Tuesday, April 30, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBắc Kinh “ngậm đắng nuốt cay” khi Philippines thay đổi quyết định

Bắc Kinh “ngậm đắng nuốt cay” khi Philippines thay đổi quyết định

Ngày 11/02/2020, chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Hoa Kỳ, làm dấy lên mối lo ngại việc Philippines khước từ sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ khiến mối quan hệ liên minh Mỹ-Philippines rạn vỡ và có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng quân sự hóa Biển Đông.

Công hàm của Bộ Ngoại giao Philippines gửi Đại sứ quán Mỹ

Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Philippines

Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines đã tồn tại từ lâu, được ràng buộc bởi Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) được ký vào năm 1951 và Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) đạt được năm 2014 với chính quyền của tổng thống Mỹ Barack Obama. VFA được ký vào năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999. Thỏa thuận tạo cho quân đội Hoa Kỳ một quy chế pháp lý, theo đó, tàu chiến, máy bay và hàng nghìn binh lính Mỹ được luân phiên đồn trú tại Philippines, tham gia các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo…. Hàng năm, có khoảng 300 hoạt động như vậy, bao gồm cả các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ.

Thỏa thuận VFA ra đời trong bối cảnh Philippines đang phải đối phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc trên các vấn đề chủ quyền biển đảo trong khi mà các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines đã đóng cửa và ít nhiều đã có tác dụng hữu hiệu bảo đảm an ninh cho Philippines từ đó đến nay. Quyết định chấm dứt VFA với Mỹ có thời gian ân hạn 180 ngày. Nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận khác, quyết định này sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2020.

Lúc bấy giờ, chính Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã cảnh báo, động thái này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ với Philippines; nhiều quan chức Philippines cũng cho rằng, việc từ bỏ một thỏa thuận an ninh quan trọng hàng đầu với Mỹ sẽ làm suy yếu an ninh của đất nước, cũng như khó ngăn chặn các hành động gây hấn ở Biển Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ không thay đổi quyết định trong bất cứ trường hợp nào.

Việc Philippines đột ngột đơn phương hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ và phát biểu kiên quyết của ông Duterte gây bất ngờ cho Washington và làm cho những người cầm quyền Bắc Kinh vui mừng ra mặt bởi họ nghĩ rằng ông Duterte đã trúng mưu kế của Bắc Kinh “đẩy Mỹ ra khỏi khu vực”.

Tình thế đã đảo ngược 180 độ khi ngày 02/6/2020, Philippines thông báo tạm hoãn quyết định chấm dứt VFA. Quyết định mới này của Philippines được đưa ra sau gần 4 tháng “cân nhắc” kể từ khi quốc gia này thông báo sẽ xóa bỏ thỏa thuận quân sự với Mỹ. Thông báo của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 02/6 cho biết: “Việc hủy bỏ VFA bị tạm hoãn theo chỉ đạo của Tổng thống”; quyết định được đưa ra khi “xét tới diễn biến chính trị và các diễn biến khác trong khu vực”.

Quyết định mới này của Philippines ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của Đại sứ quán Mỹ tại Manila. Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ khẳng định, quan hệ đồng minh lâu nay giữa Mỹ và Philippines mang lại lợi ích cho cả hai. Mỹ muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh và quốc phòng với Philippines.

Các nhà quan sát tình hình khu vực cho rằng, quyết định mới từ bỏ ý định rút ra khỏi VFA với Mỹ của Philippines được đưa ra vì những nguyên nhân sau:

Một là, tình hình căng thẳng gần đây ở Biển Đông khi Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 dồn dập tiến hành các hoạt động gây hấn ở Biển Đông. Những hành động hung hăng của Trung Quốc với Việt Nam, Malaysia, Philippines trong hơn 2 tháng qua càng bộc lộ bản chất hiếu chiến, bá quyền của những người cầm quyền ở Bắc Kinh. Trong một thời gian ngắn, Philippines đã phải trao 2 công hàm liên tiếp phản đối hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Những diễn biến ở Biển Đông trong những ngày đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực này là một nhân tố hết sức quan trọng để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Philippines nhận thấy rằng nếu không có sự hiện diện của Mỹ, Bắc Kinh sẽ càng lấn tới trong việc bắt nạt các nước láng giềng, trong đó có Philippines.

Hai là, quyết định mới được đưa ra xuất phát từ lợi ích chiến lược của Philippines. Thực tế cho thấy sau khi đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ Clarck và căn cứ trong vịnh Subic năm 1992, Trung Quốc đã bắt đầu dòm ngó các dải đá ngầm ngoài khơi đảo Palawan, Philippines – nơi mà quân đội Philippines và Mỹ dùng làm nơi diễn tập chung. Quân đội của Philippines yếu không đủ sức để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào các dải đá ngầm đó. Việc Trung Quốc đánh chiếm bãi Vành Khăn năm 1995 và đẩy Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough năm 2012; tàu chiến, tàu hải cảnh, tàu dân quân biển của Trung Quốc ngăn chặn Philippines tiếp tế cho binh lính đóng trên bãi Cỏ Mây là những bài học mà chính quyền Philippines không thể bỏ qua.

Ba là,có thể nói rằng trong hơn 20 năm tồn tại VFA với Mỹ thì Philippines được hưởng lợi nhiều hơn. Bước đi của Philippines đưa ra sau khi cân nhắc những“ được – mất” mà thỏa thuận quân sự mang lại cho quốc gia Đông Nam Á này.Thực tế thời gian qua, Mỹ đã hỗ trợ hiệu quả cho Phillipines trong cuộc chiến chống các nhóm vũ trang cực đoan tại miền Nam, viện trợ kịp thời sau các trận bão và động đất… Số tiền viện trợ quân sự hàng năm cũng rất quan trọng trong bối cảnh năng lực quân sự của Philippines vẫn còn hạn chế.

Bốn là, từ khi lên cầm quyền năm 2016, ông Duterte đã thi hành chính sách gần gũi với Trung Quốc và gặp phải nhiều chỉ trích từ trong nội bộ. Những người chống đối ông Duterte tố cáo rằng ông đã mang chủ quyền quốc gia ra đánh cược khi theo đuổi các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc, mà trên thực tế chỉ là “những chiếc bánh vẽ”. Ngay từ khi đưa ra tuyên bố hủy bỏ VTA với Mỹ tháng 2/2020, ông Duterteđã không nhận được sự ủng hộ của nhiều người trong nước,nhất là từ lực lượng quân đội. Trong vòng 4 tháng qua, Trung Quốc cũng không dành ưu đãi gì cho Philippines mà lại còn gây thêm khó khăn cho Philippines trong việc chống chọi với đại dịch Covid-19. Hiện các lực lượng vũ trang Philippines đang ở tình thế dễ tổn thương do thiếu tàu tuần tra và tiếp tế, nếu việc hủy bỏ VTA có hiệu lực thì càng làm cho quân đội Philippines khó khăn hơn. Chính những vấn đề nội bộ của Philippines buộc ông Duterte phải đảo ngược quyết định của mình.

Năm là, ông Duterte được coi là người có tính khí bất thường, hay đối đầu tranh cãi với các cường quốc phương Tây, đã nhiều lần chỉ trích Washington về một loạt vấn đề. Ông Duterte không ngần ngại thể hiện thái độ bất chấp đối với nước đồng minh quan trọng nhất của mình, là Mỹ. Tuy nhiên, ông Duterte luôn là người có bản lĩnh và kiên định những lợi ích cốt lõi của quốc gia. Một số nhà phân tích cho rằng ông Duterte tỏ ra gần gũi với Trung Quốc cũng chỉ là cách làm của một người “dân túy” để được lợi nhất cho đất nước. Trong những năm đầu khi ông Duterte mới nhận chức Tổng thống, nhiều người lo ngại ông Duterte từ bỏ phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông, song trên thực tế không phải vậy. Khi cần nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài, ông Duterte sẵn sàng làm kể cả trong cuộc gặp với Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Quốc hay tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Một ví dụ khác là nhiều ý kiến lo ngại ông Duterte sẽ “cùng khai thác” với Trung Quốc trong vùng biển của Philippines, tạo ra tiền lệ xấu ở Biển Đông, tuy nhiên cho đến nay chưa hề có bất cứ hành động cụ thể nào với Trung Quốc về “khai thác chung”.

Một số nhà phân tích cho rằng thực ra tuyên bố hủy bỏ VFA với Mỹ được ông Duterte đưa ra hồi tháng 2 vừa qua chỉ là phản ứng tức giận tức thời vì Mỹ thu hồi thị thực nhập cảnh của một cựu cảnh sát trưởng, trước khi trở thành thượng nghị sĩ Philippines, do ông này đã từng chỉ huy cuộc chiến tranh chống ma túy đẫm máu của ông Duterte, bị Mỹ và các nước Tây phương khác lên án.

Việc đảo ngược quyết định của Philippines có thể đã gây cú sốc lớn đối với Trung Quốc bởi Bắc Kinh luôn tìm mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông để có thể rảnh tay bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông. Ngay trong đàm phán với ASEAN về COC, Trung Quốc cũng gây sức ép để gài nội dung này vào COC, tuy nhiên trước phản ứng dữ dội của quốc tế, các nước ven Biển Đông trong ASEAN đã tỉnh táo đấu tranh kiên quyết không chấp nhận đòi hỏi vô lý và hết sức thâm độc này của Bắc Kinh.

Tuy hết sức tức tối nhưng Bắc Kinh cũng phải “ngậm bồ hòn” bởi Philippines là một quốc gia độc lập, mọi quyết định của Tổng thống phải xuất phát từ lợi ích quốc gia và người dân Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới