Đại sứ Trung Quốc tại Anh yêu cầu chính phủ Anh hủy kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth tại New York năm 2018. Ảnh: Getty
Trả lời phỏng vấn tờ The Times của Anh, Đại sứ Trung Quốc tại Anh – ông Lưu Hiểu Minh yêu cầu chính phủ Anh hủy kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo ông Lưu, việc triển khai tàu sân bay tới khu vực này sẽ là “động thái rất nguy hiểm” và động thái này là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang xấu đi giữa Anh và Trung Quốc sau Brexit.
Ông Lưu cho rằng Anh vẫn muốn đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu sau khi rút khỏi EU, nhưng đó không phải là cách đúng đắn.
Trước đó, hôm 14/7, The Times dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, quân đội Anh dự tính điều động tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mới của nước này tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tiếp tục leo thang.
Tàu sân bay dự định khởi hành cùng một nhóm tàu tấn công vào đầu năm 2021. Thủy thủ đoàn trên tàu gần 700 người, kết hợp cùng với phi hành đoàn trên máy bay chiến đấu và trực thăng các loại, con số tăng lên 1.600 người.
Tàu sân bay trị giá 3,9 tỷ USD này sẽ thực hiện chuyến đi cùng với hai phi đội chiến đấu cơ F-35B Lightning II. Nhóm tàu sẽ đến thăm khu vực Viễn Đông (cụm từ Anh dùng chỉ khu vực dọc tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương) và tiến hành các cuộc tập trận với đồng minh tại đây, bao gồm Mỹ và Nhật Bản.
Kế hoạch điều động tàu sân bay tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương được coi là một phần trong quy trình tái đánh giá chiến lược an ninh và đối ngoại của Anh.
Hôm 13/7, Phó Đô đốc Jerry Kyd, chỉ huy hạm đội khẳng định Hải quân Hoàng gia Anh sẽ “trở lại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
“Tham vọng của chúng tôi tại khu vực này sẽ hoàn toàn bền bỉ và sẽ luôn ở đó, có thể với một hạm đội tàu sân bay tấn công, hoặc có thể không. Chúng tôi sẽ cân nhắc”, ông Kyd nói.
Phát biểu trong một buổi hội thảo trực tuyến do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tổ chức, Phó Đô đốc Jerry Kyd mở ra triển vọng về sự hiện diện của các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Anh tại khu vực. Cụ thể, ông cho biết các máy bay Anh có thể sẽ duy trì hiện diện liên tục cùng “các đồng minh Mỹ và Nhật”.
Ông Kyd cho biết Anh có thể sẽ sử dụng một tàu sân bay để vận chuyển các máy bay chiến đấu đến khu vực. Ngoài ra có một phương án khác là điều một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh duy trì tại khu vực, chẳng hạn như một tàu khu trục.
Các kế hoạch trên đang được xem xét như là một phần của quá trình đánh giá chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh của Anh, dự kiến sẽ hoàn thành vào mùa thu này. Những người trong cuộc nói rằng phần phòng thủ của đánh giá sẽ mang “định hướng hàng hải”.
Đại tướng Không quân Gerry Mayhew – Phó chỉ huy hạm đội tự tin rằng các đồng minh trong khu vực sẽ chào đón sự hiện diện quân sự của Anh.
“Các đối tác trong khối liên minh ‘năm cường quốc’, cùng Nhật và các quốc gia khác thực sự phấn khích trước sự hiện diện hàng không và hàng hải sắp tới của chúng tôi”, theo tướng Mayhew.
Anh gia nhập “liên minh năm cường quốc” với Úc, New Zealand, Singapore và Malaysia năm 1971.
Tuy nhiên, phía Anh cũng bày tỏ sự thận trọng đối với kế hoạch này.
Phó Đô đốc Jeremy Blackham, một cựu phó chỉ huy hạm đội, cảnh báo: “Nếu triển khai tàu đến một vùng biển xa xôi với sự hỗ trợ hậu cần và quân sự hạn chế, cần phải biết phản ứng thế nào nếu ai đó gọi bạn là kẻ không biết lượng sức mình”.
Bên cạnh kế hoạch triển khai đội tàu sân bay đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một đội tàu sân bay Anh nữa sẽ cùng tham gia hỗ trợ NATO ở Bắc Đại Tây Dương.