Hành tung bí ẩn của những lãnh đạo cấp cao và thời điểm bùng nổ dịch tại Bắc Kinh gần ngày diễn ra Lưỡng hội đang làm giới quan sát thêm hoài nghi.
Cổng Tân Hoa Môn trong quần thể Trung Nam Hải – trụ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh
Tại thời điểm Bắc Kinh tái bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, 7 Ủy ban Thường vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn có hành tung khác lạ, trong đó Triệu Lạc Tế gần như biến mất trong hơn một tháng, dấy lên đồn đoán rằng rất có thể ông đã bị lây nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán. Còn “người máy giơ tay” Thân Kỷ Lan sau khi tham dự “Lưỡng hội” trở về, đột nhiên đổ bệnh qua đời, nguyên nhân cái chết cũng bị nghi ngờ rằng rất có thể đã bị lây nhiễm trong khoảng thời gian tại Bắc Kinh.
Thân Kỷ Lan, sau khi trở thành Ủy viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (gọi tắt là “Nhân Đại”) từ năm 1954, đã tái đắc cử 13 nhiệm kỳ liên tiếp, chưa bao giờ rớt tuyển, vậy nên được ngoại giới gọi là “hóa thạch sống” của Nhân Đại. Mới đây có tin rằng Thân Kỷ Lan đang trong bệnh tình nguy kịch, sáng ngày 28/6 được xác nhận bà đã qua đời. Bên phía chính quyền tuyên bố rằng Thân Kỷ Lan bị ung thư dạ dày.
Trang Tin tức Bắc Kinh dẫn lời bà Quách Phụng Liên – Bí thư Chi bộ đảng của thị trấn Đại Trại, huyện Tích Dương, thành phố Tấn Trung, tỉnh Sơn Tây, và là bạn thân của Thân Kỷ Lan, nói rằng: “Một tuần trước tôi mới đi thăm chị Thân. Lúc đó, chị ấy đã bệnh rất nặng, không thể chữa được nữa”.
Trước đó, có tin đồn rằng Thân Kỷ Lan, 91 tuổi, sau khi được đưa vào bệnh viện cuối tháng 5, bệnh tình trở nên nguy kịch. Trên mạng còn lan truyền một bức ảnh, trong bức ảnh đó, bà Thân đang nằm trên giường bệnh, khoang mũi cắm ống thở, nằm lệch trên một chiếc gối, giống như đang hôn mê hoặc bệnh tình đang trong nguy kịch, đầu giường còn treo cả khẩu trang.
Trang tin nước ngoài khi đó đưa tin rằng bà Thân Kỷ Lan bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, và được đưa vào Bệnh viện Số 1 của thành phố Trường Trị. Do tuổi cao sức yếu, các bác sĩ không kiến nghị làm phẫu thuật, mà chỉ có thể điều trị.
Thông tấn xã trung ương CNA đã trích dẫn lời đồn từ nhóm bạn thân trên WeChat, nói rằng các nhân viên công tác bên cạnh bà Thân tiết lộ rằng bà Thân vì thấy khó chịu trong người nên được Bệnh viện Đa khoa Hải quân hộ tống từ Bắc Kinh về đến thành phố An Dương, Hà Nam vào cuối tháng 5, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Số 1 thành phố Trường Trị, Sơn Tây để điều trị.
Bởi Thân Kỷ Lan vừa mới tham dự xong Hội nghị Nhân Đại Toàn quốc vào ngày 28/5, có cư dân mạng nghi ngờ rằng liệu có phải bà đến Bắc Kinh tham dự “Lưỡng hội” chẳng may bị dính virus Vũ Hán, nhưng chính quyền đã lấy bệnh khác để che đậy đi? Nếu bà thật sự bị ung thư dạ dày thời kỳ cuối, cớ sao còn phải liều mạng mang tấm thân bệnh tật đến Bắc Kinh tham dự hội họp làm gì?
Có nguồn tin nói rằng, đoàn đại biểu của “Lưỡng hội” đã mang theo virus từ ngoài nghìn dặm tiến vào Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Cao Phúc, nhà nghiên cứu miễn dịch kiêm giám đốc của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, tiết lộ rằng thời điểm Bắc Kinh xuất hiện dịch bệnh có thể là từ một tháng trước đó, tức là tháng 5. Tuyên bố này ăn khớp với phân tích liên quan đến các đại biểu của “Lưỡng hội” đã mạo hiểm vượt nghìn dặm đường đến Bắc Kinh tham dự hội họp.
Ngoài ra, “Lưỡng hội” ĐCSTQ vừa mới kết thúc chưa được bao lâu, thì Bắc Kinh bùng phát dịch bệnh trở lại, toàn bộ thành phố tiến nhập vào trạng thái thời chiến. Trung Nam Hải nằm trong trung tâm của ổ dịch. Trước đó đã có tin đồn rằng giới chức cao tầng của ĐCSTQ đã chuyển đến núi Ngọc Tuyền để tránh dịch, đặc biệt khoảng hơn một tháng trở lại đây, hành tung của 7 Ủy ban Thường vụ ĐCSTQ rất khác lạ. Trên mạng có bài phân tích chỉ ra rằng 7 Ủy ban Thường vụ rất có thể đều đã rời khỏi Bắc Kinh, tản nhau ra để tránh dịch.
Trong đó, hành tung của Triệu Lạc Tế, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, được xem là kỳ lạ nhất. Trong suốt tháng Sáu ông đều không có bất kỳ hoạt động báo cáo nào.
Gần đây còn có truyền thông công bố rằng, trong bản “Tóm tắt Hội nghị” về việc kiểm soát phòng chống dịch bệnh tại một quận nào đó của Bắc Kinh đã đưa ra yêu cầu “những người lãnh đạo phải học cách tự bảo vệ mình”, dường như ám chỉ rằng có lãnh đạo đã bị dính bệnh.
Điều đáng chú ý là bệnh viện 301 nằm ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, nơi chuyên phục vụ cho giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, trước đó cũng có tin đồn rằng nơi đây có ổ dịch, dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ phía chính quyền ĐCSTQ. Sáng sớm ngày 24/6, chính quyền quận Hải Điến đã khẩn cấp công bố bản “Thông báo bác bỏ tin đồn”, phủ nhận thông tin Bệnh viện 301 xuất hiện dịch bệnh, và kêu gọi cộng đồng mạng sẽ không nghe, không tin, đặc biệt là không lan truyền tin đồn. Động thái này càng khiến cư dân mạng nghi ngờ, chẳng khác chi “Lạy ông tôi ở bụi này”.
Liên quan Bắc Kinh bùng phát dịch bệnh lần này, có nguồn tin nói rằng, dịch bệnh ở Bắc Kinh được phát hiện vào tháng 5, trước khi các đại biểu bắt đầu phiên họp vào ngày 21/5, tất cả đều đã tự cách ly tại Bắc Kinh ít nhất 14 ngày theo quy định. Tuy nhiên, vì không để ông Tập Cận Bình, người đã quyết định mở phiên họp “Lưỡng hội” gánh trách nhiệm, vậy nên chính quyền vẫn luôn che giấu. Cuối cùng vì không thể che giấu thêm được nữa, nếu không Bắc Kinh rất có thể sẽ trở thành Vũ Hán thứ hai, vậy nên giới chức mới công bố tình trạng ở một vài khu vực nhằm đánh lạc hướng chú ý của dư luận.
Dịch bệnh ở thủ đô Bắc Kinh lần này, liệu có phải là do đoàn đại biểu từ những nơi khác đến Bắc Kinh tham dự “Lưỡng hội” mang đến hay không? Từ khi Vũ Hán bùng phát dịch bệnh đến nay, nhiều chuyên gia của chính phủ đã không phủ nhận rằng có lượng lớn người trên thân mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng. Tại “Lưỡng hội” lần này, phải chăng vẫn có đại biểu, ủy viên mang theo mầm bệnh tiến vào Bắc Kinh, để rồi lặng lẽ lây nhiễm virus cho những người cùng đến tham dự “Lưỡng hội”? Tất nhiên chúng ta không thể phủ nhận, cũng không thể nào xác nhận điều này. Các chuyên gia của ĐCSTQ cũng sẽ không truy tìm căn nguyên theo cách này, họ coi ổn định chính trị lớn hơn hết thảy, bởi một khi điều tra, chính là tỏ thái độ hoài nghi quyết định của lãnh đạo ĐCSTQ về việc tổ chức “Lưỡng hội” vào thời điểm đó.
“Lưỡng hội” Toàn quốc ĐCSTQ kết thúc vào ngày 28/5, bây giờ nhìn lại, không chỉ hàng nghìn đại biểu phải bất chấp nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để đến Bắc Kinh tham dự hội họp, mà giới lãnh đạo cao tầng của ĐCSTQ cũng là đang mạo hiểm tính mạng để tổ chức hội nghị.
Vào ngày đầu tiên của “Lưỡng hội” (ngày 21/5), Bắc Kinh liên tiếp xuất hiện dị tượng: trời đang giữa ban ngày đột nhiên tối mịt, cộng thêm sấm sét vang dội, mưa lớn có kèm theo mưa đá. Thiên tượng biến hóa, nhiều chuyên gia cho rằng đây dường như dự báo đại nạn diệt vong của ĐCSTQ.