Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngGửi công hàm về Biển Đông, Mỹ đổi chiến thuật để kiềm...

Gửi công hàm về Biển Đông, Mỹ đổi chiến thuật để kiềm chế TQ?

Chuyên gia cho rằng, việc gửi công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy Mỹ sẽ kiên quyết hơn đối với hành động ngang ngược của Bắc Kinh.

Biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Trung Quốc

Hôm 2/6, trên Twitter, Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo, Mỹ gửi công hàm lên Liên hợp quốc (LHQ) để phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ có biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao sau khi gửi công hàm phản đối lên LHQ, trả lời VTC News, ông Ralph Cossa, Chủ tịch danh dự Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) cho biết: “Washington sẽ có các biện pháp trừng phạt mới đối với Trung Quốc trên nhiều phương diện khác nhau. Động thái này minh chứng cho việc Mỹ sẽ kiên quyết, gay gắt hơn với hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông nhằm đảm bảo tự do, an toàn hàng hải trong vùng biển này”.

Chia sẻ với VTC News, Tiến sĩ Hosoda Takashi, chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Charles (CH Séc) và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đối ngoại Tokyo (Nhật Bản) cho rằng, cần chú ý đến việc Washington sử dụng áp lực kinh tế và xã hội đối với Trung Quốc thay vì quân sự.

Chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) không phải là áp lực quân sự, mà là biểu hiện chính trị của việc bảo vệ các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không theo Công ước UNCLOS năm 1982.

Gửi công hàm về Biển Đông, Mỹ đổi chiến thuật để kiềm chế Trung Quốc? - 2

Việt Nam cần cải thiện quan hệ liên quốc gia trong ASEAN và tạo ra một liên minh ý chí giữa các thành viên ASEAN.

Tiến sĩ Hosoda Takashi

“Tôi cho rằng, Washington có thể sẽ có một số lựa chọn: Đầu tiên sẽ đưa ra các hạn chế trực tiếp đối với Trung Quốc, như đình chỉ hiệp định thương mại, thắt chặt quy định cho sinh viên Trung Quốc ở Mỹ, đóng băng tài sản của các quan chức Trung Quốc (CPC).

Hoặc tiếp theo sẽ gây áp lực gián tiếp, như thành lập liên minh sẵn sàng giảm kim ngạch thương mại với Trung Quốc, khiến các đồng minh thắt chặt đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc. Đồng thời tăng cường hợp tác với “Blue Dot Network” (sáng kiến do Mỹ, Nhật Bản và Australia thành lập để đánh giá và chứng nhận các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới về minh bạch tài chính, bền vững với môi trường và tác động đến phát triển kinh tế)”.

 Theo ông Hosoda, Mỹ sử dụng tất cả các kênh có thể để bày tỏ sự không hài lòng với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Washington không muốn làm cho tình hình leo thang thành chiến tranh nóng, “do nhận thức thực tế về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở ngoài khơi. Trung Quốc đã tăng cường không chỉ sức mạnh hải quân thông thường và ASBM, mà còn là kho vũ khí hạt nhân đủ để lấp đầy khoảng cách chiến lược với Mỹ”.

Gợi ý của Biên tập viên

Mỹ thay đổi chính sách về Biển Đông?

Chuyên gia Cossa cho rằng, động thái của Mỹ phản ánh sự thất vọng của Washington đối với hành vi gây hấn, ngang ngược ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Điều này cũng cho thấy, Mỹ đang tích cực trong việc đề ra những cách thức, biện pháp mới để đáp trả sự lấn tới của Trung Quốc.

Gửi công hàm về Biển Đông, Mỹ đổi chiến thuật để kiềm chế Trung Quốc? - 3

Đây là sự thay đổi về chiến thuật của Mỹ trong việc kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc, ngăn chặn Bắc Kinh đe dọa đồng minh và các nước trong khu vực.

Chuyên gia Ralph Cossa

“Tôi cho rằng đây là bước tiến mới của Mỹ. Đây là sự thay đổi về chiến thuật của Mỹ trong việc kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc, ngăn chặn Bắc Kinh đe dọa đồng minh và các nước trong khu vực.

Biển Đông có vai trò quan trọng trong chiến lược ‘Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở’ của Mỹ, do đó Washington sẽ tiếp tục bảo vệ cho các lợi ích của mình ở đây”, ông Cossa phân tích.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Hosoda, động thái mới này là sự tiếp tục các chính sách của Mỹ, sau bước chuyển từ các năm trước, và có thể chịu tác động từ đại dịch.

“Nền tảng để việc thay đổi chính sách của Mỹ với Trung Quốc từ thuyết phục sang răn đe đã được thể hiện trong một bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vào tháng 10/2018.

Đại dịch dường như tăng tốc và thúc đẩy lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Bắc Kinh, đánh lạc hướng sự chú ý của công dân Mỹ khỏi thất bại của các biện pháp chống đại dịch của chính quyền Trump. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đó không phải là một sự thay đổi chính sách, mà là sự tiếp nối chính sách”, ông Hosoda nói.

Cần tăng cường sức mạnh ASEAN

Việc Mỹ gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy, Washington sẽ tiếp tục can dự mạnh mẽ hơn vào các vấn đề ở Biển Đông.

“Vấn đề cần quan tâm ở đây là Việt Nam và các nước trong khu vực cần phải có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn hành động khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông”,  ông Cossa nói.

Theo Tiến sỹ Hosoda, sức mạnh của khối ASEAN cần được tăng cường, “như một trụ cột trong thế giới đa phân cực”. Chuyên gia Nhật Bản cho rằng: “Điều chúng ta cần nghĩ đến không phải là lựa chọn giữa Washington hay Bắc Kinh, mà là thêm sự lựa chọn thay thế ngoài Washington và Bắc Kinh. Tất nhiên vẫn nên duy trì nhiều quan hệ hợp tác với họ”.

Ông Hosoda nhận định, dù Washington sẽ sử dụng áp lực phi quân sự đối với Bắc Kinh, nhưng áp lực đó có thể quá nhỏ để ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hơn nữa, chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đang gây thiệt hại cho cơ chế hợp tác đa phương, ví dụ như với việc rút khỏi Hiệp định thương mại TPP, thỏa thuận hạt nhân với Iran và quan hệ với WHO.

“Các thành viên ASEAN sẽ phải đối mặt với một tình huống mà họ cần chọn Washington hoặc Bắc Kinh. Vì vậy, Việt Nam cần cải thiện quan hệ liên quốc gia trong ASEAN và tạo ra một liên minh ý chí giữa các thành viên ASEAN như Indonesia, Singapore, Malaysia và Philippines, để duy trì tính trung tâm của ASEAN và mở ra ‘con đường thứ ba’ bên cạnh Washington và Bắc Kinh”, ông Hosoda nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới