Saturday, November 23, 2024
Trang chủĐàm luậnAi châm ngòi cho Chiến tranh lạnh và Chiến tranh nóng trên...

Ai châm ngòi cho Chiến tranh lạnh và Chiến tranh nóng trên biển Đông?

Hôm 1/6 Hoa Kỳ đã chính thức gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối các yêu sách hàng hải bất hợp pháp trên Biển Đông của Trung Quốc. Nội dung bức công hàm có đoạn: “Phản đối các yêu sách hàng hàng bất hợp pháp của Trung Quốc tại Liên hợp quốc.”

Theo công hàm này, Hoa Kỳ kiên quyết bác bỏ các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc vì nó không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật biển 1982.

Đây là động thái cứng rắn về ngoại giao của Wasinghton. Theo các nhà phân tích, từ đầu năm đến nay, trong cơn bão dịch Covid-19, Trung Quốc đã có nhiều hành động làm phức tạp, căng thẳng tình hình trong khu vực, nhất là trên biển Đông. Đáng lên án là các hành động khiêu khích và cưỡng ép quân sự và bán quân sự ở Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Biển Đông, eo biển Đài Loan, cũng như khu vực biên giới Trung Quốc – Ấn Độ.

Nói một đằng làm một nẻo. Những động thái của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố hay ho của họ, rằng: phản đối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình. Trước những việc làm vô thiên vô pháp đó, Wasinghton khẳng định, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện quyền di chuyển và hoạt động ở bất kỳ khu vực nào mà luật quốc tế cho phép, bao gồm khu vực Biển Đông. Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác và hỗ trợ các đối tác, cũng như đồng minh chống lại những hành động lấn lướt của Trung Quốc.

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Nam Á Reed Werner hôm 21/5 vừa qua đã tiết lộ, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những cuộc chạm trán “không an toàn” ở Biển Đông. Đã có ít nhất 9 sự cố liên quan đến máy bay chiến đấu của Trung Quốc và máy bay Mỹ trên không phận Biển Đông kể từ giữa tháng 3 đến nay.

Hồi tháng 4/2020, một tàu hộ tống đi cùng một nhóm tàu sân bay của Trung Quốc đã có động thái “không an toàn và không chuyên nghiệp” gần tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin của Hải quân Mỹ. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, xu hướng hiện nay của Trung Quốc rất đáng lo ngại. Quân đội Mỹ đã tìm cách tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Thái Dương. Riêng lực lượng Hải quân Mỹ đã tiến hành hàng loạt hoạt động tự do hàng hải nhằm cảnh cáo Trung Quốc.

Mặc dù Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vẫn nói trơn tuột rằng, Bắc Kinh không lợi dụng Covid-19 để lấn lướt trong các đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông, thế nhưng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố ngược lại, rằng Trung Quốc đã lợi dụng tình hình các nước đang tập trung đối phó với Covid-19 liên tục lấn tới trên Biển Đông. Các nước láng giềng bị Trung Quốc bắt nạt là Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Trước thực tế liều lĩnh, thô bỉ như vậy, nhưng Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn phát biểu: “Thật đáng tiếc, bên cạnh việc virus corona đang lây lan, còn có virus chính trị cũng đang hoành hành. Virus chính trị này đang sử dụng mọi cơ hội để nói xấu Trung Quốc”. Nó điều này, ông Vương Nghị muốn ám chỉ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bởi ông đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về việc không minh bạch trong cung cấp thông tin dịch bệnh Covid-19, nghi ngờ về nguồn gốc virus corona chủng mới vốn phát xuất từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Không chỉ có Chiến tranh Lạnh mà còn có Chiến tranh nóng đang hiển hiện ở biển Đông. Hoa Kỳ đã phản công bằng cách huy động lực lượng đáp trả, nhằm tái khẳng định các cam kết về an ninh hàng hải trong khu vực, đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự trên biển Đông và các vùng nước liền kề, bao gồm các màn trình diễn ồ ạt của Không quân, Hải quân, kết hợp cùng tàu chiến và tàu ngầm. Hồi cuối tháng 4, Lầu Năm Góc đã cùng lúc điều ba tàu chiến là USS Bunker Hill, USS America và USS Barry tới Biển Đông. Tham gia cùng các tàu chiến của Mỹ còn có một tàu khu trục của lực lượng Hải quân Hoàng gia Úc.

Trong tháng 5 Mỹ lại tiếp tục điều động lực lượng quy mô lớn tại khu vực. Hôm 15/5/2020, tàu khu trục USS Rafael Peralta lướt qua khu vực chỉ cách bờ biển Thượng Hải 116 hải lý. Con tàu thứ 2 này xuất hiện ở khu vực Biển Hoàng Hải, phía bắc biển Đông. Cũng như con tàu thư nhất, các con tàu này đều mang theo hệ thống hỏa tiễn có khả năng tấn công và chống phi cơ. Lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Hoa Kỳ, tuyên bố rằng tất cả các tàu ngầm tiền phương của họ đều đồng loạt tiến hành các hoạt động ứng phó dự phòng ở Tây Thái Bình Dương để hậu thuẫn chính sách “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở”.

Thông thường, ít khi nhìn thấy các tàu ngầm của Mỹ. Vì vậy, khi Hải quân nước này quảng bá về sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm, điều đó có nghĩa là Hải quân Mỹ có chủ ý đưa ra một thông điệp với đối phương. Tàu ngầm vốn được xem là một phần quan trọng trong việc duy trì cán cân sức mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Hải quân Trung Quốc ngán nhất là phải chạm trán tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo – loại tàu tối tân này là trọng tâm trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. “Hết lần này đến lần khác, lực lượng tàu ngầm của chúng tôi đã chứng minh sự sẵn sàng hoạt động mọi lúc, mọi nơi”, Tư lệnh, Chuẩn Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ Blake Converse nói, theo bản tin của National Interest.

Xem ra lời đe nẹt này cũng chưa đủ sức kiềm chế những cái đầu bốc lửa ở Trung Nam Hải. Ai đang châm ngòi cho cuộc Chiến tranh lạnh mới Mỹ-Trung? Và ai đang tức thời muốn nhấn nút tên lửa trên chiến hạm ngoài biển Đông? Trung Quốc đổ riệt cho Mỹ. Còn Mỹ thì khẳng định không thể để cho Trung Quốc làm mưa làm gió, ức hiếp các nước nhỏ. Mỹ sẽ tiến hành đồng thời đấu tranh ngoại giao và đấu tranh quân sự để giữ ổn định tình hình trên biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới