức mạnh “khủng”
Liên quan các diễn biến trên, trả lời Thanh Niên ngày 22.5, chuyên gia Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và nay đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng có 4 điểm nhấn cần chú ý.
Mỹ bán ngư lôi hạng nặng cho Đài Loan
Theo AFP, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa ra thông cáo về việc phê chuẩn đề xuất bán 18 ngư lôi hạng nặng MK-48 và trang bị liên quan cho Đài Loan với tổng giá trị 180 triệu USD (4.194 tỉ đồng) và xem đây là giao dịch có lợi cho đôi bên. Theo đó, giao dịch này phục vụ cho lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Mỹ khi hỗ trợ bên mua tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì năng lực phòng vệ đáng tin cậy. Bên cạnh đó, thỏa thuận sẽ “giúp cải thiện an ninh của bên tiếp nhận và hỗ trợ duy trì ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến triển kinh tế trong khu vực”, theo thông cáo. Các ngư lôi có thể phóng từ tàu ngầm này sẽ được cung cấp từ nguồn dự trữ của hải quân Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối giao dịch trên và Thủ tướng Lý Khắc Cường khi phát biểu tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC) ngày 22.5 cho biết Trung Quốc “kiên quyết phản đối và răn đe bất cứ hoạt động chia rẽ nào nhằm tìm kiếm độc lập cho Đài Loan”.
Khánh An
Thứ nhất là Covid-19 đã không làm tê liệt lực lượng hải quân Mỹ trong khu vực. Hải quân Mỹ đủ sức và sẵn sàng ứng phó mọi diễn biến.
Thứ hai là thể hiện sự linh hoạt của quân đội Mỹ đối với tình hình khu vực. Sau khi rút máy bay ném bom B-52 khỏi chương trình đồn trú ở đảo Guam, thì Washington có thể điều động khẩn máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer quay lại Indo-Pacific và có thể đồn trú thường xuyên tại đây.
Thứ ba là các
tàu ngầm của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong sức mạnh hải quân và đây là thứ sức mạnh mà Washington luôn làm chủ để đảm bảo ứng phó cả các mối nguy trong lòng biển. Khi cần, Washington có thể điều động tàu ngầm với sức mạnh khủng khiếp. Đặc biệt, tàu ngầm của Mỹ được đánh giá hoạt động cực kỳ hiệu quả và có thể khiến cho Trung Quốc khó có một phương án đáp trả khả thi.
Thứ tư là sự hiện diện và khả năng ứng phó của Mỹ rất đa dạng, phong phú trước các đối thủ. Tất cả hình thành nên một sức mạnh răn đe nhằm vào Trung Quốc.