Ngày 18/4/2020, Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập hai quận với tên gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa” thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam. Ngày 19/4/2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động này của Trung Quốc, cho rằng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Với việc thành lập hai quận “Tây Sa” và “Nam Sa”, Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế cũng như các cam kết tại khu vực. Cụ thể:
Thứ nhất, hành động của Trung Quốc là sự khiêu khích đối với Việt Nam và dư luận quốc tế, đi ngược lại tinh thần Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc được lãnh đạo Đảng của hai bên nhất trí tháng 10/2011. Hành động của Trung Quốc đã làm xói mòn niềm tin giữa hai nước, vì nó liên tục vi phạm những cam kết của Bắc Kinh rằng họ sẽ giải quyết tranh chấp trong hòa bình, thông qua đối thoại với các nước có sự quan tâm trực tiếp.
Thứ hai, hành động của Trung Quốc là phi pháp đặt dưới luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế và quy định của UNCLOS 1982. Luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được thông qua sự xâm chiếm bằng vũ lực. Trung Quốc kiểm soát Hoàng Sa của Việt Nam thông qua xâm lược và dùng vũ lực thôn tính vào năm 1956 và 1974.
Thứ ba, Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất về DOC năm 2002. Điều 5 của DOC nêu “Các bên cam kết tự kiềm chế trong các hoạt động vốn sẽ làm phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định”. Hành động đơn phương của Trung Quốc đã làm tình hình phức tạp một cách nghiêm trọng đối với tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Thứ tư, văn bản đàm phán về COC không xác định khu vực nào ở Biển Đông mà COC sẽ bao phủ. Tuyên bố của Trung Quốc về đơn vị hành chính mới ở Trường Sa là một động thái phủ đầu nhằm đẩy lùi tuyên bố chủ quyền của Việt Nam cũng như Philippines.
Thời gian qua, không chỉ lập hai đơn vị hành chính ở Biển Đông, Trung Quốc còn tiến hành nhiều hoạt động phi pháp, gây bức xúc trong dư luận. Giữa tháng 3, các máy bay Trung Quốc tập trận gần vùng không phận phía Nam Đài Loan; cuối tháng 3, một tàu cá Trung Quốc va chạm với chiến hạm Nhật Bản; đầu tháng 4, tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; biên đội tàu Liêu Ninh tiến vào Biển Đông tập trận; từ 15/4 – 15/5, nhóm tàu Hải Dương địa chất 8 tiến hành khảo sát ở vùng biển Malaysia…
Đây là một chuỗi các hành động khuấy đảo Biển Đông của Chính phủ Trung Quốc. Những hành động quyết đoán, hung hăng này không phải là mới, không thể hiện một chiến lược hay chính sách nào mới. Tất cả những sự kiện trên phù hợp với cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình là hung hăng nhưng mềm dẻo, sẵn sàng tận dụng cơ hội để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc. Tuy vậy, không phải là không có khả năng xung đột sẽ leo thang. Những hành động như cải thiện năng lực tấn công đổ bộ, lắp đặt các hệ thống siêu thanh hay tác chiến chống ngầm mới, xây dựng cảng cho tàu quân sự trên các đảo nhân tạo trên Biển Đông… được xem là hành vi quân sự hoá mới của Trung Quốc. Thực tiễn cho thấy, bất cứ một hành động triển khai năng lực tấn công nào ở khu vực đang diễn ra sự tranh chấp chủ quyền biển đảo lúc này cũng có thể được coi là hành vi leo thang căng thẳng. Tùy vào việc Bắc Kinh đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của đối phương tới đâu, họ sẽ quyết định thời gian và phương thức hành động.
Hiện nay, trong chương trình huấn luyện của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc có hạng mục chèn ép, đâm va tàu nước ngoài. Các thuyền trưởng Trung Quốc được miễn truy cứu trách nhiệm nếu họ tấn công tàu cá nước ngoài với lý do bảo vệ chủ quyền quốc gia. Còn ở phía Nam Trường Sa, hải cảnh Trung Quốc có nhiệm vụ chính là quấy rối các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước láng giềng trên vùng biển của họ mà Trung Quốc cho là trong phạm vi yêu sách chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” và bảo vệ đội tàu cá Trung Quốc, đặc biệt ở các vùng biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia.Trung Quốc hiện có cơ sở hạ tầng vững chắc để làm những việc này. Cụ thể, trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống radar cảnh báo sớm, tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình đối hạm, hệ thống vũ khí tầm gần để chống tên lửa hành trình phóng từ tàu và cầu cảng. Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi đều có đường băng dài 3 km hoặc đủ lớn để phục vụ được tất cả các loại máy bay quân sự mà Trung Quốc hiện có. Đá Chữ Thập đóng vai trò trung tâm liên lạc và tình báo tín hiệu cho các lực lượng quân sự Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông.Tháng 3/2020, Trung Quốc thông báo đã vận hành 2 trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và Xu Bi để hỗ trợ nghiên cứu sinh thái biển sâu, môi trường, khoa học vật liệu và năng lượng biển.Cụ thể, trạm trên đá Chữ Thập giám sát quần xã sinh vật rạn san hô, bảo tồn nước ngọt và thực vật, trong khi trạm trên đá Xu Bi giám sát nước ngọt và độ ổn định địa chấn. Những dữ liệu này rất hữu ích cho các hoạt động, chiến dịch quân sự của Hải quân Trung Quốc. Việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát hoạt động trong vùng biển của Malaysia cũng là bước đi được tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm mục đích kép: thăm dò các nguồn tài nguyên tại khu vực bồn địa Bắc Khang và Bắc Tăng Mẫu[1] để phục vụ khai thác, sử dụng khi cần thiết; đồng thời, hiện thực hóa cảnh báo, răn đe và thực hiện song song, gây áp lực với hoạt động của tàu khoan West Capella do Malaysia thuê.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh chính sách tuyên truyền nhằm xuyên tạc sự thật lịch sử khách quan về chủ quyền của các quốc gia xung quanh Biển Đông để khẳng định yêu sách chủ quyền thuộc về mình. Ví dụ: xét trên các góc độ chứng cứ lịch sử, quá trình triển khai chính sách thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam song Trung Quốc luôn xuyên tạc là của Trung Quốc, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào. Trung Quốc tăng cường tuyên truyền về quyền lịch sử, về Biển Đông nói chung hay các đảo nhân tạo nói riêng trong các tuyên bố chính thức hay trên các phương tiện truyền thông nhà nước.
Thực tiễn cho thấy Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “chủ nghĩa cơ hội kép”: tăng cường và thắt chặt mối quan hệ với các nước thân thiện, như Campuchia chẳng hạn. Những bước đi này không liên quan gì tới vấn đề chủ quyền biển đảo, khó ứng phó nhưng lại có tác động không hề nhỏ tới tranh chấp ở Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc thực hiện chính sách có qua có lại: gắn vấn đề chủ quyền với các hỗ trợ về tài chính, y tế và kinh tế để ràng buộc các nước im lặng hoặc lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Rõ ràng, những hành động phi pháp của Trung Quốc đang diễn ra trên Biển Đông một lần nữa cho thấy Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ tham vọng kiểm soát, độc chiếm Biển Đông. Mặc dù từ năm 1996, Trung Quốc đã phê chuẩn UNCLOS, song Trung Quốc là quốc gia luôn vi phạm và không thực hiện các quy định của UNCLOS. Những tuyên bố, quan điểm chủ quyền đơn phương của Trung Quốc về “đường chín đoạn”, “yêu sách Tứ Sa” là trái với luật pháp quốc tế, quy định của UNCLOS, không có cơ sở khoa học.
Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của một số quốc gia trong khu vực cũng nhưvi phạm nghiêm trọng các giá trị chuẩn mực của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, quy định của UNCLOS, vi phạm DOC và làm suy yếu nghiêm trọng các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN về COC. Hành động của Trung Quốc đã làm xói mòn lòng tin chiến lược giữa Trung Quốc với các quốc gia liên quan xung quanh Biển Đông.
Kết luận
Trong thực tiễn, Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Savà Trường Sa,chúng ta đã thành lập hai quần đảo này thành hai huyện đảo vào năm 1982, trong lịch sử Nhà nước Việt Nam đã thực hiện quản lý hai quần đảo này ít nhất từ thế kỷ XVII, với việc thành lập đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải để thực hiện nhiệm vụ. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn đấu tranh để xác lập và thực thi chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí đã đấu tranh mạnh mẽ bằng sự hy sinh mất mát của những người con ưu tú trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do vậy, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam phải tiếp tục phản đối Trung Quốc trước mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là điều rất cần thiết trong việc cung cấp một dấu vết hợp pháp trên giấy trắng mực đen để chứng minh tính nhất quán về quan điểm chủ quyền trong một khoảng thời gian dài.
[1] Theo cách gọi của Trung Quốc.