Wednesday, October 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHải quân Mỹ tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương -...

Hải quân Mỹ tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đối phó với TQ

Thời điểm gần đây, để đối phó và ngăn chặn các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc trong khu vực, Mỹ đã điều động lực lượng hùng hậu bao gồm tàu chiến, tàu ngầm, tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược… tới khu vực Thái Bình Dương.

Lực lượng tàu ngầm hùng hậu

Lực lượng tàu ngầm Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã có một bước đi bất thường trong tháng này khi tiến hành “các hoạt động ứng phó dự phòng” trên biển ở Tây Thái Bình Dương. Động thái kể trên nhằm hỗ trợ cho chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở của Lầu Năm Góc, chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Theo đó, ít nhất 7 tàu ngầm, bao gồm 4 tàu ngầm tấn công tại đảo Guam, tàu ngầm USS Alexandria ở San Diego và các tàu ngầm ở Hawaii, tham gia hoạt động mới nhất ở Tây Thái Bình Dương. Theo Chuẩn Đô đốc Blake Converse, Chỉ huy lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ, “các hoạt động của chúng tôi là minh chứng cho sự sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của chúng tôi theo luật pháp quốc tế”.

Tàu ngầm tấn công của Mỹ có khả năng tàng hình, đánh chìm tàu khác ​​bằng ngư lôi, bắn tên lửa hành trình Tomahawk và thực hiện nhiệm vụ giám sát bí mật. Theo tạp chí The National Interest, ngay cả khi tàu sân bay bị vô hiệu hóa, lực lượng tàu ngầm của Mỹ vẫn có thể tiếp cận một vùng biển quan trọng. Khả năng triển khai nhanh chóng là một yếu tố quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương, qua đó đối phó với khủng hoảng và xung đột trong khu vực.

Máy bay ném bom chiến lược B-1

Bộ tư lệnh Không quân Thái Bình Dương (PACAF ) của Mỹ cho biết đã điều động máy bay ném bom chiến lược B-1 thực hiện một nhiệm vụ trên Biển Đông. Các máy bay B-1 đã thực hiện một nhiệm vụ trên Biển Đông, vài ngày sau huấn luyện với hải quân Mỹ gần Hawaii, thể hiện mức độ đáng tin cậy của các lực lượng không quân Mỹ ứng phó môi trường an ninh đa dạng và biến động. Theo trang tin DefPost, số máy bay này thuộc Nhóm oanh tạc viễn chinh số 9 xuất phát từ căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam sau nhiều ngày tập trận với hải quân ở bang Hawaii.

Ngày 15/5, PACAF cũng đăng thông báo cho biết các máy bay chiến lược đã tiến hành diễn tập thuộc khuôn khổ Nhóm Tác chiến Ném bom trên biển Hoa Đông, sau đó trở về căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Trước đó, trong hai ngày 28-29/4, không quân Mỹ điều động máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer thực hiện các hoạt động trên Biển Đông. Tổng thời gian chuyến bay gần 32 tiếng.

Được biết, các máy bay ném bom của Mỹ liên tiếp tái xuất trên Biển Đông dù nước này đã kết thúc chương trình hiện diện thường trực máy bay ném bom chiến lược ở Guam. Không quân Mỹ (1/5) đã điều bốn máy bay B-1B Lancer cùng 200 nhân viên quân sự từ căn cứ không quân Dyess ở bang Texas đến đảo Guam. Mục đích của đợt chuyển quân này là “hỗ trợ lực lượng Không quân Thái Bình Dương huấn luyện cho các đối tác và đồng minh trong khu vực và thực hiện các nhiệm vụ răn đe nhằm duy trì trật tự dựa trên luật pháp ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. 

Tàu sân bay quay lại hoạt động

Thông tin B-1B thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông được đăng tải cùng ngày với thông báo từ hải quân Mỹ về sự trở lại của tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt sau gần hai tháng neo ở Guam vì bùng phát dịch COVID-19 trên tàu. USS Theodore Roosevelt là một trong hai tàu sân bay thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, bên cạnh tàu USS Ronald Reagan hiện đang được bảo dưỡng ở căn cứ hải quân Yokosuka của Nhật Bản.

