Liên minh tình báo Ngũ Nhãn đã trở thành một bên đối đầu với Trung Quốc bởi nhận thấy nếu đơn phương đối kháng sẽ khó thành công?
Georgina Downer, nhà tư vấn địa chính trị và chiến lược của công ty Tenjin (Australia) mới đây có bình luận cho rằng, dường như nhóm tình báo Ngũ Nhãn (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand) đang tăng cường đối đầu với Trung Quốc trên mọi mặt trận.
Trả lời trên SCMP, chuyên gia Georgina Downer cho biết, có những dấu hiệu rõ ràng rằng 5 nước “Ngũ nhãn” đang gia tăng đối phó với Trung Quốc.
“Sự thay đổi nhanh chóng về mặt chính sách liên quan tới mạng lưới 5G ở Anh và sự đồng thuận giữa các nước trong nhóm Ngũ Nhãn về việc lập nhóm D10 gồm các quốc gia dân chủ có chung chí hướng hợp tác trong lĩnh vực 5G là ví dụ” – chuyên gia Downer nhận định.
Vị này cho rằng, chính sách ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc được xem là yếu tố đã khiến các nước Ngũ Nhãn phối hợp hơn trong việc đưa ra những cân nhắc chiến lược về các khoản đầu tư của Trung Quốc trong hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng của các nước.
Theo chuyên gia Downer, hiện có “một nỗ lực đồng lòng và công khai hơn giữa các nước Ngũ Nhãn trong việc tập trung vào hợp tác kinh tế giữa các nước chia sẻ các giá trị và tư duy chiến lược”.
Các bằng chứng cho thấy liên minh tình báo do Mỹ dẫn đầu đang đối phó với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực: cách ứng phó dịch COVID-19, vấn đề Hồng Kông (Trung Quốc) và mạng lưới 5G, càng chứng minh một giả thiết quan trọng là: các nước trong liên minh hiểu được rằng nếu họ đối đầu riêng rẽ với Trung Quốc thì nỗ lực đối phó Bắc Kinh sẽ khó thành hiện thực.
Canada đã giúp đỡ Mỹ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu khi bà này đang chuẩn bị lên sân bay ở Canada. Lệnh bắt giữ được lập luận là tiến hành theo đề nghị dẫn độ của Mỹ.
Trong khoảng thời gian đó, Mỹ đã ra sức tận dụng sức mạnh của liên minh tình báo này để yêu cầu các thành viên không được tiếp nhận các chương trình phát triển hạ tầng 5G quốc gia của gã khổng lồ Trung Quốc- Huawei. Anh là quốc gia đã “đánh liều” khi vẫn mở hé cánh cửa hợp tác với Huawei và lập tức bị Washington “sửa lưng”, mang quan hệ hợp tác tình báo ra để đe dọa. Các nỗ lực mới nhất của Mỹ gồm ra lệnh cấm về kỹ thuật khắt khe hơn, mới có thể khiến London “chùn chân”.
Cũng cần chú ý thêm, ngoài Anh thì 3 quốc gia còn lại trong nhóm Ngũ Nhãn cũng tuân thủ nghiêm khắc về “mệnh lệnh” từ phía Mỹ liên quan đến vấn đề Huawei và mạng 5G.
Căng thẳng tiếp tục leo thang khi dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc lây lan ra khắp toàn cầu khiến hàng triệu người nhiễm và hàng trăm nghìn người tử vong. Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã “giấu dịch” và khiến mầm bệnh lây lan gây thiệt hại nghiêm trọng cho thế giới. Trong khi đó, một thành viên của nhóm Ngũ Nhãn – Úc – là quốc gia đầu tiên kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc COVID-19.
Mới tháng trước, Mỹ và Anh chỉ trích quyết định của Trung Quốc khi tính áp luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông (Trung Quốc). Anh tuyên bố sẵn sàng để ngỏ hàng triệu thị thực cho người dân ở đây và mở con đường trở thành công dân Anh.
Những bằng chứng này phục vụ cho kịch bản là Mỹ đang dùng các công cụ của mình để gây sức ép lên Trung Quốc ở các mặt trận Mỹ không thể “đơn thương độc mã”.
Chuyên gia Li Lianjun từ Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng, các thành viên của liên minh tình báo Ngũ Nhãn đang hợp tác chặt chẽ hơn. Ông Li cho biết ông không ngạc nhiên nếu nhóm G7 mở rộng cũng hoạt động cùng nhau theo hướng đối đầu với Trung Quốc.
Trong khi đso, Ông John Blaxland, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng sự đồng thuận của các thành viên trong liên minh Ngũ Nhãn” là dấu hiệu cho thấy lối “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc (ám chỉ những nhà ngoại giao có quan điển cứng rắn) đã gây tác dụng ngược.
Ông Blaxland cũng cho rằng sự hợp tác trong tương lai sẽ không chỉ dừng ở 5 nước. Pháp, Đức, Nhật Bản là những cái tên được kể đến đầu tiên. Đây là quốc gia có quan hệ thân thiện với liên minh Ngũ nhãn và họ có thể hợp tác để ứng phó với Trung Quốc.