Tuesday, October 22, 2024
Trang chủĐiểm tinPhát ngôn viên BNG TQ "nổ" loạt tweet giữa đêm, dằn mặt...

Phát ngôn viên BNG TQ “nổ” loạt tweet giữa đêm, dằn mặt thế giới về luật an ninh Hồng Kông

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bất ngờ đăng tải một loạt tweet phản ứng chỉ trích của các nước liên quan đến đạo luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông.

Nhiều nước phản ứng trước luật an ninh Hồng Kông

Đạo luật an ninh quốc gia đối với đặc khu Hồng Kông, được Ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 30/6/2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 – kỷ niệm tròn 23 năm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc Đại lục.

Đạo luật mới đã vấp phải chỉ trích từ hàng chục quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU), Australia, Canada, Nhật Bản, Thụy Sĩ,…

Hạ viện Mỹ rạng sáng 2/7 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật với 100% phiếu thuận, nhằm trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc có quan hệ với những quan chức địa phương bị Mỹ cho là dính líu đến luật an ninh quốc gia Hồng Kông. Dự luật sẽ được chuyển tới Thượng viện để bỏ phiếu, nếu thông qua sẽ tiếp tục chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký ban hành luật.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 1/7 (giờ địa phương) gọi việc Trung Quốc kích hoạt luật an ninh đối với Hồng Kông là “sự vi phạm rõ ràng Tuyên bố chung Trung-Anh” mà hai nước ký kết tháng 12/1984, có hiệu lực từ tháng 5/1985.

Bộ ngoại giao Anh trước đó cũng triệu Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh, để phản đối và thể hiện quan ngại về chương trình lập pháp liên quan đến Hồng Kông.

Thủ tướng Johnson nhắc lại cảnh báo trước đây đối với Bắc Kinh về kế hoạch mở lộ trình cho phép 3 triệu người Hồng Kông có hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) đến đảo quốc này. Ông tuyên bố đó “chính xác là điều chúng tôi sắp làm”.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 1/7 cam kết cánh cửa nhập cư Anh sẽ rộng mở và thuận lợi hơn trước đối với người Hồng Kông có hộ chiếu BNO.

Bà Hoa Xuân Oánh phản pháo trên Twitter

Phát ngôn viên, Vụ trưởng Vụ báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng ngoại giao công cộng của Bộ ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã lên Twitter đăng tải một loạt thông điệp đáp trả chỉ trích từ các bên. 6 đoạn tweet lần lượt cập nhật trên trang Twitter tích xanh của bà Hoa trong khoảng thời gian 20 phút, từ 23h50 ngày 1/7 đến 0h10 ngày 2/7 (giờ Bắc Kinh).

“Lập pháp về an ninh quốc gia là quyền chủ quyền của một nước và là trách nhiệm của chính phủ trung ương. Mỹ có các đạo luật an ninh quốc gia trên phạm vi rộng nhất với nhiều tiền đề khác nhau, ví dụ như về các phái bộ nước ngoài và đầu tư nước ngoài. Vậy tại sao Trung Quốc không thể được hưởng quyền hợp pháp để bảo vệ an ninh quốc gia của chính mình?” bà Hoa viết.

Vị đại diện chính phủ Trung Quốc cũng liệt kê số lượng đạo luật về an ninh quốc gia tại các nước phương Tây, như Mỹ với 21 đạo luật liên quan trong giai đoạn 1917-2019, Canada có 6 đạo luật, Anh có 3 và Australia là 2.

Bà Hoa khẳng định mục đích của luật an ninh Hồng Kông là “vá những lỗ hổng chết người đã cản trở bảo vệ Hồng Kông trước những đe dọa về an ninh quốc gia”.

“‘Một quốc gia, hai chế độ’, hệ thống tư bản, quyền tự trị cao và hệ thống tư pháp [của Hồng Kông] là không thay đổi.”

“Hiến pháp của hơn 100 quốc gia quy định rằng việc thực thi các quyền cơ bản và tự do phải không gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Đạo luật về bảo vệ an ninh quốc gia tại Hồng Kông là một THANH GƯƠM răn đe những kẻ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, và NGƯỜI HỘ VỆ cho đại đa số cư dân của Hồng Kông,” bà Hoa Xuân Oánh lý giải.

Bà Hoa lên án phản ứng gay gắt của Mỹ về đạo luật an ninh Hồng Kông không thể hiện sự quan tâm thực sự đến quyền và tự do của người dân Hồng Kông, mà là nỗi lo về việc “mất quyền và tự do được lợi dụng Hồng Kông làm căn cứ và công cụ để làm hại an ninh quốc gia Trung Quốc”.

Đề cập chỉ trích của London liên quan đến Tuyên bố Trung-Anh 1985, bà Hoa Xuân Oánh cho rằng người dân Hồng Kông đã không được hưởng các quyền dân chủ và tự do khi đặc khu là thuộc địa của Anh, cũng như không có thống đốc nào của Hồng Kông do người dân bản địa bầu cử.

“Anh phải biết rằng họ không có chủ quyền, thẩm quyền, hay quyền ‘giám sát’ đối với Hồng Kông sau năm 1997. Anh nên đối mặt với thực tế mới thay vì mơ mộng những ngày xưa cũ.”

RELATED ARTICLES

Tin mới