Đây là chuyến ra biển đầu tiên của tàu Roosevelt kể từ khi phải đình chỉ nhiệm vụ hôm 26/3 để trở về quân cảng tại Guam. Tại đây, gần 5.000 thành viên thủy thủ đoàn tàu Roosevelt được xét nghiệm, trong đó hơn 1.000 người dương tính với nCoV. Sau khi tàu được khử trùng toàn bộ, số thủy thủ phù hợp để vận hành chiến hạm đã quay lại sau đợt cách ly và đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về phòng dịch. Tổng y sĩ Hải quân Mỹ Bruce Gillingham cho biết “rất tự tin” với tình trạng sẵn sàng về mặt y tế của tàu sân bay Theodore Roosevelt, bất chấp một số thủy thủ tái dương tính với nCoV sau khi quay lại chiến hạm. Trước khi ra biển, tàu Roosevelt triển khai một số hoạt động tập huấn sơ bộ tại cảng để kiểm tra mức độ sẵn sàng hoạt động của các hệ thống quan trọng trên tàu. Dù hơn 600 thủy thủ đang bị cách ly, tàu Roosevelt vẫn có thể ra biển vì có đủ nhân sự khỏe mạnh để vận hành các chức năng thiết yếu trên chiến hạm.

Dư luận đánh giá cao hoạt động của Mỹ

Bình luận viên William Cole của tờ Military cho rằng đợt triển khai đồng loạt tới Thái Bình Dương của hạm đội tàu ngầm Mỹ nhằm thể hiện chiến lược của Lầu Năm Góc về khả năng hoạt động linh hoạt và không thể đoán trước của các khí tài chiến lược trong cuộc cạnh tranh siêu cường với Trung Quốc và Nga. Các tàu ngầm tấn công của Mỹ có khả năng tàng hình tốt, đủ sức đánh chìm chiến hạm đối phương bằng ngư lôi, phóng tên lửa hành trình Tomahawk và tiến hành các hoạt động trinh sát mà đối phương không thể xác định được vị trí của chúng. Đợt triển khai tàu ngầm này cũng phát đi một thông điệp rằng đại dịch Covid-19 không thể cản trở nhiệm vụ và các hoạt động của hải quân Mỹ.

Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, Học giả tại Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng Mỹ đang tiếp tục tăng cường sự hiện diện của hải quân, cả tàu chiến nổi lẫn tàu ngầm, nhằm đẩy lùi các hành động của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng. Trong đó, việc Washington triển khai tàu ngầm có ý nghĩa quan trọng hơn tàu chiến nổi, bởi Bắc Kinh đang tìm cách kiểm soát khu vực trong lòng biển ở Biển Đông. Cụ thể, những hoạt động quân sự và “núp bóng” nghiên cứu khoa học gần đây của Trung Quốc dường như hé lộ việc nước này đang đẩy mạnh việc lập bản đồ nhiệt dưới nước, dòng chảy ở khu vực Biển Đông. Hơn thế nữa, Washington triển khai tàu ngầm đến biển Philippines lúc này khá đúng thời điểm, khi Bắc Kinh lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để tiến hành các hành vi gây mất an ninh trên Biển Đông. Bên cạnh đó, việc điều động tàu ngầm tập trận ở vùng biển Philippines có thể xem là bước ngoặt mới của Mỹ trong việc gửi thông điệp đến Trung Quốc về tình hình an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng. Nên dù cuộc tập trận diễn ra ở biển Philippines thì vẫn chứa đựng thông điệp của Washington gửi đến Bắc Kinh liên quan tình hình Biển Đông.

Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét Washington thông qua các hoạt động trên để nhấn mạnh 3 điều. Thứ nhất, trong ngắn hạn, hải quân Mỹ cần thể hiện sức mạnh để ngăn chặn Trung Quốc có những hành vi gây lo ngại trên Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngay cả khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải neo tại đảo Guam để xử lý dịch bệnh Covid-19, thì Mỹ vẫn thừa sức điều động một lực lượng đông đảo gồm tàu chiến nổi, máy bay chiến đấu và cả tàu ngầm để đảm bảo sức mạnh. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn đang vận hành tàu đổ bộ tấn công USS America có khả năng hoạt động như tàu sân bay. Vì thế, đây là một lực lượng hỗn hợp toàn diện. Thứ hai, trong trung hạn, Washington cũng cần gửi thông điệp rằng sẽ không để cho tàu ngầm của Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông. Bởi nhiều khả năng, Trung Quốc có thể điều động tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân đến hoạt động ở Biển Đông nhằm tạo nên vành đai răn đe hạt nhân, kết hợp cùng các tàu chiến nổi và máy bay bao quanh các thực thể và đảo mà nước này đang chiếm giữ phi pháp tại vùng biển này. Để phòng ngừa khả năng này, Lầu Năm Góc cần chứng minh rằng tàu ngầm của Trung Quốc sẽ vô dụng trước sức mạnh của hải quân Mỹ. Trong nội dung tập trận từ ngày 2 – 8.5 mà hải quân Mỹ tiến hành ở vùng biển Philippines thì có cả phần chống tàu ngầm chính là để khẳng định thông điệp này. Thứ ba, trong dài hạn, Mỹ cần chứng minh các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc liên tục quân sự hóa là vô dụng đối với chiến lược thôn tính Biển Đông mà Bắc Kinh theo đuổi. Trung Quốc đã tốn kém rất nhiều để phát triển hạ tầng, quân sự hóa các thực thể này vì tin rằng đây là phương tiện tốt nhất cho chiến lược vừa nêu. Nhưng sức mạnh quân sự ở các đảo, thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông có mạnh hay không? Cuộc tập trận vừa qua của Mỹ bao gồm tàu ngầm, tàu chiến nổi cùng máy bay. Mỹ cũng đang triển khai máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1 Lancer đến khu vực. Xét về sức mạnh quân sự, mỗi tàu ngầm mang theo 12 tên lửa hành trình Tomahawk. Các tàu chiến nổi cũng mang theo cơ số hùng hậu tên lửa Tomahawk và cả máy bay B-1 cũng mang theo 8 tên lửa loại này. Với tầm bắn khoảng 1.000 km, số tên lửa Tomahawk trên máy bay và tàu chiến Mỹ thừa sức vô hiệu hóa các thực thể, đảo mà Trung Quốc đang quân sự hóa ở Biển Đông.

Được biết, thời gian qua, Mỹ liên tục điều động nhiều tàu chiến nổi đến tập trận ở Biển Đông hoặc các vùng biển lân cận nằm ở khu vực tây Thái Bình Dương. Cuối tháng 3, hải quân Mỹ liên tục công bố hình ảnh chiến hạm tập trận bắn đạn thật phóng tên lửa. Cụ thể là hình ảnh tàu tuần dương USS Shiloh phóng tên lửa đối không SM2 (với tầm bắn gần 170 km) trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở biển Philippines, rồi tàu khu trục USS Barry phóng tên lửa ở vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Từ tháng 3 đến nay, hải quân Mỹ cũng đưa ra hình ảnh của hàng loạt cuộc tập trận với sự tham gia của nhiều chiến hạm như: tàu đổ bộ tấn công USS America mang theo chiến đấu cơ F-35 để triển khai tác chiến như tàu sân bay, tàu chiến cận bờ lớp Independence, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Trong đó, nội dung tập trận của Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và Nhóm tác chiến viễn chinh USS America trên Biển Đông hồi giữa tháng 3 đã được hé lộ thông qua video clip dài 52 giây do quân đội Mỹ công bố. Theo đó, ngoài việc triển khai chiến đấu cơ F-35 uy lực, thì Mỹ cũng tập luyện cả khả năng dùng máy bay lưỡng dụng Osprey V-22 (có thể cất hạ cánh thẳng đứng như máy bay trực thăng và bay như máy bay phản lực) để chở theo binh sĩ thủy quân lục chiến, hải quân thực hiện đổ bộ lên đảo. Tốc độ lên đến 500 km/giờ và bán kính chiến đấu lên đến 700 km, loại máy bay này là phương tiện hành quân khẩn cấp linh hoạt nhất hiện nay. Tàu USS America hiện đang mang theo máy bay Osprey V-22. Nếu Osprey V-22 giúp đổ bộ đường không, thì tàu đệm khí do tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio lại trở thành phương tiện đổ bộ đường biển. Tàu lớp San Antonio vừa qua cũng hiện diện trên Biển Đông. Trên không, từ tháng 3 đến nay, Lầu Năm Góc cũng nhiều lần điều động máy bay ném bom tầm xa B-1 Lancer, máy bay trinh sát săn ngầm P-3 Orion cùng một số loại máy bay trinh sát khác hoạt động tại Biển Đông. Bên cạnh đó, máy bay trinh sát săn ngầm P-8 Poseidon cũng từng hoạt động tại Biển Đông. Kết hợp những yếu tố trên, Washington đang hình thành một mạng lưới răn đe toàn diện nhằm vào Bắc Kinh trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới