Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ gặp khó khi đối đầu cùng lúc Mỹ, Ấn

TQ gặp khó khi đối đầu cùng lúc Mỹ, Ấn

Trung Quốc không đủ tiềm lực kinh tế để duy trì cùng lúc nhiều mặt trận quân sự. Đây là điểm yếu sẽ bị đối thủ tận dụng triệt để.

Mới đây, Hoàn Cầu Thời Báo cho đăng tải một bài viết với tựa đề “Ấn Độ mơ tưởng trong lúc Trung Quốc (TQ) sẵn sàng trên mọi mặt trận”. Bài viết dẫn ý kiến của một số chuyên gia TQ tuyên bố Ấn Độ cũng như Mỹ không đủ khả năng kìm hãm nước này do Bắc Kinh đã tăng cường lực lượng gần như trên mọi điểm nóng xung đột ở châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc quá tự tin vào năng lực quân sự?

Cụ thể, trả lời Hoàn Cầu Thời Báo, chuyên gia quân sự Wei Dongxu tuyên bố Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam TQ đã điều một nhóm khu trục hạm và khinh hạm ra tuần tra ở Biển Đông từ hôm 16-6. Sắp tới, hải quân TQ cũng bắt đầu tập trận năm ngày từ hôm 1-7 gần khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cùng thời điểm này, chiến đấu cơ TQ liên tục áp sát và đi vào không phận của đảo Đài Loan. Các máy bay TQ còn nhiều lần cố tình chặn đường và xua đuổi chiến đấu cơ Mỹ di chuyển ngang qua.

Tình trạng căng thẳng cũng diễn ra ở các khu vực tranh chấp lãnh thổ ở biên giới Ấn – Trung khi Tập đoàn quân số 74 của TQ được điều ra đây để diễn tập pháo kích. Tập đoàn quân này thông thường chỉ tham gia các đợt tập trận đổ bộ đánh chiếm Đài Loan.

Với các động thái trên, ông Wei tuyên bố TQ đã chứng minh được “sức mạnh quân sự vượt trội”, làm chùn bước “ý đồ phát động chiến tranh” của Mỹ và Ấn Độ. “New Delhi quả thật đã quá mơ tưởng khi nghĩ có thể nhờ Washington hỗ trợ cầm chân TQ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan” – chuyên gia này khẳng định.

Sai lầm lớn của Bắc Kinh

Theo TS Brahma Chellaney thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách (Ấn Độ), việc mở nhiều mặt trận đối đầu với các cường quốc khác là cách để TQ tranh thủ giành phần kiến tạo trật tự mới sau đại dịch COVID-19, tờ The Nikkei cho hay. Cả Mỹ và Ấn Độ đến nay vẫn nằm trong nhóm năm nước có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới.

Tuy nhiên, ông Chellaney chỉ ra rằng để duy trì sự hiện diện trên nhiều mặt trận như hiện tại, Bắc Kinh bắt buộc phải bỏ ra một khối lượng lớn nguồn lực đi kèm. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của nước này đã chững lại ngay trước cả khi đại dịch bùng phát cùng với tình trạng già hóa dân số tước đi lợi thế nguồn nhân công giá rẻ, câu hỏi ở đây không phải là TQ sẽ còn mở rộng đến mức nào mà là Bắc Kinh sẽ còn trụ được bao lâu nữa với viễn cảnh ảm đạm như trên.

Ngoài ra, nếu quá tập trung vào mở rộng năng lực quân sự, giới chức TQ nhiều khả năng phải hy sinh hoặc không đủ ngân sách để hỗ trợ dự án kinh tế toàn cầu cùng tham vọng không kém là Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI). Nhiều nước thành viên dự án này thời gian tới chắc chắc kỳ vọng Bắc Kinh có động thái giảm lãi suất cho vay và thêm thời hạn trả nợ vì thiệt hại do COVID-19. Kinh tế toàn cầu suy giảm cũng ảnh hưởng đến nguồn vốn và tiến độ thi hành các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mà BRI hứa hẹn. Càng kéo dài TQ càng lỗ nặng.

Mỹ nắm điểm yếu của Trung Quốc

Giám đốc Chương trình Nghiên cứu châu Á thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) Daniel Blumenthal nhận định hiện Mỹ đang tận dụng hiệu quả điểm yếu này của Bắc Kinh để kiểm soát đà mở rộng của TQ. Đơn cử, việc Mỹ trong năm 2020 tăng cường tuần tra trên Biển Đông và gửi cùng lúc ba nhóm tác chiến tàu sân bay đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã biến khu vực này thành “vùng không an toàn” với quân đội TQ, buộc nước này phải vắt thêm ngân sách củng cố năng lực phòng thủ trên các thực thể nhân tạo bồi đắp trái phép.

Trong khi đó, Ấn Độ sắp tới có thể tận dụng thế mạnh giao thương với TQ để gián tiếp kìm hãm tham vọng quân sự của Bắc Kinh. The Nikkei chỉ ra thương mại song phương hằng năm đạt gần 90 tỉ USD mỗi năm. Mất đi nguồn lợi lớn này là mất đi một nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động quân sự. Điều này cho thấy lao vào cuộc xung đột với New Delhi như vụ ẩu đả hôm 15-6 là một bước đi loạng choạng của Bắc Kinh khi chỉ đẩy Ấn Độ lại gần hơn với Mỹ và các nước phương Tây khác.

“Dĩ nhiên, việc Ấn Độ có xét lại quan hệ kinh tế với TQ hay không phụ thuộc vào thành ý của Bắc Kinh trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, những bài viết như của Hoàn Cầu Thời Báo trên cho thấy TQ có vẻ tự tin đến mức không thấy được các nguy cơ chực chờ xung quanh” – ông Blumenthal bình luận.

Ấn Độ cân nhắc cấm công ty Trung Quốc phát triển 5G

Theo tờ Times of India ngày 1-7, chính phủ Ấn Độ thời gian qua đang do dự về việc có nên cho doanh nghiệp TQ tham gia phát triển công nghệ 5G ở nước này hay không. Tuy nhiên, quan điểm chung đang dần chuyển sang quyết định cấm cửa hoàn toàn. Đáng chú ý, New Delhi hôm 29-6 cũng vừa ban lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại thông minh của TQ với cáo buộc chứa mã độc và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Thông tin trên nếu trở thành sự thật sẽ là động thái đảo ngược quan điểm của Ấn Độ với Huawei. Hồi cuối năm ngoái, New Delhi từng bật đèn xanh cho tập đoàn viễn thông lớn nhất TQ tham gia thị trường 5G. Khi đó, chính phủ Ấn Độ thông báo mọi nhà sản xuất thiết bị viễn thông trên thế giới đều có thể tham gia vào dự án thử nghiệm xây dựng mạng 5G ở đây. Dù vậy, Bắc Kinh cũng từng cảnh báo sẵn sàng đáp trả các công ty Ấn Độ đang hoạt động ở TQ nếu New Delhi cấm Huawei làm ăn tại thị trường nước này.

Lịch sử đã dạy chúng ta rằng các cường quốc rồi cũng có lúc suy thoái vì bành trướng quá khả năng có thể duy trì. Tuy nhiên, trường hợp của TQ cho thấy nước này có thể mắc sai lầm tương tự, thậm chí trước khi phát triển thành một cường quốc toàn diện.

NITIN PAI, Giám đốc Viện Chính sách công Takshashila (Ấn Độ)

RELATED ARTICLES

Tin mới