Tuesday, October 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKhó khăn kinh tế và đại dịch COVID-19 không ngăn được TQ...

Khó khăn kinh tế và đại dịch COVID-19 không ngăn được TQ tăng ngân sách quốc phòng

Trung Quốc tuyên bố sẽ duy trì đà tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2020 ở mức 6,6%, dự kiến là 1.268 tỉ nhân dân tệ (tương đương 178,16 tỉ USD), mức độ đầu tư lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ.

Tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng

Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) Khóa XIII, Trung Quốc tuyên bố sẽ duy trì đà tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2020 ở mức 6,6% so với năm ngoái, dự kiến là 1.268 tỉ nhân dân tệ (tương đương 178,16 tỉ USD).

Được biết, Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng ở mức 1 con số kể từ năm 2016 sau 5 năm liên tiếp tăng ở mức 2 con số và trở thành quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm 2019, ngân sách quốc phòng tăng 7,5%, lên đến 1,19 nghìn tỷ RMB (khoảng 177,49 tỷ USD). Năm 2018, Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng 8,1% so với năm 2017, lên 1.110 tỉ nhân dân tệ (165 tỉ USD).

Người phát ngôn kỳ họp lần thứ 3 Quốc hội khóa 13 của Trung Quốc Trương Nghiệp Toại cho biết, Trung Quốc thực thi chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, do đó bất luận là về tổng lượng, bình quân đầu người hay tỷ lệ so với Tổng sản phẩm quốc nội GDP thì kinh phí quốc phòng của nước này đều ở mức độ thích hợp và kiềm chế. Trong nhiều năm qua, kinh phí quốc phòng của Trung Quốc đều rơi vào khoảng 1,3% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,6% của thế giới. Ông Trương Nghiệp Toại cho rằng, từ năm 2007 trở lại đây, hàng năm Trung Quốc đều gửi báo cáo chi tiêu quân sự cho Liên hợp quốc, nguồn tiền cũng như nội dung chi tiêu đều rất rõ ràng, hoàn toàn không có chuyện “giấu diếm” kinh phí.

Tuy nhiên, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng năm nay diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 1 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, bắt đầu từ tâm dịch Vũ Hán trước khi lan khắp đại lục. Bất chấp sự thể hiện èo uột của nền kinh tế, Trung Quốc chỉ giảm nhẹ mục tiêu đối với chi tiêu quân sự, cho thấy tham vọng tiếp tục nước này trong việc duy trì các chương trình quốc phòng. Cần lưu ý là Trung Quốc chỉ công bố số liệu thô về chi tiêu quân sự, không chia ra từng phần chi cho lực lượng khác nhau. Giới chức ngoại giao và chuyên gia nước ngoài cho rằng Bắc Kinh không đưa ra con số chính xác, mà thậm chí còn thấp hơn so với ngân sách trên thực tế.

Tập trung hiện đại hóa quân đội

Với việc duy trì mức ngân sách quốc phòng như hiện nay, Trung Quốc sẽ tập trung đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị cho quân đội. Theo đó:

Đầu tiên, Trung Quốc sẽ ưu tiên Hải quân: Bắt nguồn từ tham vọng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tập trung phát triển lực lượng Hải quân. Trong năm 2020, Trung Quốc đang dồn sức đóng tàu sân bay thứ ba và sẽ hạ thủy vào năm 2021, tiến hành chạy thử nghiệm trước khi bàn giao cho lực lượng hải quân. Theo những thông tin mới nhất, tàu sân bay mới của Trung Quốc có nhiều cải tiến, nhất là trang bị bệ phóng bằng điện từ và có khả năng mang lượng lớn máy bay chiến đấu.

Trung Quốc tiếp tục đóng các loại tàu khu trục Type 055. Tàu khu trục này có lượng giãn nước lên tới 12.000 tấn, trang bị tên lửa dẫn đường này được đánh giá là một trong những chiến hạm đáng gờm nhất trên thế giới, chỉ đứng sau “đồng nghiệp” Type Zumwalt của Hải quân Mỹ.

Bên cạnh đó, Hải quân Trung Quốc sắp tới sẽ “chào đón” tàu ngầm Type 095. Theo nhiều báo cáo, tàu ngầm này không tạo tiếng ồn như tiền nhiệm Type 093B. Chiếc tàu ngầm Type 095 đầu tiên đã được thi công vào đầu năm 2018 và dự kiến có tổng cộng 8 tàu sẽ được đóng. Tàu Type 095 sở hữu hệ thống đẩy không khí độc lập mới (AIP) tạo điều kiện để tàu ngầm này duy trì hoạt động dưới mặt nước trong nhiều tháng.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ đóng tiếp tàu đổ bộ trực thăng lớp Type-075. Type-075 được đánh giá là siêu tàu đổ bộ trực thăng, có khả năng tác chiến biển xa. Tàu dài 250m, chiều rộng 30m, mớn nước 8m, lượng giãn nước đầy tải 40.000 tấn, có thể di chuyển với vận tốc tối đa khoảng 23 hải lý trên giờ tương đương với khoảng 42,5 km/h. Tàu có khả năng mang 30 trực thăng các loại trong khoang chứa phía trong, ngoài ra có 4 thang máy nâng hạ để phục vụ việc đưa máy bay từ trong ra ngoài mặt boong. Thời báo Hoàn Cầu cho biết, Type-075 sẽ được trang bị các loại trực thăng chiến đấu Z-8 và Z-9, xa hơn là loại trực thăng Z-20 (nhiều chuyên gia cho đây là mẫu copy của trực thăng MH-60 của Mỹ). Cả hai loại trực thăng Z-8 và Z-9 đều có khả năng tác chiến đa nhiệm, tấn công tàu chiến và cả đất liền. Đặc biệt, Z-9 còn có thể phóng tên lửa đối không và tích hợp cả khả năng săn tàu ngầm. Chính vì thế, tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Z-8 hay Z-9 có thể được triển khai cho các hoạt động tấn công đảo, đổ bộ tấn công quy mô lớn vào đất liền. Bên cạnh đó do vẫn được thiết kế với khoang đổ bộ ngập nước, Type 075 còn có khả năng triển khai lính thủy đánh bộ theo cách truyền thống thông qua xuồng đệm khí và xe thiết giáp lội nước.

