Trung Quốc dự kiến sửa luật để lực lượng hải cảnh có thể cùng quân đội huấn luyện, tập trận nhằm tham gia các chiến dịch chung nếu xảy ra chiến tranh.
Tờ Nikkei Asian Review ngày 21.6 đưa tin Trung Quốc sẽ đẩy mạnh sự phối hợp giữa lực lượng hải cảnh và quân đội khi cho phép 2 bên tập trận chung và tham gia các chiến dịch cùng nhau nếu xảy ra chiến tranh.
Nội dung này được đề cập trong dự thảo đề xuất sửa đổi luật liên quan Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân, được thông qua bởi Ủy ban Thường vụ đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (quốc hội) Trung Quốc vào ngày 20.6.
Mở rộng năng lực trên biển
Giới quan sát cho rằng thông qua sự phối hợp giữa 2 lực lượng trên, Trung Quốc đang muốn xây dựng mạng lưới liền mạch trong việc xử lý mọi vấn đề từ tuần tra biển cho đến tiến hành chiến dịch quân sự, nhất là trên biển.
Luật sửa đổi đưa Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân về dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương (CMC), nghĩa là quy tụ lại dưới 5 chiến khu trong bối cảnh chiến tranh. Trước đó, lực lượng này do CMC và Quốc vụ viện cùng lãnh đạo.
Hải cảnh là một bộ phận của Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân nên cũng áp dụng theo luật mới. Do đó, quân đội và hải cảnh Trung Quốc có thể tham gia cùng nhau nếu giới lãnh đạo quyết định rằng tình huống chiến tranh xảy ra ở biển Hoa Đông hay Biển Đông. Ngay cả khi bình thường, hải cảnh cũng có thể tham gia huấn luyện, diễn tập và cứu hộ khẩn cấp với quân đội.
Với quân số ước tính 600.000 – 700.000 người, Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân chủ yếu xử lý các vấn đề trên bờ như giữ gìn an ninh và bảo vệ những cơ sở hạ tầng trọng yếu. Tuy nhiên, dự luật sửa đổi nêu rõ rằng “việc bảo vệ lợi ích trên biển và thực thi pháp luật” là một trong các sứ mệnh chính của lực lượng này.
Nhận diện mối nguy từ hải cảnh
Hồi tháng 12.2019, các thay đổi về pháp lý này chưa được đề cập trong kế hoạch của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc. Giới quan sát cho rằng việc bà Thái Anh Văn tái đắc cử hồi tháng 1 có thể đã khiến việc sửa đổi nhanh chóng được đưa vào chương trình nghị sự.
Những thay đổi trong luật cũng được đưa ra trong bối cảnh các tàu hải cảnh của Trung Quốc bị tố nhiều lần xuất hiện ở các vùng biển tranh chấp như khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản.
Đáng chú ý, giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang sử dụng tàu hải cảnh cùng tàu dân quân biển ngụy trang dưới dạng tàu cá cho chiến thuật “vùng xám” nhằm vào các bên khác ở Biển Đông.
Chiến thuật “vùng xám” với những hành động “dưới ngưỡng chiến tranh”, là việc thay thế quân đội bằng những lực lượng quân sự hoặc bán quân sự trá hình nhằm không gây phản ứng mạnh từ các nước. Do đó, Trung Quốc không ngừng mở rộng lực lượng hải cảnh với đội tàu trên 1.000 tấn tăng từ khoảng 60 chiếc vào năm 2010 lên hơn 130 chiếc hiện nay, đồng thời gia tăng hoạt động ở những vùng biển tranh chấp, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra năm ngoái.
Theo trang Asian Military Review, đội tàu hải cảnh của Trung Quốc có quy mô lớn nhất thế giới nhằm phục vụ cho các yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Đội tàu hải cảnh của Trung Quốc còn thường xuyên gây hấn, đâm chìm tàu cá các nước trong khu vực, hỗ trợ hoạt động phi pháp của các tàu khảo sát ở Biển Đông. Mới đây, tàu hải cảnh số hiệu 4006 của Trung Quốc còn ngang nhiên cướp tài sản, đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động ở Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tàu sân bay Mỹ tấp nập ở cửa ngõ Biển Đông
Trang web hải quân Mỹ ngày 21.6 đưa tin 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz vừa bắt đầu các chiến dịch bay song song ở vùng biển Philippines. Trên biển, 2 nhóm tàu sẽ hỗ trợ các cuộc diễn tập phòng không, trinh sát biển, tiếp tế, huấn luyện phòng thủ khi tác chiến trên không, tấn công tầm xa, thao tác phối hợp và nhiều hoạt động khác. Trong khi đó, trang Twitter của hải quân Mỹ hôm 20.6 cho hay nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan vừa tiến hành các chiến dịch bay của lực lượng sẵn sàng chiến đấu nhằm bảo vệ các lợi ích hàng hải chung của đồng minh, đối tác ở vùng biển Philippines.
Theo tờ The Japan Times, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, hải quân Mỹ đưa 3 nhóm tác chiến tàu sân bay đến cửa ngõ Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục diễn biến xấu. Hải quân Mỹ nhấn mạnh rằng Washington có mối quan tâm lớn trong việc duy trì an ninh, thịnh vượng, giải pháp hòa bình đối với tranh chấp, thương mại hợp pháp không bị cản trở và sự tôn trọng tự do hàng hải, hàng không trên khắp các khu vực chung ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.