Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCông thư Mỹ phản đối TQ ở Biển Đông: 7 điểm quan...

Công thư Mỹ phản đối TQ ở Biển Đông: 7 điểm quan trọng

Biendong.net xin giới thiệu bài phân tích của Đại sứ – PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ tịch thứ hai Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc, về việc Mỹ gửi công thư lên Liên hợp quốc thể hiện lập trường của Mỹ đối với Công hàm của Trung Quốc về vấn đề thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông.

Mỹ chính thức tham gia vào cuộc chiến pháp lý công hàm 2.0 về mở rộng thềm lục địa ở Biển Đông do Malaysia khởi xướng khi đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa phần phía Bắc lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) vào ngày 12/12/2019.

Lý do Mỹ không bình luận công hàm Malaysia

Ngày 1/6, Trưởng Phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc, Đại sứ Kelly Craft đã gửi công thư tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc để thể hiện lập trường của Mỹ đối với Công hàm của Trung Quốc ngày 12/12/2019 về việc Malaysia mở rộng thềm lục địa. Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ là quốc gia bên ngoài khu vực duy nhất và không có tranh chấp ở Biển Đông đã tham gia vào cuộc chiến pháp lý này.

Công thư của Mỹ không bình luận về công hàm 12/12/2019 của Malaysia. Điều này có thể xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất, Mỹ không phải là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) trong khi vấn đề xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa là một quy định điều ước quốc tế không phải tập quán quốc tế.

Thứ hai, việc đệ trình thềm lục địa mở rộng của Malaysia năm 2019 cũng như hồ sơ chung ranh giới thềm lục địa Malaysia – Việt Nam năm 2009 là hành động tiến hành hợp pháp theo quy định của UNCLOS và Hội nghị thành viên Công ước luật biển. Nội dung yêu sách ranh giới thềm lục địa mở rộng đó có được chấp nhận hay không sẽ thuộc thẩm quyền khuyến cáo của CLCS, chứ không thuộc quốc gia không có tranh chấp (như Mỹ).

Lập trường của Mỹ về yêu sách Trung Quốc là nhất quán

Lập trường của Mỹ trong công thư vừa qua về các yêu sách của Trung Quốc là nhất quán so với những gì Mỹ bày tỏ trước đây. Lập trường này được thể hiện rõ trong Công hàm của Mỹ ngày 28/12/2016 nhận xét về ba văn kiện mà Trung Quốc công bố các ngày 12-13/6/2016 để phản đối Phán quyết trọng tài Biển Đông.

Theo đó, Mỹ nhất quán lập trường phản đối Trung Quốc về yêu sách quyền lịch sử. Mỹ cho rằng căn cứ vào các điều khoản của UNCLOS, bao gồm các Điều 5, Điều 7, Điều 46 và Điều 47, thì Trung Quốc không thể vẽ đường cơ sở thẳng hay đường cơ sở quần đảo cho Đông Sa, Trung Sa, Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham).

Tương tự, yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là Nam hải chư đảo, trong đó bao gồm Đông Sa quần đảo, Trung Sa quần đảo, Tây Sa quần đảo (Hoàng Sa), Nam Sa quần đảo (Trường Sa) nhằm nhóm tất cả các đảo rải rác này thành một thực thể chung để thiết lập các vùng nước nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là phi pháp.

Mỹ cũng cho rằng các thực thể tại Biển Đông không phải là đảo theo nghĩa Điều 121 (3) của UNCLOS và bãi ngầm Macclefield (Trung Sa) không phải là đối tượng của yêu sách chủ quyền.

7 điểm đáng chú ý của công thư Mỹ

Công thư ngày 1/6/2020 của Trưởng Phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc, mặc dù đề cập tương tự như nội dung Công hàm ngày 28/12/2016, nhưng có một số điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, công thư thể hiện rõ sự ủng hộ và khẳng định tầm quan trọng của Phán quyết của Toà Trọng tài (vụ Philippines kiện Trung Quốc) trong khi Công hàm 2016 chủ yếu là về ba văn kiện của Trung Quốc. Mỹ khẳng định các lập trường của mình hoàn toàn nhất quán với các quyết định của Tòa trọng tài, đồng thời nhấn mạnh theo Điều 296 của UNCLOS, Phán quyết là chung thẩm và bắt buộc với cả Philippines và Trung Quốc. Như vậy, yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc là không phù hợp với UNCLOS vì đã vượt quá các ranh giới của các vùng biển Trung Quốc có thể có theo đúng quy định của Công ước. 

Thứ hai, Mỹ mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc đưa ra các yêu sách biển phải phù hợp với luật quốc tế như đã được quy định trong UNCLOS, phải tuân thủ Phán quyết và chấm dứt các hành động khiêu khích ở Biển Đông.

Thứ ba, Mỹ nêu rõ các yêu sách của Trung Quốc can thiệp một cách bất hợp pháp các quyền tự do biển cả mà Mỹ và các nước khác được hưởng, vì vậy Mỹ phải có trách nhiệm lên tiếng phản đối chính thưc. 

Thứ tư, công thư của Mỹ nhấn mạnh chỉ Điều 5 của UNCLOS mới được áp dụng cho các thực thể nổi ở Trường Sa, tức chỉ đường cơ sở thông thường mới được áp dụng. Điều này có được là do kết luận của Phán quyết: Các thực thể tại Trường Sa chỉ là đá và không phải là đảo. Đường cơ sở thẳng chỉ được áp dụng khi bờ biển đất liền (đảo) quanh co và khúc khuỷu, hoặc khi có một chuỗi đảo chạy qua không cách xa bờ biển, hoặc khi có một đồng bằng châu thổ cực kỳ không ổn định. Cả ba trường hợp này đều không hiện diện đối với các đá của Trường Sa.

Thứ năm, ngoài bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa), Mỹ còn kể thêm bãi James Shoal, Mischief Reef (đá Vành Khăn) và Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây) như các thực thể chìm không nổi, không phải là đối tượng yêu sách chủ quyền và không thể tạo ra bất kỳ một vùng biển yêu sách nào. Đây đều là các bãi ngầm mà Trung Quốc đã và đang định thực hiện việc cải tạo đất, xây dựng các công trình quân sự kiên cố.

Thứ sáu, Mỹ đồng thời nhắc lại các công hàm của Philippines, Việt Nam và Indonesia trước đó. Nội dung công hàm của các nước này đều thể hiện cùng một quan điểm, đó là phản đối các yêu sách không phù hợp luật quốc tế của Trung Quốc.

Cuối cùng, Mỹ đã sử dụng hình thức công thư để yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu chuyển công thư này không chỉ tới các nước thành viên Đại hội đồng mà cả tới Hội đồng Bảo an. Bước đi này cho thấy Mỹ bắt đầu nhận thức rõ ràng các yêu sách của Trung Quốc là quá đáng, không phù hợp luật quốc tế, bao gồm UNCLOS. Mỹ xem các yêu sách ấy có thể đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Vì vậy, Mỹ với tư cách một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an có trách nhiệm đưa vấn đề vào chương trình nghị sự khi cần thiết.

Ý nghĩa công thư Mỹ trong bối cảnh hiện nay

Công thư của Mỹ được đưa ra vào đúng thời điểm Trung Quốc có những bước đi quá khích làm nóng tình hình Biển Đông. Đây là thời điểm khá nhạy cảm khi các nước đều đang dồn sức vào chống dịch COVID-19; Malaysia vừa thay đổi Thủ tướng và nội các; Việt Nam đang bận với trọng trách Chủ tịch ASEAN và chuẩn bị Đại hội Đảng; Philippines đang có các bất ổn trong nước.

Trung Quốc còn triển khai các hoạt động đâm tàu cá; thiết lập hai khu hành chính mới; đặt tên 80 thực thể ngầm trên thềm lục địa Việt Nam; cản trở hoạt động tàu khảo sát địa chấn Malaysia; cấm đánh bắt cá hay Blue Sea Code cấm các hoạt động của các nước trong 8 lĩnh vực bao gồm cả thăm dò khai thác dầu khí; hay đe dọa sử dụng vũ lực và thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Những việc này đang làm các nước lo ngại và quốc tế buộc phải liên kết để ngăn chặn những hành động thái quá, vi phạm luật quốc tế.

Công thư của Mỹ có thể sẽ kéo theo phản ứng tương tự của các nước khác để bảo vệ quyền tự do biển cả của mình khi phán quyết cho thấy khả năng Biển Đông có biển cả và Vùng đáy biển là di sản chung của loài người.

Căng thẳng ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và càng làm nổi bật nhu cầu cần có một COC thực chất và hiệu quả, có tính ràng buộc pháp lý. Đàm phán COC vì vậy khó có thể đúng hạn khi các yêu cầu cơ bản của các nước nhỏ không được bảo đảm. Tình hình Biển Đông chỉ có thể được kiểm soát khi các nước kiềm chế, hợp tác giải quyết các bất đồng trên cơ sở thiện chí, tuân thủ luật quốc tế, bao gồm UNCLOS.

RELATED ARTICLES

Tin mới