Chứng kiến sự ngang ngược cùng những hành vi gây hấn, bắt nạt các nước láng giềng của TQ trên biển Đông, Indonesia tự biết rằng, đã đến lúc không thể đừng được nữa với TQ, nếu không, chính họ cũng sẽ là một nạn nhân tương tự như VN, PLP, Malaysia.
Tổng thống Indonesia trong lần thị sát tàu hải quân tại Natuna, tháng 1/2020
Indonesia không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông, nhưng năm 2016, nhất là đầu năm 2020, căng thẳng giữa Jakarta và Bắc Kinh đã nổ ra liên quan tới việc các tàu đánh bắt cá của TQ xuất hiện tại vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia. Và từ thời điểm đó, quan hệ hai nước vẻ như ngày một ‘xấu” đi trông thấy.
Nhà lãnh đạo Indonesia – tổng thống Joko Widodo – thời điểm đó đã thực hiện một cuộc thị sát lực lượng quân sự của nước này tại Natura ngày 08/01/2020, kèm theo đó là những tuyên bố hàm ý rằng: TQ không nên “bén mảng” đến Natura, bởi đây thực sự thuộc chủ quyền của Indonesia.
Gần đây, Jakarta còn tỏ thái độ kiên quyết hơn, khi tích cực tham gia điều mà dư luận gọi là “cuộc chiến công hàm”, với TQ tại LHQ.
Cụ thể, ngày 12/6, Indonesia gửi một công hàm ngoại giao tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres, đáp lại một công hàm của TQ gửi ông Guterres 10 ngày trước đó.
Trong công hàm, Jakarta chỉ trích và bác bỏ đề nghị của Bắc Kinh về việc “mời” Jakarta cùng tham gia đàm phán điều mà TQ gọi là “những tuyên bố chồng lấn nhau về quyền và lợi ích trên biển” ở các vùng biển tranh chấp; rằng các thực thể thuộc Quần đảo Trường Sa ở biển Đông không đủ tiêu chuẩn để được công nhận vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa, và do đó không thể chồng lấn với EEZ hay thềm lục địa của Indonesia. Jakarta cũng bác bỏ tuyên bố về quyền lịch sử của TQ đối với nhiều khu vực của biển Đông vốn chồng lấn với EEZ của Indonesia, đồng thời khẳng định rằng cho dù tồn tại những quyền lịch sử như vậy thì các quyền này cũng bị bác bỏ xét theo những điều khoản của UNCLOS 1982…
Tiếp theo việc thể hiện quan điểm, thái độ tại LHQ, phát biểu với báo giới trong nước và quốc tế tại Jakarta, Ngoại trưởng Retno Marsudi còn nói trắng phớ: “Quan điểm của Indonesia rất rõ ràng, rằng căn cứ theo UNCLOS 1982 (Công ước Liên hợp quốc về Luật biển), Indonesia không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nào với TQ. Do đó, không có lý do gì để đàm phán”.
Rõ ràng, về mặt ngoại giao, thái độ rõ ràng, dứt khoát của Jakarta có thể ví như “hắt nước” vào Bắc Kinh. Chỉ có điều, sự “hắt nước” đó, tới thời điểm này, không còn làm dư luận ngạc nhiên, vì hiểu rằng, Jakarta khó có thể làm khác. Chứng kiến nhiều lần sự ngang ngược cùng những hành vi gây hấn, bắt nạt các nước láng giềng của TQ trên biển Đông, Indonesia tự biết rằng, đã đến lúc không thể đừng được nữa với TQ, nếu không, chính họ cũng sẽ là một nạn nhân tương tự như VN, PLP, Malaysia.
Cần biết rằng, công hàm ngoại giao đầu tiên gửi Tổng thư ký LHQ ngày 26/5, Jakarta cũng đã bác bỏ thẳng thừng cái gọi là bản đồ “Đường 9 đoạn” hay tuyên bố về các quyền lịch sử của TQ đối với hầu như toàn bộ vùng biển Đông. Công hàm của Indonesia là một trong số những văn kiện được các thành viên của ASEAN và TQ gửi LHQ sau khi Malaysia đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng lên LHQ tháng 12/2019.
Như vậy, nếu như có thêm một “kẻ thù” nữa là Indonesia trong cuộc đấu đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông, TQ trước tiên hãy tự trách mình. Indonesia – người hàng xóm được coi là “hiền lành” bấy nay, đâu phải vô cớ bỗng trở nên bướng bỉnh ?