Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNhững cách Triều Tiên có thể tăng áp lực lên Hàn Quốc

Những cách Triều Tiên có thể tăng áp lực lên Hàn Quốc

Triều Tiên có thể điều quân đến biên giới hoặc triển khai tên lửa để tăng áp lực lên Hàn Quốc sau vụ giật sập văn phòng liên lạc chung.

Sau vài tuần chỉ trích Hàn Quốc kịch liệt vì việc người đào tẩu rải truyền đơn qua biên giới, Triều Tiên hôm 16/6 kích nổ văn phòng liên lạc chung với nước láng giềng tại thành phố biên giới Kaesong. Đây được đánh giá bước khởi đầu cho những hành động khiêu khích mới của Bình Nhưỡng với Seoul trong tương lai.

Theo bình luận viên Jon Herskovitz của Bloomberg, bất chấp mâu thuẫn với Hàn Quốc, chính quyền Kim Jong-un ít có khả năng động chạm tới quân đội Mỹ, bao gồm 28.000 binh sĩ đang đồn trú ở Hàn Quốc, sở hữu hỏa lực vượt trội so với kho vũ khí bị đánh giá lạc hậu của Triều Tiên.

Bên cạnh đó, ông Kim còn được cho là phải tính toán để tránh làm Trung Quốc giận dữ, do nước này đóng vai trò quan trọng về địa chính trị và kinh tế đối với Triều Tiên.

Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn nắm trong tay một loạt phương án có thể gây sức ép lên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người nỗ lực kêu gọi đàm phán và trao đổi kinh tế, nhưng vẫn tuân thủ những lệnh trừng phạt của Mỹ vốn đang bóp nghẹt nền kinh tế kiệt quệ của Triều Tiên.

Lựa chọn đầu tiên Bình Nhưỡng có thể tính đến là phá hủy thêm cơ sở hạ tầng. Hồi tháng 10/2019, ông Kim từng chỉ trích khu nghỉ dưỡng núi Kumgang “tồi tàn, lạc hậu”, trông giống “những chiếc lều tạm ở một khu vực thảm họa”, đồng thời đe dọa phá hủy các tòa nhà do Hàn Quốc xây tại đây rồi dựng lại theo phương pháp hiện đại hơn của Triều Tiên.

Khu nghỉ dưỡng núi Kumgang được một chi nhánh Tập đoàn Hyundai xây dựng hồi năm 1998, từng là dự án khai thác du lịch chung tấp nập giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, được ví như biểu tượng cho sự thống nhất giữa hai miền. Khu vực này bao gồm các khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm và phòng biểu diễn.

Tuy nhiên, sau 10 năm vận hành, Seoul hồi năm 2008 tuyên bố hủy các chuyến tham quan tới Kumgang sau vụ binh sĩ Triều Tiên bắn chết một du khách Hàn Quốc, người mà Bình Nhưỡng cáo buộc đã xâm phạm khu vực quân sự hạn chế.

Lãnh đạo Hàn – Triều nhất trí mở cửa lại khu nghỉ dưỡng tại hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2018, nhưng hơn một năm sau, ông Kim nói rằng việc coi địa điểm này như biểu tượng của mối quan hệ liên Triều là “quan niệm sai lầm”.

Bình luận viên Herskovitz nhận định phương án tiếp theo của Triều Tiên là tái triển khai quân đội đến biên giới. Chỉ vài giờ trước khi Bình Nhưỡng cho nổ tung văn phòng liên lạc chung liên Triều, quân đội nước này cho biết họ đang xem xét kế hoạch triển khai binh sĩ tới một số khu vực thuộc Khu Phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền bán đảo.

Hôm 17/6, ý định của Bình Nhưỡng trở nên rõ ràng hơn, khi phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên cho hay họ sẽ triển khai binh sĩ tới núi Kumgang và Kaesong gần biên giới, nơi Seoul và Bình Nhưỡng từng hợp tác kinh tế và binh sĩ được điều chuyển khỏi đây nhằm phục vụ những dự án này.

10 trạm gác từng được rút khỏi khu DMZ, theo thỏa thuận giữa ông Moon và ông Kim hồi năm 2018, cũng dự kiến được dựng lại. Bên cạnh đó, các đơn vị pháo binh Triều Tiên bố trí gần biên giới trên biển phía tây sẽ được củng cố, với mức độ sẵn sàng chiến đấu nâng lên cao nhất. Triều Tiên còn bắt đầu nối lại hoạt động rải truyền đơn chống Hàn Quốc qua biên giới.

Một trong những phương án khác là triển khai tên lửa. Từ hồi năm ngoái, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm một số mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng vươn tới tất cả khu vực thuộc Hàn Quốc, bao gồm cả các căn cứ quân sự Mỹ.

Những tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn này nằm trong số các loại vũ khí mới được phát triển dưới thời Kim Jong-un, dễ dàng che giấu và triển khai hơn so với những mẫu cũ sử dụng nhiên liệu lỏng. Đáng chú ý là tên lửa đạn đạo KN-23, dường như là phiên bản sao chép tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của Nga, được thiết kế để xuyên thủng các lá chắn của Mỹ trên bán đảo.

Lãnh đạo Triều Tiên được cho là có thể tăng cường thúc đẩy chương trình vũ khí tầm ngắn nhằm gây áp lực lên Seoul, ngay cả khi ông kiềm chế việc triển khai tên lửa tầm xa.

Phương án tiềm tàng rủi ro cao nhất của Triều Tiên là gây xung đột vũ trang. Tuy nhiên, họ được cho là từng chọn cách này vào một thập kỷ trước. Hồi tháng 3/2010, Triều Tiên bị nghi ngờ phóng ngư lôi vào tàu hộ vệ Cheonan của hải quân Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. 7 tháng sau, họ bất ngờ nã khoảng 200 quả đạn pháo vào đảo tiền tiêu Yeonpyeong của Hàn Quốc, làm nhà cửa bốc cháy, giết chết hai binh sĩ và hai thường dân, cùng nhiều người bị thương.

Theo giới chuyên gia, một cuộc tấn công gây ra thương vong cho phía Hàn Quốc sẽ hủy hoại lời kêu gọi nối lại quan hệ, dựa trên tình đoàn kết giữa những người “đồng bào”, mà đội ngũ của ông Moon luôn nỗ lực theo đuổi. Nếu đi quá xa, động thái này thậm chí có thể kích động chiến tranh.

Hồi năm 2018, tại Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc, hai nước trên bán đảo Triều Tiên đã cùng nhau diễu hành dưới một lá cờ chung. Họ từng nói với Ủy ban Olympic Quốc tế rằng đang xem xét việc tiếp tục cùng diễu hành, thậm chí thành lập một vài đội thi đấu chung tại Thế vận hội mùa hè ở Tokyo, Nhật Bản, dự kiến vào năm sau.

Tuy nhiên, sau khi Triều Tiên tuyên bố cắt hoàn toàn liên lạc với Hàn Quốc và giật sập văn phòng liên lạc chung, viễn cảnh này bỗng trở nên quá xa vời.

RELATED ARTICLES

Tin mới