Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐàm luậnCần giải quyết hòa bình các vấn đề ở Biển Đông

Cần giải quyết hòa bình các vấn đề ở Biển Đông

Sức mạnh cường quyền và vũ lực dù có mạnh tới đâu cũng không thể giải quyết được những tranh chấp từ chủ quyền cho tới ảnh hưởng ở Biển Đông, trái lại chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác tại vùng biển không chỉ là huyết mạch của vận tải biển mà cả nền kinh tế khu vực cũng như quốc tế này.

Toan tính dùng sức mạnh áp đặt chủ quyền phi pháp 

Trong phát biểu mới đây tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã bất ngờ lên tiếng cảnh báo rằng, Washington đang thực hiện những chính sách tạo ra xung đột với Bắc Kinh và điều dễ đẩy hai nước đến một cuộc chiến tranh lạnh mới. Việc người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc phải nói về khả năng hai cường quốc hàng đầu thế giới có thể rơi vào tình trạng chiến tranh lạnh đã cho thấy cuộc đối đầu, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay gay gắt tới mức nào.

Trong hàng loạt những mâu thuẫn, va chạm Trung Quốc – Mỹ trên toàn cầu, cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc này ở Biển Đông là một cuộc đối đầu trực diện và gay gắt bậc nhất. Nói cách khác, Biển Đông hiện được xem như là một “tâm điểm” của đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó tiềm ẩn những nhân tố dễ dẫn tới va chạm, xung đột.

Mỹ thời gian qua đã có hàng loạt những động thái được cho nhằm phát đi thông điệp răn đe, kiềm chế đối với Trung Quốc ở Biển Đông như triển khai các tàu khu trục, tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược, thậm chí cả biên đội tác chiến tàu sân bay tiến hành tuần tra với sức mệnh được tuyên bố là để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không. Việc Mỹ triển khai gần như là thường trực các tàu tác chiến gần bờ tàng hình ở khu vực biển có giàn khoan dầu khí của Malaysia trong khi có sự hiện diện của nhóm tàu Hải Dương 8 mới đây chẳng khác nào một sự răn đe với các hành vi mà Washington từng chỉ trích là “bắt nạt” của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành ồ ạt việc quân sự hóa và phô trương sức mạnh tại vùng biển mà Washington tuyên bố có lợi ích sống còn này. Trung Quốc cùng với việc xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị nước này xâm chiếm bằng vũ lực và chiếm đóng trái phép từ năm 1974 thành căn cứ quân sự quy mô lớn nhất ở Biển Đông, đã ráo riết bồi đắp trái phép các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988 thành những đảo nổi nhân tạo rồi xây dựng thành các căn cứ quân sự lớn.

Các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, theo giới phân tích, là bàn đạp, là công cụ sức mạnh để nước này hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền đối với vùng biển này được đưa ra theo yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò” và tiếp đó là thuyết “Tứ sa”. Bởi yêu sách đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông theo “đường lưỡi bò” hay rộng hơn theo thuyết “Tứ sa” đều là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) nên Trung Quốc chỉ còn cách dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền đơn phương của mình.

Trung Quốc một khi độc chiếm Biển Đông theo yêu sách chủ quyền đơn phương và bất hợp pháp sẽ chi phối cả khu vực địa kinh tế, địa chính trị trọng yếu toàn cầu. Đó là điều mà Mỹ không thể chấp nhận và ngồi yên.

 Tham vọng chủ quyền ở Biển Đông vì thế là nguồn cơn dẫn tới không chỉ phản đối của các bên có chủ quyền hợp pháp mà còn dẫn tới đối đầu giữa các cường quốc có lợi ích chiến lược tại vùng biển này. 

Giới quan sát cho rằng va chạm lợi ích và ảnh hưởng chiến lược đang làm gia tăng tình trạng đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông. Phó trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Nam Á Reed Werner trong phát biểu ngày 19-5 vừa qua đã tiết lộ các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối máy bay trinh sát của Mỹ ít nhất 9 lần trên khu vực Biển Đông từ giữa tháng 3.

Chung tay vì một Biển Đông hòa bình, ổn định và hợp tác

Cho dù va chạm và đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông hiện chưa tới mức xảy ra xung đột hay chiến tranh. Tuy nhiên, “so găng” sức mạnh đó mang lại những nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Tranh chấp chủ quyền hay ảnh hưởng tại khu vực này không thể giải quyết bằng cường quyền hay sức mạnh quân sự, chỉ có đối thoại hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, mới là giải pháp đúng đắn, phù hợp với lợi ích của tất cả các bên liên quan, trước hết là của các quốc gia trong khu vực.

Là một bên trong cuộc tranh chấp “5 nước 6 bên” ở Biển Đông, là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn kiên quyết và kiên trì trên cơ sở thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, Việt Nam luôn nhất quán với chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Chính sách nhất quán đó được thể hiện cả trong lời nói và hành động.

Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức khác nhau như trung gian hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các Tòa Trọng tài.

Trong khi chờ đợi một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) với cam kết nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam luôn hoan nghênh mọi nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trên tinh thần đó, chúng ta hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và thực tiễn quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và khuyến khích các bên xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC).

Hòa bình, ổn định, hợp tác, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của cả thế giới. Vấn đề Biển Đông do đó phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; cần có sự chung tay của tất cả các nước trong và ngoài khu vực trên tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng, xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hợp tác và cạnh tranh luôn song hành với nhau, cạnh tranh là tất yếu, là động lực để thúc đẩy hợp tác phát triển, nhưng đó phải là cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế, không phải cạnh tranh để triệt tiêu lẫn nhau vì lợi ích của riêng quốc gia nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới