Nếu bỏ Bỏ quyền phủ quyết của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì Mỹ-Anh-Pháp sẽ dễ dàng áp đảo Nga-Trung.
Mỹ cáo buộc Nga và Trung Quốc “vô trách nhiệm”
Mới đây, ông Brian Hook, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran nói rằng, Hoa Kỳ kêu gọi Nga và Trung Quốc không bảo vệ Iran khỏi sự chú ý và những yêu cầu thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Vào ngày 19/6, Hội đồng Thống đốc IAEA đã thông qua nghị quyết kêu gọi Iran cung cấp quyền tiếp cận hai địa điểm mà cơ quan này muốn điều tra. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, khiến Mỹ rất tức giận.
Ông Hook nói trong cuộc họp báo sau đó rằng, Nga và Trung Quốc đã cố gắng bảo vệ Iran khỏi sự chú ý chặt chẽ. Vì là các cường quốc hạt nhân, Trung Quốc và Nga cần có trách nhiệm đặc biệt là “không hỗ trợ các quốc gia chơi trò mèo vờn chuột với IAEA”.
Vị đặc phái viên Mỹ khẳng định, việc Nga và Trung Quốc chống lại nghị quyết này cho thấy “tiếng nói của họ thật vô trách nhiệm, cộng đồng quốc tế xứng đáng được nhiều hơn thế”.
Về phần mình, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và an ninh toàn cầu Christopher Ford nói rằng, Iran là nước lần đầu tiên trong lịch sử từ chối cung cấp thông tin về chương trình hạt nhân của mình theo các thỏa thuận bảo vệ với các quốc gia đã ký kết Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân.
Đáp lại, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Mikhail Ulyanov, đã tuyên bố rằng, Nga không thấy bất kỳ biểu hiện nào cho thấy Iran hiện đang tiến hành các hoạt động hạt nhân tại hai cơ sở được kể đến trong nghị quyết của IAEA.
Còn ông Zhao Lijian, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là biểu hiện của trách nhiệm đặc biệt trong việc đảm bảo hòa bình quốc tế của các quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một bài viết về Thế chiến II đã nói rằng, những lời kêu gọi xóa bỏ quyền phủ quyết của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là hành động vô trách nhiệm. Năm quốc gia có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Ông Zhao Lijian nói rằng, Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định quyền phủ quyết đối với các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, điều này thể hiện trách nhiệm đặc biệt của các thành viên Hội đồng Bảo an trong việc bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế.
Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Nga và Trung Quốc sẽ duy trì quan điểm thận trọng và trách nhiệm trong vấn đề sử dụng quyền phủ quyết và sẽ luôn tuân thủ nguyên tắc này.
“Quyền phủ quyết” được áp dụng như thế nào?
Trước đây, đã có không ít đề xuất hủy bỏ quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Những đề xuất này đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các nước phương Tây.
Vấn đề quyền phủ quyết của các Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ lâu đã là đề tài nóng trong giải quyết các sự vụ quốc tế. Thực ra, thuật ngữ ”phủ quyết” thực sự chưa bao giờ được dùng trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhưng nó là vấn đề mang tính chất thực tế và được sử dụng rộng rãi trong giới ngoại giao và các phương tiện truyền thông.
Để một nghị quyết được thông qua, nó phải thu hút được 9 phiếu thuận từ tổng cộng 15 nước thành viên của HĐBA (gồm 5 thành viên thường trực là Nga, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc và 10 thành viên không thường trực). 9 phiếu thuận đó tính cả số phiếu tán thành của 5 thành viên thường trực.
Quyền phủ quyết của các thành viên thường trực đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thông qua một nghị quyết. Bất kể là một nghị quyết nhận được bao nhiêu phiếu thuận, nhưng nếu chỉ 1 trong 5 Ủy viên thường trực phủ quyết thì không một nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an được phép thực hiện.
Về thực chất, điều đó gián tiếp thừa nhận năm quốc gia nói trên có vai trò quyết định trong việc giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới.
