Việc Ấn Độ và Úc vừa ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự được xem là bước tiến mới trong sự phối hợp của tứ giác an ninh, gồm Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Úc, để đối phó với Trung Quốc.
Tuần qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison đã có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến. Qua đó, hai bên thông qua nhiều hiệp định quân sự quan trọng như Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LEMOA), Thỏa thuận triển khai khoa học và công nghệ quốc phòng (DST)… Cả hai đều khẳng định việc tăng cường thỏa thuận là nhằm hướng đến cùng cam kết hợp tác vì an ninh, ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Thời gian qua, các nước trong tứ giác an ninh chia sẻ chung tầm nhìn về Indo-Pacific với nội dung cốt lõi là nhằm đảm bảo an ninh chung trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động gây quan ngại trong khu vực.
Bổ sung thỏa thuận quân sự
Trả lời Thanh Niên ngày 7.6, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: Việc Ấn Độ và Úc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và thông qua Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LEMOA) có ý nghĩa quan trọng. Bởi thỏa thuận này là bằng chứng cho thấy bước tiến triển của tứ giác an ninh (hay còn gọi là “tứ giác kim cương”).
Gần đây, việc hợp tác của tứ giác an ninh được cho là tiến triển nhưng làm sao để đo lường sự tiến triển đó thì vẫn đang gây tranh cãi, nhất là khi đến giờ vẫn chưa có một thỏa thuận liên minh nào được ký kết. Mà khi không có hiệp ước liên minh nào thì làm thế nào đo lường tiến trình hợp tác?
Để đo lường tiến trình hợp tác trong trường hợp này thì có thể xét đến các thỏa thuận để tạo điều kiện sẵn sàng chiến đấu cùng nhau. Các thỏa thuận như thế hướng đến việc chia sẻ thông tin, cho phép truy cập nguồn dữ liệu của nhau, chia sẻ việc cung cấp nguồn lực.
Trong đó, để chia sẻ thông tin, Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (G-SOMIA) đã có các ký kết song phương gồm: Mỹ – Nhật Bản, Mỹ – Ấn Độ, Mỹ – Úc, Nhật Bản – Ấn Độ. Nhật Bản và Úc không có hiệp định song phương tương tự G-SOMIA, nhưng liên minh tình báo Ngũ nhãn (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand) lại có thỏa thuận hợp tác tình báo với Nhật Bản. Dựa vào khung hợp tác này, Tokyo và Canberra có thể chia sẻ thông tin tình báo.
Để cùng chia sẻ nguồn lực hậu cần và truy cập vào cơ sở dữ liệu của nhau, Hiệp định Thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA) cũng đã có các ký kết song phương gồm: Mỹ – Nhật, Mỹ – Úc, Nhật – Úc. Về mặt lý thuyết, Mỹ và Ấn Độ chưa phải là đồng minh và hai nước cũng chưa ký kết ACSA. Ấn Độ cũng chưa ký kết ACSA với Nhật Bản. Giờ đây, Ấn Độ vừa ký kết LEMOA với Úc. Mục đích là giống nhau nên LEMOA có thể xem là một ACSA phiên bản Ấn Độ để New Delhi ký kết với các bên khác như Tokyo hay Washington.
Sơ lược về các thỏa thuận hợp tác tình báo và hậu cần của “tứ giác kim cương” ĐỒ HỌA: HOÀNG ĐÌNH
|
Khi đó, Mỹ – Nhật – Úc – Ấn sẽ có đủ hệ thống thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo, hậu cần như một mạng lưới đồng minh ở Indo-Pacific nhằm đối phó những mối nguy từ Trung Quốc như định hướng của “tứ giác kim cương”.
Thường xuyên tập trận chung
Thực tế thời gian qua, các nước trong “tứ giác kim cương” liên tục có những hoạt động chung ở Indo-Pacific nói chung, Biển Đông nói riêng.
Cuối tháng 5, Mỹ điều động 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer tham gia tập trận cùng 16 máy bay tiêm kích, bao gồm 2 loại F-15 và F-2 của Nhật Bản, ở khu vực vùng biển xung quanh quần đảo Okinawa. Tháng 6.2019, tàu chiến JS Izumo của Nhật Bản đã có cuộc tập trận chung với hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan ở khu vực Biển Đông.
Cũng trên Biển Đông, tháng 4.2020, tàu hộ tống HMAS Parramatta thuộc Úc đã tập trận cùng tàu tấn công đổ bộ USS America, tàu tuần dương USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Barry của Mỹ. Tháng 9.2019, tàu chiến của Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ tổ chức tập trận chung thường niên Malabar tại vùng biển ngoài khơi thành phố Sasebo (Nhật Bản).
Về tập trận song phương trong nhóm “tứ giác kim cương”, năm 2019, Úc đã điều động hạm đội tàu chiến lớn nhất nước này kể từ sau Thế chiến 2 tham gia cuộc tập trận chung với Ấn Độ mang tên AUSINDEX.
Không chỉ vậy, một số thành viên trong nhóm “tứ giác kim cương” còn cùng nhau tổ chức tập trận đa phương với các nước khác trong khu vực. Tháng 5.2019, Hạm đội 7 của Mỹ thông báo tàu chiến nước này cùng chiến hạm của Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc có cuộc tập trận chung đầu tiên ở gần đảo Guam. Cũng trong tháng 5.2019, hải quân 4 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines điều 6 chiến hạm tập trận chung trên Biển Đông.
Các cuộc tập trận chung có sự tham gia của các nước thuộc “bộ tứ kim cương” trên Biển Đông luôn được giới chuyên gia đánh giá như động thái thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại đây.
Ấn – Trung nhất trí giải quyết tranh chấp biên giới
Ấn Độ và Trung Quốc đang hành động nhằm giải quyết tình trạng căng thẳng và ẩu đả kéo dài cả tháng qua dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC), cụ thể là tại 4 điểm ở phía đông Ladakh, theo báo Hindustan Times hôm qua 7.6 dẫn nguồn thạo tin.
Trước đó, trung tướng Harinder Singh, tư lệnh quân đoàn 14 đóng tại Leh thuộc khu vực Ladakh, dẫn đầu phái đoàn Ấn Độ hội đàm với đoàn của thiếu tướng Liễu Lâm, chỉ huy quân khu Nam Tân Cương, tại Moldo-Chushul ở bên phần Trung Quốc ngày 6.6. Cuộc đối thoại kéo dài 7 giờ đánh dấu lần đầu tiên diễn ra đối thoại ở cấp tướng kể từ khi vụ chạm trán giữa binh sĩ tuần tra hai nước xảy ra gần hồ Pangong trên Himalaya ngày 5.5.
Hai bên đồng ý giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và dựa trên các thỏa thuận song phương đã ký kết, đồng thời nhất trí rằng quân đội Ấn – Trung không thể để tình hình leo thang dọc theo LAC như vừa qua. Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm qua cũng ra thông cáo với cùng nội dung.