Căng thẳng biên giới Trung Quốc-Ấn Độ leo thang sau cuộc đụng độ đẫm máu ở Thung lũng Galwan nằm trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) tối ngày 15/6.
Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar. Cả hai bên đã đồng ý giải quyết căng thẳng bằng hòa bình và trong thời gian ngắn nhất.
Để giảm bớt căng thẳng, hai bên nỗ lực thảo thuận và đã đi tới một số thống nhất. Tuy nhiên, Thời báo Hoàn Cầu viết, giữa lúc biên giới với Trung Quốc này sinh nhiều vấn đề, New Delhi lại nhanh chóng nâng cấp mối quan hệ song phương với Canberra lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (4/6). Liệu Ấn Độ có nên suy nghĩ lại niềm tin của mình vào các nước thứ ba?
Chiến lược ngoại giao mạnh mẽ của Ấn Độ
Theo Hoàn cầu, mặc dù Ấn Độ tuyên bố đi theo con đường không liên kết, nhưng trên thực thế lại đang xích lại gần các cường quốc hoặc tạo ra liên minh cùng chí hướng.
Do sự cạnh tranh địa chính trị, New Delhi đã coi Bắc Kinh là một trong những đối thủ và mối đe dọa lớn nhất. Ấn Độ cũng nhận thức rõ rằng tự mình không thể đối đầu với Trung Quốc. Chính vì thế, việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao với nước thứ ba đã trở thành đặc điểm rõ ràng của ngoại giao Ấn Độ trong các vấn đề với Trung Quốc
Mỹ đã trở thành sự lựa chọn tốt nhất của Ấn Độ, do nhận ra sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ coi Ấn Độ là đối tác chính để giải quyết mối lo ngại về Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Bên cạnh Mỹ, theo góc nhìn của giới quan sát, cú bắt tay của Ấn Độ-Úc (4/6) là thể hiện thái độ đối trọng Trung Quốc và phản ánh tham vọng đa phương hóa của Ấn Độ. Nước này trước đây đã tìm cách ký kết các thỏa thuận hỗ trợ quốc phòng với Mỹ, Pháp, Hàn Quốc và Singapore.
Báo The Times of India sau đó cho biết ngoài Úc, Ấn Độ sẽ xúc tiến thỏa thuận tương tự với Nhật Bản, Nga và Vương quốc Anh.
Tham vọng lớn đi đôi với tự lực mạnh
Cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng chống lại Trung Quốc đã làm mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington không mấy tốt đẹp. Mối quan hệ này trong năm nay lại còn bị xấu đi do đại dịch Covid-19 và cuộc chiến về công nghệ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bổ sung hơn 30 công ty và thực thể Trung Quốc vào danh sách đen, hạn chế quyền truy cập vào công nghệ của Mỹ. Ông Trump công khai khuyến khích các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cho tàu chiến hoạt động thường xuyên ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Ấn Độ đã trông thấy cơ hội từ cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc. Có lẽ cũng chính vì nhìn ra lợi thế này mà Ấn Độ đã quyết liệt hơn trong vấn đề về biên giới với Trung Quốc thời gian gần đây.
Long Xingchun – nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện quản trị khu vực và toàn cầu thuộc Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh, chủ tịch Viện nghiên cứu sự vụ thế giới ở Thành Đô – phân tích trên Hoàn Cầu cho rằng Ấn Độ phải hiểu trong cuộc cạnh tranh quyền lực, tất cả các quốc gia đều muốn tham gia cuộc chơi thay vì bị điều khiển như những quân tốt.
Các quốc gia thứ ba đều có những mục đích riêng khi đối đầu Trung Quốc. Nếu một cuộc xung đột nghiêm trọng thực sự xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ, liệu Mỹ có còn là đối tác đáng tin cậy hay không? Chính Ấn Độ cũng không tự tin vào điều đó, và không dám đi quá xa trong căng thẳng với Trung Quốc – ông Long nêu.
Hoàn Cầu kết luận, tham vọng nên phù hợp với khả năng. Để theo đuổi vị thế là cường quốc và gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực, sức mạnh tự thân là yếu tố quyết định. Không có nước nào mạnh lên nhờ “dựa hơi” nước khác. Quốc gia đó sẽ tự giẫm vào chân mình nếu cứ đi tìm những tham vọng vượt khả năng.