Đây thực chất là một quyền lực tối thượng mà 5 Ủy viên này có thể lợi dụng để bác bỏ ý kiến của nhau hay dùng để bảo vệ quyền lợi đất nước mình hoặc đồng minh của mình. Trên thực tế đã có nhiều nghị quyết bị phủ quyết bởi 1 trong 5 Ủy viên này, khi nó chống lại chính mình.
Thống kê chính thức cho biết, tính từ năm 1945 – thời điểm Liên Hiệp Quốc được thành lập đến hết thế kỷ 20, Liên Xô cũ và Nga đã sử dụng 120 lần quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, Mỹ dùng 76 lần, Anh 32 lần, Pháp 18 lần và Trung Quốc mới sử dụng 5 lần.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô cũ đã thường xuyên dùng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Gần đây hơn, Mỹ không tiếc tay sử dụng quyền phủ quyết để che chắn cho Chính phủ Israel trước làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế hoặc các nỗ lực yêu cầu nước này kiềm chế các hành động quân sự.
Gần hơn nữa là Nga, Mỹ đã thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết lên án lẫn nhau trong vấn đề giải quyết cuộc nội chiến Syria hay vấn đề hạt nhân Iran hoặc vấn đề Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine…
Vì sao Nga và Trung Quốc không từ bỏ “Quyền phủ quyết”?
Do đó, đã không ít sáng kiến hạn chế quyền phủ quyết của các Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được đề xuất, ví dụ như hồi tháng 9/2015, Liên Hiệp Quốc đã thảo luận một đề nghị của Pháp, sau đó là đề xuất của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền (UNHCHR) Zeid Ra’ad al-Hussein vào tháng 10/2016, tuy nhiên các sáng kiến đều không thể được thực hiện.
Theo giới phân tích, muốn bãi bỏ quyền phủ quyết của thì cần phải thay đổi Hiến chương Liên Hiệp Quốc và điều này là không thể xảy ra.
Để thông qua việc sửa đổi một vấn đề nào đó trong Hiến chương LHQ, cần có 2/3 số thành viên (ít nhất là 129 quốc gia) bỏ phiếu tán thành, sau đó 2/3 nước thành viên phải phê chuẩn, trong đó có tất cả năm thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nhưng sẽ rất khó để tất cả các thành viên thường trực phê chuẩn một sửa đổi như vậy trong Hiến chương.
Các quan chức Nga cho rằng, chủ yếu là phương Tây muốn ngăn chặn khả năng Moscow sử dụng quyền này để phủ quyết các nghị quyết do họ đưa ra, gây bất lợi cho Nga và các đồng minh, chẳng hạn như một nghị quyết lên án Syria và đòi tấn công quân sự lật đổ chính quyền Assad.
Việc tìm kiếm 9/15 phiếu thuận trong Hội đồng Bảo an về một vấn đề nào đó là điều không phải quá khó, cái quan trọng là nếu nó bị 1 trong 5 Ủy viên thường trực bác bỏ thì sẽ không được thực hiện. Nếu hạn chế quyền phủ quyết, việc ra nghị quyết sẽ được quyết định bằng số phiếu thuận.
Nếu bỏ quyền phủ quyết, 3 nước Ủy viên thường trực còn lại (Anh, Mỹ, Pháp) dễ dàng áp đảo Nga và Trung Quốc trong xử lý các sự vụ quốc tế, ngược lại, Moscow và Bắc Kinh dù hợp lực cũng không làm gì được các nước phương Tây bởi họ là đồng minh của nhau. Khi đó, Nga và Trung Quốc sẽ hầu như khồng còn quyền quyết định các vấn đề chính trị thế giới.
Do đó, phương Tây luôn muốn sửa đổi Hiến chương theo hướng hạn chế quyền phủ quyết, còn Nga và Trung Quốc sẽ không đời nào chấp nhận điều đó. Mà chỉ cần 1 trong 2 Ủy viên này không phê chuẩn thì việc sửa đổi Hiến chương sẽ không bao giờ thực hiện được.