Bất chấp một loạt thách thức bủa vây, Trung Quốc vẫn mạnh tay với Ấn Độ ở biên giới, nhưng họ dường như đang đánh giá thấp hậu quả.
Tại khu vực tranh chấp nơi biên giới trên vùng núi cao Himalaya, Trung Quốc và Ấn Độ từng thống nhất không đụng độ bằng súng đạn, theo các thỏa thuận ký năm 1996 và 2005, nhằm kiềm chế khả năng xung đột lãnh thổ kéo dài bùng phát thành chiến tranh.
Tuy nhiên, sự đồng thuận mong manh giữa họ bị lung lay nghiêm trọng sau vụ ẩu đả hôm 15/6. Truyền thông Ấn Độ cáo buộc quân đội Trung Quốc xây đập chặn sông rồi bỏ chặn khi binh sĩ Ấn Độ tới gần, khiến nhiều người bị ngã vì sức nước mạnh. Lính Trung Quốc sau đó dùng gậy sắt hàn đinh để tấn công, làm ít nhất 20 lính Ấn Độ thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Phía Trung Quốc cũng có thương vong, nhưng thông tin không được tiết lộ.
Cuộc đụng độ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc được cho là đang từng bước xây dựng lực lượng, cơ sở hạ tầng và gia tăng các cuộc tuần tra xung quanh Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), nơi được coi là biên giới trên thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Hôm 20/6, Bắc Kinh cáo buộc New Delhi “cố tình khiêu khích”, đồng thời chỉ trích quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực biên giới của nước này. Tuy nhiên, các nhà bình luận cho rằng hoạt động xây dựng của Ấn Độ đều được tiến hành bên trong lãnh thổ mà họ nắm quyền kiểm soát.
“Động thái của Trung Quốc dường như là một phần trong nỗ lực thúc đẩy có chủ đích nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ”, Andrew Small, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức, nhận định. Theo Small, Trung Quốc rõ ràng đang tăng cường hiện diện tại biên giới với Ấn Độ, dù thông tin về khu vực này khá rời rạc, chủ yếu từ nguồn của Ấn Độ cùng ảnh vệ tinh.
“Quân đội Trung Quốc đang củng cố chỗ đứng của họ tại nhiều địa điểm, không chỉ đơn giản là tiến hành các cuộc tuần tra phía bên kia LAC, mà còn xây dựng cơ sở hạ tầng và duy trì hiện diện liên tục”, Small nói.
Theo bình luận viên Emma Graham-Harrison của Guardian, các chỉ huy tại một vùng biên giới đầy tranh chấp dường như cũng không có khả năng lên kế hoạch cho một vụ ẩu đả chết chóc như vậy, nếu không nhận được “cái gật đầu” từ những lãnh đạo cấp cao nhất.
Tuy nhiên, Graham-Harrison cho rằng thời điểm hiện nay không thích hợp để Bắc Kinh kích động rắc rối với nước láng giềng, do họ đang phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng. Nền kinh tế Trung Quốc bị Covid-19 tàn phá, trong khi quan hệ với Mỹ đang ở một trong những mức thấp nhất kể từ khi hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Tình hình Hong Kong cũng bất ổn sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch áp luật an ninh cho đặc khu.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn căng thẳng với Australia sau khi Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về Covid-19, đồng thời đang trong thế đối đầu với Canada về việc xem xét dẫn độ Mạnh Vãn Chu, con gái người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi và là giám đốc tài chính của “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích đánh giá việc Trung Quốc gây hấn ở biên giới với Ấn Độ là một phản ứng trước những áp lực bủa vây, nhằm tỏ ra kiên quyết về vấn đề chủ quyền quốc gia.
“Covid-19, những chỉ trích của dư luận quốc tế với Trung Quốc, khủng hoảng kinh tế trong nước, kèm theo sự lao dốc trong quan hệ Mỹ – Trung đã thúc đẩy Bắc Kinh thể hiện lập trường cứng rắn đối với một số vấn đề về chủ quyền, nhằm ám chỉ rằng họ sẽ không bị đe dọa”, Taylor Fravel, giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, nêu ý kiến.
Một số người khác nhìn nhận Trung Quốc, sau nhiều năm ưu tiên phát triển kinh tế và tập trung vào ổn định toàn cầu trong chính sách đối ngoại, đang nhân cơ hội để thể hiện chủ nghĩa dân tộc một cách quyết liệt hơn.
Bình luận viên Graham-Harrison cho rằng có lẽ không nước nào muốn đối đầu với Trung Quốc. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng có động thái hạ nhiệt căng thẳng, khi nói rằng binh sĩ Trung Quốc không xâm nhập vào lãnh thổ của họ, dù phát ngôn này mâu thuẫn trực tiếp với tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Ấn Độ.
“Từ quan điểm của Trung Quốc, họ sẽ tự hỏi cớ gì mà không tiếp tục lấn tới?”, June Dreyer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, Mỹ, cho hay. Quy mô nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 5 lần Ấn Độ. Ngân sách quốc phòng của họ nhiều hơn 100 tỷ USD. Các cuộc biểu tình và lời đe dọa tẩy chay hàng Trung Quốc tại Ấn Độ cũng ít có khả năng gây ra tác động lớn.
Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể đã đánh giá thấp thiệt hại từ xung đột với New Delhi. “Một trong những điều chúng ta rút ra được từ cuộc khủng hoảng này là hiểu biết của Trung Quốc về Ấn Độ khá ít ỏi, thường bị lu mờ bởi những định kiến”, Ashley Tellis, cựu cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay.
Cái chết của những binh sĩ Ấn Độ, cùng sự chấm dứt thỏa thuận ngầm về việc tránh gây tử vong giữa hai nước, có khả năng khiến cả người dân và giới chức Ấn Độ cứng rắn hơn trước Trung Quốc. Điều đó có thể dẫn tới những hậu quả về lâu dài, cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn ngoại giao, đối với Bắc Kinh.
“Tôi ngờ rằng Trung Quốc đã làm mất lòng thêm một thế hệ nữa ở Ấn Độ. Nhiều người trong số họ từng coi Trung Quốc là một cơ hội, nhưng giờ đây, về cơ bản những người đó không thể tin tưởng Trung Quốc được nữa”, Tanvi Madan, giám đốc dự án Ấn Độ tại Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, nhận định.
“Cuộc xung đột cũng gạt bỏ suy nghĩ rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ làm giảm bớt căng thẳng về chính trị”, Madan nói thêm.