Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (23/5) cảnh báo sẽ ngừng chia sẻ thông tin tình báo nếu Australia không làm rõ việc bang Victoria tham gia dự án “Vành đai và con đường” với Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Sky News của Australia, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo về khả năng có những rủi ro nếu tham gia các dự án trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” do Trung Quốc khởi xướng. Đặc biệt nếu bang Victoria của Australia tham gia dự án viễn thông trong khuôn khổ sáng kiến này thì có thể sẽ đe dọa đến mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes mà Australia là một thành viên. Và nếu Mỹ cảm thấy không an toàn thì sẽ ngừng kết nối với Australia.
Đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, Người phát ngôn của Thủ hiến bang Victoria khẳng định bang này hiện tại “không và sẽ không tham gia dự án viễn thông trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Được biết, năm 2018, chính quyền bang Victoria đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Đến tháng 10/2019, bang Victoria đã thỏa thuận khung với Trung Quốc về việc tham gia “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.
Trong khi đó, Chính quyền liên bang Australia cho rằng bang Victoria đã vượt thẩm quyền khi tự đứng ra ký thỏa thuận quốc tế. Thủ tướng Australia Scott Morrison (24/5) khẳng định, chính phủ liên bang Australia không ủng hộ bang Victoria tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và ký thỏa thuận này với Trung Quốc vào năm 2018. Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh “các bang cần phải tôn trọng và công nhận thẩm quyền của chính quyền liên bang trong việc hoạch định chính sách đối ngoại”. Không chỉ hành động vượt thẩm quyền, thỏa thuận mà bang Victoria ký với Trung Quốc liên quan đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đều không được thông báo chi tiết cho chính quyền liên bang. Chính vì vậy mà chính quyền liên bang Australia không nắm được các lĩnh vực và dự án hợp tác cụ thể giữa hai bên. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton vừa yêu cầu chính quyền bang Victoria công khai các thỏa thuận. Trong khi đó thượng nghị sỹ Sarah Henderson thậm chí còn yêu cầu bang Victoria hủy bỏ thỏa thuận này.
Ông Michael Shoebridge, Giám đốc Chương trình Quốc phòng, Chiến lược và An ninh quốc gia, thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia nhận định, các dự án “hạ tầng cơ sở bây giờ không chỉ đơn thuần bao gồm bê tông và sắt thép” mà nó được kết nối với công nghệ số điều khiển các chức năng của nó. Vì thế các dự án cơ sở hạ tầng không chỉ đơn thuần là đường sá mà còn liên quan đến công nghệ thông tin, vấn đề mà chính quyền liên bang Australia buộc các công ty phải tuân thủ trong các thỏa thuận nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc sẽ đi qua ba châu lục: Á – Âu – Phi, để kết nối các vòng tròn kinh tế sôi động, nhất là với các nền kinh tế phát triển ở châu Âu. Cụ thể, “Vành đai” sẽ tập trung kết nối theo các hướng: giữa Trung Quốc với Trung Á, Nga và châu Âu (vùng Ban-tích); nối liền Trung Quốc với Vịnh Ba Tư và Địa Trung Hải qua Trung Á và Tây Á; kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Nam Á và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, “Con đường” sẽ thực hiện kết nối đường biển của Trung Quốc theo hai hướng: một là, sang châu Âu qua Biển Đông và Ấn Độ Dương; hai là, qua Biển Đông tới Nam Thái Bình Dương. Trên đất liền, Sáng kiến này sẽ tập trung xây dựng các kết nối đường bộ Á – Âu mới và phát triển các hành lang kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ – Nga; Trung Quốc – Trung Á – Tây Á; Trung Quốc – Bán đảo Đông Dương. Trên biển, Sáng kiến được tập trung vào phát triển các cảng biển, cơ sở hậu cần tại các nước dọc theo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nội dung của sáng kiến “Vành đai và Con đường” tập trung vào 05 lĩnh vực kết nối, gồm: chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tiền tệ và giao lưu nhân dân. Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra các cổng kết nối cụ thể từ Trung Quốc tới các nền kinh tế, gồm: khu tự trị Tân Cương, các tỉnh: Hắc Long Giang, Quảng Tây, Vân Nam và khu vực Tây Tạng. Với quy mô và phạm vi kết nối này, việc bảo đảm tài chính cho Sáng kiến là vấn đề có tính then chốt. Trước mắt, Trung Quốc thiết lập quỹ cho Con đường tơ lụa khoảng 40 tỷ USD, phần còn lại (khoảng 100 tỷ USD) do Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) đảm nhiệm.
Đây là sáng kiến có ý nghĩa toàn cầu, xuyên thế kỷ. Theo đánh giá của các nhà phân tích quốc tế, “Vành đai và Con đường” được thiết lập sẽ kiến tạo mạng lưới kinh tế, thương mại bao trùm khu vực rộng lớn với dân số 4,4 tỷ người, kết nối hơn 20 nước dọc theo Con đường đi qua, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 21 nghìn tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD trong vòng một thập kỷ, cũng như liên kết với các thị trường đang nổi, có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Không những thế, các khu vực mà Con đường đi qua đều có vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng. Đây là những khu vực giàu tài nguyên, trung tâm an ninh của khu vực và thế giới.
Đối với Trung Quốc, “Vành đai và Con đường” có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về đối nội và đối ngoại. Mặt khác, ý tưởng trên còn có ý nghĩa chiến lược hơn, bởi nó bao hàm an ninh truyền thống ở cấp độ khu vực và liên khu vực. Trong những năm qua, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở Nam Á, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương bằng chiến lược “Chuỗi ngọc trai”, tạo bàn đạp để nước này tăng cường tiềm lực cũng như khả năng tiếp cận hàng hải. Trên thực tế, không có nhiều điểm khác biệt giữa “Con đường tơ lụa trên biển” với “Chuỗi ngọc trai”, nhằm chiếm ưu thế về chiến lược. Nếu sáng kiến “Vành đai và Con đường” được hiện thực hóa, Trung Quốc sẽ đóng vai trò trung tâm địa chính trị – kinh tế toàn cầu.
Được biết, Five Eyes được thành lập theo một nghị quyết đa phương 50 năm trước với mục đích chia sẻ tin tình báo. Động thái mở rộng hợp tác với những nước ngoài nhóm như Nhật Bản hay Đức là tín hiệu phương Tây mở rộng mặt trận đối phó Trung Quốc trên phạm vi quốc tế. Hoạt động can thiệp của nước ngoài là trọng tâm nhóm nhắm đến. Ngoài Trung Quốc, Nga cũng là đối tượng Five Eyes muốn đối phó.