Hindustan Times ngày 22/6 dẫn nguồn tin chính phủ Ấn Độ xác nhận đội quân chuyên tác chiến vùng sơn cước được điều ra biên giới ở khu vực dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).
Việc điều động một đội quân tinh nhuệ đã được huấn luyện trong cả thập kỉ để chiến đấu ở mặt trận phía Bắc ra tiền tuyến là hoàn toàn dễ hiểu trong tình hình hiện nay.
Hindustan không nói rõ Ấn Độ điều động đơn vị nào, nhưng khẳng định đội quân này sẵn sàng tham chiến một khi xung đột biên giới xảy ra.
Không giống như Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Chiến khu miền Tây được trang bị xe bọc thép, quân chuyên chiến sơn cước Ấn Độ được huấn luyện thuần thục chiến đấu du kích và chiến đấu vùng cao.
Theo Hindustan Times, thực lực của đội quân đã được chứng minh trong cuộc xung đột năm 1999, với kết quả là Ấn Độ giành quyền kiểm soát địa bàn Kargil từ Pakistan.
“Chiến đấu vùng cao tiềm tàng nhiều nguy hiểm. Đội quân của Ấn Độ là những binh lính đến từ các vùng núi cao hiểm trở Uttarakhand, Ladakh, Gorkha, Arunachal và Sikkim, đã rất quen với việc chiến đấu trên cao. Xét về thực lực cận chiến, những binh lính này không có đối thủ. Trong khi đó, khi chiến đấu, pháo và tên lửa phải được ngắm với độ chính xác cao nếu không sẽ chệch mục tiêu hàng dặm,” một cựu chỉ huy Ấn Độ nói với Hindustan Times.
Nhận xét về yếu tố địa hình, chuyên gia về Trung Quốc trong chính phủ Ấn Độ chia sẻ: “Đối với tranh chấp vùng cao, việc chiếm được địa hình đã khó, giữ được nó lại càng khó hơn.”
Tờ báo nhắc lại mong muốn tự lực về quân sự cũng như ngoại giao của Ấn Độ.
“Binh lính, tàu sân bay bọc thép, pháo binh của chúng tôi sẵn sàng. Chúng tôi không mong chiến tranh nhưng sẽ đáp trả bất cứ hành động nào cố ý xâm phạm chủ quyền dân tộc,” nguồn tin chính phủ Ấn Độ nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên xác nhận, lực lượng biên phòng Trung-Ấn ngày 22/6 đã tổ chức đối thoại cấp tướng lần thứ 2 ở khu vực biên giới. Theo đó, hai nước đã trao đổi thẳng thắn về kiểm soát căng thẳng ở biên giới trên nền tảng nhận thức chung đạt được từ cuộc đối thoại trước đó. Song phương đồng ý thực thi các biện pháp cần thiết để thúc đẩy hòa dịu tình hình, đồng thời duy trì trao đổi, cùng nhau thúc đẩy hòa bình và an ninh ở biên giới hai nước.
Truyền thông Ấn Độ cho hay, cuộc gặp Trung-Ấn ngày 22 đã kéo dài suốt 11 tiếng đồng hồ.