Thứ hai, tăng cường không quân: Trung Quốc đã thử nghiệm chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 FC-31 từ năm 2012. Nhiều khả năng FC-31 sẽ đi vào hoạt động chính thức từ năm 2020. FC-31 có thể thay thế dòng J-15 để hoạt động trên các tàu sân bay của nước này. Ngoài ra, các tàu sân bay của Trung Quốc vẫn thiếu hụt máy bay quân sự đảm nhận nhiệm vụ cảnh báo sớm và trinh sát. Do vậy, nhiều khả năng máy bay trinh sát cảnh báo sớm thế hệ mới của Trung Quốc JK-600 sẽ sớm hoạt động trên bầu trời. JK-600 đã được trang bị hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) hiện đại.

Một “chiến binh” khác sắp được phiên chế cho Không quân Trung Quốc là máy bay ném bom tàng hình vượt âm H-20. Theo các chuyên gia, H-20 ứng dụng thiết kế cánh bay (flying wing) tương tự mẫu B-2 Spirit của Mỹ, tối ưu cho tầm bay xa và khả năng tàng hình trước radar. H-20 được cho là đạt tầm bay 10.000 km và sử dụng 4 động cơ phản lực WS-10 không có chế độ đốt tăng lực. Cùng quan điểm trên, Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ cho biết, H-20 là máy bay ném bom chiến lược, tương tự loại B-2 và B-21. Loại máy bay mới của Trung Quốc này có thể được trang bị tên lửa hạt nhân lẫn tên lửa thông thường, với trọng lượng lúc cất cánh tối đa là hơn 200 tấn. Trung Quốc cũng có thể phát triển các biến thể của tên lửa CJ-10 cận âm với khả năng tàng hình.

Thứ ba, tập trung phát triển tên lửa liên lục địa mới. Trong năm 2020, quân đội Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ nhận tên lửa chiến lược phóng từ tàu ngầm JL-3. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết JL-3 có thể mang theo 10 phương tiện tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRV) chứa đầu đạn hạt nhân. JL-3 hiện trong quá trình thử nghiệm và có thể tấn công mục tiêu cách xa 12.000km. Với phạm vi hoạt động tầm xa như vậy, JL-3 có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ trong khi tàu ngầm chở tên lửa này vẫn nằm trong lãnh hải Trung Quốc. JL-3 sử dụng nhiên liệu rắn và là phiên bản phóng từ tàu ngầm của tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 vốn đi vào hoạt động từ nửa đầu năm 2018. Khi được hoàn thiện, JL-3 được coi có năng lực tương đương với tên lửa Trident II D-5 (Mỹ) và Bulava của Nga. Dự kiến, JL-3 được trang bị trên tàu ngầm năng lượng hạt nhân Type 096.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ phát triển các loại tên lửa siêu thanh, điển hình là tên lửa DF-17. Theo các thông tin ban đầu từ truyền thông Trung Quốc, quá trình phát triển DF-17 diễn ra từ năm 2009, thử nghiệm đầu tiên được tiến hành vào năm 2014. Tình báo Mỹ sau khi phát hiện việc Bắc Kinh thử vũ khí mới đã đặt cho nó tên định danh Wu-14 và sau đó là DF-ZF. Tên gọi chính thức DF-17 của vũ khí này được tiết lộ vào năm 2017. Tính từ thời điểm phát triển đến khi hoàn thành chỉ mất 10 năm, một khoảng thời gian kỷ lục. Nhìn từ bề ngoài dễ nhận thấy DF-17 có một tầng tên lửa đẩy thông thường và phần đầu đạn kiểu tàu lượn siêu âm thiết kế tương tự HTV-2 của Mỹ hay Avangard của Nga. Ước tính thông số kỹ thuật của DF-17 bao gồm chiều dài 14,4 m; trọng lượng 14 tấn, phần đầu đạn tàu lượn nặng khoảng 1,4 tấn; tầm bắn 1.700 km; tốc độ gia đoạn công kích mục tiêu lên tới 3200 m/s. Theo thông tin ban đầu, tên lửa đạn đạo DF-17 hiện trực thuộc căn cứ số 61 là quân đoàn nằm ở phía Đông nhắm đến Đài Loan, Okinawa (Hàn Quốc, Nam Nhật Bản cũng nằm trong phạm vi tấn công của nó). Một thông tin khác cho biết DF-17 hiện đang triển khai đến 3 lữ đoàn, nó là vũ khí chiến thuật cùng cấp DF-11/15/16. Dự kiến, DF-17 sẽ chính thức đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu đầy đủ vào cuối năm nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới