Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố với thế giới: Trung Quốc không phải là cường quốc và không có tham vọng trở thành một cường quốc. Thực tế đây là tuyên bố nhằm đánh lừa, xoa dịu thế giới khi Trung Quốc tìm mọi cách để trỗi dậy. Đó là chủ thuyết “im lặng chờ thời” của Đặng Tiểu Bình.
Thế giới đã bị Đặng Tiểu Bình lừa và ra sức giúp cho Trung Quốc phát triển. Mỹ, Nhật, Anh, Australia… đã giúp cho Trung Quốc về công nghệ, đào tạo nhân lực và các doanh nghiệp mang vốn đến đầu tư vào Trung Quốc. Thị trường hơn một tỷ dân thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp, đôi bên cùng có lợi. Trong vài thập kỷ, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.
Nếu Trung Quốc vẫn cứ thực hiện theo âm mưu của Đặng Tiểu Bình là “im lặng chờ thời” thì thế giới sẽ tiếp tục bị lừa và Trung Quốc sẽ nhanh chóng trở thành cường quốc số 1 thế giới. Lúc đó trật tự thế giới sẽ phải theo sự sắp đặt của Bắc Kinh.
Nhưng khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã không còn đủ kiên nhẫn chờ thời. Tập đưa ra chiến lược khổng lồ “vành đai và con đường” nhằm bao trọn thế giới. Tập dùng tiền làm mồi nhử khiến nhiều quốc gia mắc bẫy nợ, phụ thuộc vào Trung Quốc . Tập không còn e sợ Mỹ và các nước lớn khác, bất chấp luật pháp quốc tế công bố chủ quyền 80% biển Đông; bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng thành căn cứ quân sự và tích cực chuẩn bị cho việc công bố vùng nhận dạng hàng không ở Biển Đông. Nghĩa là cả trên biển và trên bầu trời ở khu vực Biển Đông đều “thuộc” chủ quyền của Trung Quốc.
Khi Mỹ, Nhật, Australia… phản đối Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ tự do hàng hải, hàng không thì nhiều nước châu Âu vẫn làm ngơ. Nhưng rồi sự hung hăng của Trung Quốc khi các nước còn đang bận chống dịch Covid-19 khiến nhiều nước châu Âu e ngại và bắt đầu lên tiếng: “Thế giới không thể làm ngơ trước sự gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông”.
Trung Quốc sẵn sàng đâm chìm tàu cá của Việt Nam, cản trở Indonesia thăm dò tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế; tàu chiến Trung Quốc không ngại đối đầu với tàu chiến Mỹ trên Biển Đông.
Hiện nay không chỉ Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ mà các nước thành viên NATO như Anh, Pháp cũng đã tăng cường tuần tra tự do hàng hải. Cựu thủ tướng Australia đã yêu cầu Trung Quốc nên từ bỏ đường lối ngoại giao cứng rắn. Cựu ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario, thì kêu gọi tịch thu tài sản của Trung Quốc để bồi thường cho việc tàn phá môi trường ở Biển Đông. Đã đến lúc thế giới bắt Trung Quốc trả giá cho sự ngông nghênh của họ.