Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaIndonesia đệ trình Công hàm bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”...

Indonesia đệ trình Công hàm bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của TQ trên Biển Đông

Phái đoàn thường trực của Indonesia tại Liên Hiệp Quốc (26/5) đã gửi Công hàm cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bác bỏ những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Công hàm trên cũng được gửi cho Cơ quan về vấn đề đại dương và luật biển của Liên Hiệp Quốc. Nội dung Công hàm tái khẳng định lập trường của nước này về vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh, “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm UNCLOS năm 1982.

Theo đó, Indonesia khẳng định nước này không có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Với tư cách là quốc gia tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Indonesia lưu ý quan điểm về quyền hàng hải của các thực thể nêu trong công hàm năm 2010 đã được công nhận bởi Tòa phán quyết ngày 12/7/2016 trong vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines, rằng không có thực thể nào trên quần đảo Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Công hàm của Indonesia tái khẳng định, yêu sách của Trung Quốc về “đường 9 đoạn” là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Công hàm của phía Indonesia cũng nhấn mạnh nước này đã nhất quán trong việc thúc đẩy sự tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 và phản đối các yêu sách trái với luật pháp quốc tế. 

Phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên Hợp Quốc đưa ra công hàm trên để bày tỏ quan điểm trước 3 Công hàm của Trung Quốc bao gồm: Công hàm ngày 12/12/2019 của Trung Quốc phản đối bản đệ trình thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia; Công hàm ngày 23/3/2020 của Trung Quốc phản đối tuyên bố của Philippines; Công hàm ngày 17/4/2020 về quan điểm của Trung Quốc đối với bản đệ trình chung thềm lục địa mở rộng vượt ngoài 200 hải lý của Malaysia và Việt Nam.

Trước đó, liên quan vấn đề Biển Đông và tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc – Indonesia ở vùng biển Natuna, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (5/1) khẳng định chính phủ nước này sẽ không thỏa hiệp trong việc duy trì chủ quyền của Indonesia ở vùng biển Natuna; việc Trung Quốc viện cớ ngư dân nước này hoạt động ở vùng biển Natuna đã nhiều năm để ra yêu sách chủ quyền tại đây là không được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 công nhận và đã bị Toà trọng tài phản đối thông qua phán quyết năm 2016. Việc “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố cũng không có cơ sở pháp lý. Nghị sĩ này hoàn toàn đồng tình với quyết định của Tổng thống rằng không có sự thoả hiệp nào liên quan đến chủ quyền của Cộng hoà Indonesia tại Natuna với Trung Quốc. 

Không những vậy, trước hành vi xâm nhập của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, nước này đã tổ chức Hội nghị toàn thể cấp Bộ nhằm mục đích củng cố vị thế của Indonesia và ứng phó với tình hình trên vùng biển Natuna. Cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh và có sự tham gia của Tư lệnh Quân đội Quốc gia Indonesia, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Phó Giám đốc Cơ quan An ninh hàng hải, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Luật pháp và Nhân quyền cùng Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Indonesia. Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi đã tổ chức họp báo thông báo 4 quan điểm cứng rắn của Indonesia. Thứ nhất cần khẳng định các tàu Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Thứ hai, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Thứ ba, Trung Quốc là thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), do đó Trung Quốc bắt buộc phải tôn trọng tính thực thi của UNCLOS. Thứ tư, Indonesia không bao giờ công nhận “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đơn phương tuyên bố và không được luật pháp quốc tế công nhận, nhất là UNCLOS 1982. Theo Bộ ngoại giao Indonesia, “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đề ra, trong đó có cả vùng biển Bắc Natuna của Indonesia là không có căn cứ pháp luật. Yêu sách này của Trung Quốc đã khuyến khích nước này nhiều lần vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Ngoài ra, Indonesia cũng tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với sự xâm nhập từ Trung Quốc tại vùng biển Natuna. Tư lệnh Bộ chỉ huy Quốc phòng liên khu I, Chuẩn đô đốc Yudo Margono cho biết, quân đội Indonesia đã lên kế hoạch sẵn sàng chiến đấu trước các sự xâm nhập tại vùng biển Bắc Natuna, thuộc quần đảo Riau của Indonesia. Theo Chuẩn đô đốc Yudo Margono, Indonesia huy động tất cả các lực lượng từ không quân đến hải quân để kiểm soát an ninh hàng hải, đặc biệt là tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia phía Bắc Natuna sau khi các tàu cá với sự hỗ trợ của tàu hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện đánh bắt cá bất hợp pháp tại đây. Cụ thể, quân đội Indonesia đã triển khai ba tàu chiến, một máy bay trinh sát hàng hải, một máy bay quân sự Boeing của Quân đội Indonesia và hai tàu chiến khác cũng đang trên đường đến khu vực biển Natuna. 

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng ngang ngược cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền ở Biển Đông vì ngư dân của họ từ lâu đã đánh bắt cá ở vùng biển này. Trung Quốc cho biết con tàu di chuyển trong khu vực biển này thời gian gần đây là tàu bảo vệ biển Trung Quốc đang thực hiện các cuộc tuần tra thường lệ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới