Không có quá nhiều tuyên bố công khai về các căng thẳng ở Biển Đông và luôn cố gắng thể hiện trung lập, Malaysia chọn sự im lặng và tiến hành ngoại giao hậu trường để thúc đẩy điều họ mong muốn.
“Cuộc chiến công hàm” về Biển Đông – cách gọi hiện nay của nhiều người trước việc các nước liên tục gửi công hàm/công thư lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc – phát sinh sau một công hàm do Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hiệp Quốc vào tháng 12-2019.
Nhẫn nhịn
Sau khi đơn phương đệ trình công hàm vào tháng 12-2019, Malaysia đưa tàu khoan thăm dò West Capella đến lô ND-2 nằm trong khu vực tranh chấp thềm lục địa mở rộng với Việt Nam. Theo Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) của Mỹ, West Capella và các tàu khoan dầu khác được Kuala Lumpur thuê đã liên tục bị tàu Trung Quốc đe dọa từ đầu tháng 12-2019 đến tháng 5-2020 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia.
Tuy nhiên, Kuala Lumpur chỉ đáp lại bằng cách triển khai luân phiên 2 tàu tuần tra để bảo vệ nhóm tàu West Capella và không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào lên án hành vi của Bắc Kinh.
Căng thẳng lên đỉnh điểm vào trung tuần tháng 4-2020, khi tàu Hải Dương 8 cùng tàu hộ tống áp sát tàu West Capella và tiến hành khảo sát ngay trong EEZ của Malaysia. Dựa trên hệ thống nhận diện tự động (AIS), AMTI cho biết khoảng cách giữa Hải Dương 8 và West Capella có lúc chưa đầy 9 hải lý.
Ngày 18-4, trong lúc Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố lên án hành động quấy rối của Trung Quốc, nhóm 4 tàu chiến của Mỹ và Úc bắt đầu cuộc diễn tập chung tại một khu vực gần tàu West Capella. USS America – tàu đổ bộ tấn công hiện đại nhất của Mỹ – cũng góp mặt và thể hiện uy lực bằng tiêm kích tàng hình F-35B.
Tuy nhiên, phản ứng của Kuala Lumpur vào ngày 23-4, theo lời một học giả Malaysia, “đã khiến những người bình thường có theo dõi về Biển Đông cũng phải bực tức”. Không chỉ bày tỏ quan ngại về sự xuất hiện của “các tàu chiến và những tàu khác” trên Biển Đông, Malaysia còn kêu gọi Trung Quốc và Mỹ “giải quyết hòa bình sự khác biệt thông qua ngoại giao”.
Malaysia cuối cùng cũng đạt được mục đích lớn nhất là kết thúc cuộc đối đầu trên biển trong hòa bình. Đây là điều mà học giả Adam Leong Kok Wey của Đại học Quốc phòng Malaysia gọi là “logic chiến lược” để im lặng. Ông đặt vấn đề bằng câu hỏi: Tại sao Mỹ và Úc lại phản ứng mạnh mẽ theo hướng ra mặt bảo vệ một nước không có hiệp ước phòng thủ với mình?
Bắt tay trong cánh gà
Theo GS Kok Wey, Malaysia đang áp dụng chính sách “liên kết có chọn lọc” và “mơ hồ chiến lược” dựa trên những bài học từ chiến tranh lạnh. “Liên kết có chọn lọc” cho phép Malaysia hợp tác chặt chẽ với tất cả các bên vì lợi thế chiến lược tương đối, theo lựa chọn của mình. Trong khi đó, duy trì “mơ hồ chiến lược” cho phép Malaysia tương tác hậu trường với các đồng minh lẫn đối thủ – những người không biết nước này sẽ đi theo hướng nào.
Nhưng theo nữ TS Ivy Kwek và Chiew-Ping Hoo, có một số lý do giải thích tại sao Malaysia lại muốn giữ im lặng trong các căng thẳng trên Biển Đông. Đầu tiên, cũng giống như GS Kok Wey đã nhận xét, Malaysia không muốn ồn ào và thích sử dụng các công cụ ngoại giao đằng sau hậu trường để giải quyết xung đột. Thứ hai là mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc.
“Tạo ra được cảm giác rằng Malaysia không ngả hoàn toàn về phương Tây sẽ là chìa khóa giành được sự tin tưởng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc”, hai nữ tác giả Malaysia lập luận trong bài viết trên AMTI.
Điều cuối cùng, theo TS Ivy Kwek và Chiew-Ping Hoo, chính trường Malaysia hiện tại không cho phép nước này vướng vào một căng thẳng ngoại giao. Điều này lý giải vì sao đến giờ Kuala Lumpur vẫn không đệ trình công hàm phản bác Bắc Kinh như đã làm trước đây.
Dù Malaysia được cho là có ý đồ với công hàm vào tháng 12-2019, nhưng hành động mở màn của nước này đã kéo theo cả những nước không tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông như Indonesia, Mỹ và Úc – góp phần làm nổi bật sự phi lý và bất hợp pháp trong các yêu sách của Trung Quốc.