Quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai một đơn vị tác chiến điện tử đến biển Đông. Đây là bước đi mới nhất của chính quyền Trump nhằm gây sức ép lên những yêu sách trái luật quốc tế của Bắc Kinh trên vùng biển này.
Một thủy thủ của tàu USS Ralph Johnson làm nhiệm vụ khi đang thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở khu vực gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 14/7.
(Ảnh: US Navy)
Gây gián đoạn cho những hoạt động thông tin liên lạc quân sự của Trung Quốc sẽ là cách phản ứng hiệu quả khi xảy ra tình huống khẩn cấp trên biển Đông, Asian Nikkei Review dẫn lời một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ.
Trung Quốc có yêu sách phi lý với hầu khắp biển Đông theo cái gọi là “đường 9 đoạn” và liên tục mở rộng căn cứ quân sự trên vùng biển này trong thập kỷ qua. Bắc Kinh đã làm đường băng dài 3.000m và một cảng quân sự quy mô lớn ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng bị Trung Quốc biến thành một tiền đồn quân sự với một nhà chứa máy bay cùng các hệ thống tên lửa đất đối không và đất đối hạm. Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức tập trận trên vùng biển này.
Ngoài hệ thống ở đảo Phú Lâm, Trung Quốc đã triển khai tên lửa dọc bờ biển, có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên biển Đông. Để đối phó, Mỹ muốn xây dựng năng lực để ngăn Trung Quốc theo dõi lực lượng Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở đây.
Chiến lược quốc phòng của Trung Quốc được xây dựng trên khái niệm chống tiếp cận, kết hợp hệ thống tên lửa với cảm biến để ngăn kẻ thù di chuyển tự do và tiếp cận đất liền Trung Quốc. Mỹ cũng các đồng minh và đối tác “phải phối hợp chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể đánh bại những hệ thống vũ khí đó”, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ nói.
“Một trong những cách Mỹ có thể làm là dùng công nghệ để lừa thiết bị tìm kiếm của tên lửa Trung Quốc, khiến những vũ khí đó nghĩ rằng chúng đang lao đến tàu sân bay hoặc tàu chiến, nhưng thực chất là lao xuống vùng biển cách tàu Mỹ cả nửa dặm.
Tướng nghỉ hưu Jack Keane, cựu phó chánh văn phòng lục quân Mỹ, nói rằng Mỹ đánh giá chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc giúp nước này có lợi thế so sánh. Vì thế, Washington phải bảo đảm “có một năng lực răn đe hiệu quả ở đó, và các tên lửa tầm xa là một phần trong chiến lược của Mỹ”, ông Keane nói.
Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga từ năm ngoái và đang phát triển loại tên lửa mới theo diện này. Mỹ sẽ bắt đầu đàm phán với các nước châu Á để đưa tên lửa đến.
Sự kiểm soát lớn hơn của Trung Quốc trên biển Đông sẽ hạn chế các hoạt động của Mỹ ở đây, khiến nơi này trở thành vùng an toàn cho các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc mang theo tên lửa đạn đạo nhắm vào lực lượng Mỹ.
Để ứng phó với những diễn biến gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 tuyên bố “những yêu sách của Bắc Kinh đối với các tài nguyên trên hầu hết biển Đông là trái pháp luật”. Điều này là tín hiệu cho sự thay đổi quan điểm trung lập của Washington từ trước đến nay đối với các yêu sách trên biển Đông.
Tàu khu trục tên lửa Mỹ USS Ralph Johnson vừa thực hiện tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa hôm 14/7, theo thông tin từ Hạm đội 7 của Mỹ tại Nhật Bản.
“Hôm thứ Hai, lần đầu tiên chúng tôi khẳng định rõ ràng chính sách của chúng tôi về biển Đông. Đó không phải một đế chế biển của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh vi phạm luật quốc tế và các quốc gia tự do không làm gì cả, lịch sử sẽ cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đơn giản là sẽ chiếm thêm lãnh thổ”, ông Pompeo nói với báo giới hôm 15/7.
Trong những năm qua, Mỹ dường như đi sau Trung Quốc về các hoạt động trên biển Đông.
“Dù nhiều người từng hy vọng nhiều sau khi chính quyền Obama thông báo về sự “xoay trục sang Thái Bình Dương”, thực tế buồn là không có nhiều hoạt động thực tế được thực hiện để triển khai chiến lược đó”, ông James Fanell, người từng đứng đầu bộ phận tình báo củ Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói với Asian Nikkei Review.