Hải quân Mỹ (28/5) đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin tuần tra tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép.
Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Anthony Junco cho biết, vào ngày 28/5, tàu khu trục USS Mustin đã khẳng định quyền tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; nhấn mạnh khi tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng các vùng biển này nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp. Theo giới chức Mỹ, tàu khu trục lớp Arleigh Burke này đã đi vào khu vực 12 hải lý của đảo Phú Lâm và Đá Tháp ở quần đảo Hoàng Sa.
Động thái của tàu USS Mustin diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng vì hàng loạt vấn đề từ đại dịch Covid-19 đến vấn đề Hong Kong. Mỹ chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch về đại dịch Covid-19, trong khi đó cũng cảnh báo trừng phạt Bắc Kinh vì kế hoạch áp dự luật an ninh quốc gia với Hong Kong. Mỹ từ lâu cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trái phép các thực thể ở Biển Đông. Mỹ do vậy đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển này nhằm thách thức tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Tháng trước, Hải quân Mỹ từng 2 lần đưa tàu chiến đến thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tiếp tục một hoạt động như vậy vào tháng 3.
Phản ứng trước hoạt động tuần tra của Mỹ, Người phát ngôn Bộ Tư lệnh chiến khu Nam Bộ của Trung Quốc Li Huamin ngang ngược cho rằng tàu chiến của Mỹ đã đi qua vùng nước “của Trung Quốc” ngoài khơi “quần đảo Tây Sa” ở Biển Đông; cho biết Trung Quốc đã tổ chức các lực lượng hải quân và không quân bám sát, nhận diện, cảnh báo và xua đuổi tàu USS Mustin khi tàu này tiến vào Hoàng Sa.
Được biết, đảo Phú Lâm và Đá Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Sau khi sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động phi pháp trên quần đảo này nhằm tìm cách gia tăng kiểm soát và ngụy tạo bằng chứng khẳng định yêu sách “chủ quyền” đối với quần đảo Hoàng Sa. Từ đó đến nay, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối mạnh mẽ của dư luận các nước, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động phi pháp đối với khu vực này.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nâng cấp trái phép một đường băng dài 3.000m và một cảng nước sâu dài 1.000 m trên đảo Phú Lâm. Đường băng này có khả năng đón nhận ít nhất tám máy bay thế hệ thứ tư như máy bay chiến đấu SU-30MKK và máy bay ném bom JH-7, trong khi các bến cảng có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và kinh tế của Trung Quốc trong toàn bộ khu vực Biển Đông Việt Nam. Trên đảo còn có đài kiểm báo, kênh đào và nhiều tiện nghi quân sự khác. Tháng 5/2018, Trung Quốc triển khai 02 bệ phóng tên lửa HQ-9 ra bãi biển phía Bắc đảo Phú Lâm, đặt cạnh các hệ thống radar đe dọa an toàn hàng không khu vực. Tất cả đều được phủ lưới ngụy trang. Hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 77 km và có sức đe dọa bất cứ máy bay, cả quân sự và dân sự, hoạt động gần đó. Trước đó, từ tháng 2/2016, nhiều đơn vị HQ-9 cũng đã được Trung Quốc triển khai ra Hoàng Sa. Trung Quốc đặt Bộ chỉ huy toàn thể lực lượng quân trú phòng quần đảo Hoàng Sa trên đảo Phú Lâm. Căn cứ quân sự này kiên cố nhất trên Biển Đông. Trung Quốc Hồng Lỗi cũng công khai thừa nhận rằng Trung Quốc đã bố trí tên lửa chống hạm YJ-62 ở đảo Phú Lâm.
Ngoài ra, Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự tại đảo Phú Lâm. Gần đây nhất, vào tháng 5/2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố đoạn video cho thấy máy bay ném bom chiến lược H-6K đã cất hạ cánh từ một trên những hòn đảo ở Biển Đông. Chiếc H-6K này đã tiến hành các cuộc không kích mô phỏng chống lại lực lượng hải quân đối phương giả định. Trước đó, mạng Tin tức Trung Quốc cho biết khoảng 20 tàu thuyền của các cơ quan chức năng biển của Trung Quốc và tàu của ngư dân, binh lính đóng trái phép trên đảo Phú Lâm đã tổ chức diễn tập. Cuộc diễn tập chia làm ba phần, gồm diễn tập biên đội tàu thủy; giả định xử phạt tàu đánh cá Trung Quốc vi phạm qui định đánh bắt ở biển và xử phạt tàu nước ngoài mà Trung Quốc cho rằng xâm phạm vùng biển nước này cho là thuộc chủ quyền của mình; diễn tập các hoạt động cứu hộ khẩn cấp trong trường hợp có người rơi xuống biển.
Trước các hoạt động phi pháp trên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhiều lên lên án “việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể có tranh chấp tại Biển Đông chỉ làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn khu vực”. Mỹ đã có nhiều phản ứng phản đối Trung Quốc như rút lại lời mời Hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018; tiến hành hàng loạt chuyến tuần tra tự do hàng hải, diễn tập quân sự ở Biển Đông bằng tàu thuyền và máy bay ném bom B-52; lên án Trung Quốc tại các diễn đàn song phương và đa phương. Nhiều nước khác như Anh, Pháp, Australia, Ấn Độ, New Zealand… cũng đã chỉ trích và triển khai tàu chiến tới tuần tra tự do hàng hải, tăng cường hợp tác hàng hải với các nước để đối phó với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Philippines Roilo cho rằng cần phải tiến hành cuộc chiến pháp lý như là cách ôn hòa buộc Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Hiến chương Liên hợp quốc về Luật biển (PCA) hồi tháng 7/2016, trong đó bác hỏ hoàn toàn tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam hết sức quan ngại trước các thông tin nêu trên và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay (COC). Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc”.