Năm tàu chiến Úc vừa gia nhập các lực lượng Mỹ và Nhật Bản để thể hiện sức mạnh đoàn kết trong bối cảnh Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông, báo Úc News đưa tin ngày 26/7.
Tàu chiến Úc, Mỹ, Nhật diễn tập trên biển Đông gần Philippines. Nguồn: Bộ Quốc phòng Úc.
Các lực lượng tập trung ở vùng biển của Philippines ở phía đông Biển Đông để thể hiện sự đoàn kết khi mà căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ gia tăng tuần trước sau khi Mỹ tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc với gần như toàn bộ Biển Đông và Biển Hoa Đông là phi pháp.
Tàu chiến chở trực thăng HMAS Canberra của Hải quân Hoàng gia Úc dẫn đầu tàu khu trục không chiến HMAS Hobart, hai tàu hộ tống HMAS Stuart và HMAS Arunta, và tàu hỗ trợ HMAS Sirius.
Năm tàu chiến của Úc gia nhập một lực lượng chuyên biệt hỗn hợp gồm tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ, một tàu tuần dương tên lửa dẫn hướng của Mỹ và một tàu khu trục của Nhật Bản.
“Cơ hội làm việc cùng với Mỹ và Nhật Bản là cực kỳ giá trị. Duy trì an ninh, an toàn trên biển đòi hỏi hải quân các nước có thể hợp tác thông suốt, liền mạch”, đại tá Michael Harris, chỉ uy của Nhóm nhiệm vụ hỗn hợp Úc, được dẫn lời trong một thông cáo báo chí.
Khả năng tương tác như vậy là một tín hiệu rõ ràng gửi tới các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc rằng, các lực lượng đồng minh đã sẵn sàng và đủ khả năng gia nhập các lực lượng nếu nhu cầu phát sinh.
Mỹ – Trung khẩu chiến
“Quân giải phóng nhân dân (quân đội Trung Quốc) có thể bị buộc phải tăng cường sự hiện diện thông qua các cuộc tập trận và triển khai định kỳ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Những sự kiện này diễn ra cách nước Mỹ hàng nghìn dặm và ở trên ngưỡng cửa Trung Quốc. Điều này một lần nữa chứng tỏ rằng, Mỹ mới là kẻ thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông”, báo Trung Quốc Global Times đưa tin đầu tuần này.
Washington đáp trả mạnh mẽ. “Hãy nhìn xem, các tàu sân bay Mỹ đã ở Biển Đông thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Chúng tôi sẽ tiếp tục ở đó. Không ai có thể chặn chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói hôm 23/7 (giờ Mỹ).
Việc Hải quân Hoàng gia Úc tham gia lực lượng chuyên biệt hỗn hợp phần nào thể hiện sức mạnh của hạm đội Úc. Một số tàu chiến thuộc hàng mới nhất, “đỉnh” nhất đã tới Biển Đông để thể hiện sự ủng hộ của Úc đối với quan điểm ngày càng cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc, News đưa tin. Đây cũng là tín hiệu gửi tới nước Đông Nam Á rằng, các đồng minh ủng hộ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
“Chúng tôi sẽ hải hành, bay và hoạt động ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép. Một lần nữa chúng tôi làm điều đó để khẳng định về quyền và luật pháp quốc tế để ủng hộ chủ quyền của các đối tác, bè bạn của chúng tôi và để tái khẳng định với họ rằng, chúng tôi sẽ ở đó để bảo vệ những việc như vậy”, Bộ trưởng Esper nói.
Vùng biển nóng bỏng
Trong cuộc tập trận bắn đạn thật mà quân đội Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông, khoảng 3.000 quả tên lửa đã được phóng đi nhằm vào các mục tiêu di động trên biển và trên không. Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc như máy bay ném bom JH-7, máy bay đánh chặn J-11B tham gia tập trận.
Lần cuối cùng một cuộc tập trận quy mô lớn như vậy diễn ra ở khu vực đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) vào năm 2016, sau khi Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đến nay, Bắc Kinh vẫn từ chối công nhận, vẫn không tuân thủ phán quyết này.
“Quân giải phóng nhân dân gần đây tiến hành các cuộc tập trận tấn công mục tiêu biển ở Biển Đông và triển khai các máy bay chiến đấu tại một hòn đảo trong khu vực, vào thời điểm Mỹ hung hăng cử máy bay chiến đấu tới trinh sát cận cảnh và cử tàu chiến, bao gồm tàu sân bay”, Global Times viết.
“Nếu sự khiêu khích quân sự của Mỹ ở Biển Đông kéo dài, Trung Quốc có thể không còn sự lựa chọn nào khác là tăng cường tập trận và đưa thêm tàu chiến, máy bay chiến đấu ra Biển Đông”, báo Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này Nhậm Quốc Cường.
Cuộc tập trận của Trung Quốc có sự tham gia của máy bay chiến đấu J-11B – phiên bản copy máy bay Nga Su-27 Flanker L. Điều này lại làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh sẽ sớm tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên phần lớn Biển Đông dù Global Times khẳng định điều ngược lại.
“Trung Quốc không nên vội vã thông báo ADIZ trên Biển Đông vì có thể làm tổn hại các thành viên ASEAN nhiều hơn là Mỹ, dẫn tới tổn hại quan hệ giữa Trung Quốc và các thành viên ASEAN”, Global Times đưa tin.
Lực lượng hỗn hợp Úc, Mỹ và Nhật Bản cuối tuần này sẽ rời Biển Đông tới Hawaii để tham gia một cuộc tập trận lớn hơn, RIMPAC, với sự tham gia của nhiều quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tàu sân bay USS Nimitz (hoạt động cùng tàu sân bay USS Reagan hồi đầu tháng này) đã chuyển tới Ấn Độ Dương – nơi tàu đang tiến hành các đợt diễn tập tương tác tương tự với hải quân Ấn Độ. Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã tổ chức các cuộc bàn thảo phi chính thức với tên gọi Đối thoại An ninh bộ tứ kể từ năm 2007.
Ấn Độ luôn lưỡng lự với việc chính thức thành lập một “liên minh NATO châu Á”, nhưng việc Trung Quốc gần đây liên tục xâm nhập các đảo do Nhật Bản quản lý cũng như khu vực dãy Himalaya của Ấn Độ đã khiến Ấn Độ thay đổi thái độ, báo Úc nhận định.
Úc phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Úc ngày 23/7 gửi công hàm số 20/026 lên Liên Hợp Quốc bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Các yêu sách của Trung Quốc, bao gồm yêu sách liên quan các đảo nhân tạo mà nước này đơn phương xây dựng trên bãi cạn, bãi đá ngầm “không có cơ sở pháp lý”, công hàm viết.
Công hàm cũng khẳng định, chính phủ Úc không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc trong công hàm mà Trung Quốc gửi Liên Hợp Quốc hôm 17/4. Công hàm của Trung Quốc viết: “Các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cộng đồng quốc tế công nhận”.
Trước đó, ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuyên bố của Mỹ khẳng định: “Các yêu sách bố chủ quyền của Trung Quốc đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp”.