Thursday, December 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCông hàm của Malaysia phản đối yêu sách của TQ nói lên...

Công hàm của Malaysia phản đối yêu sách của TQ nói lên điều gì?

“Cuộc chiến công hàm” tại Liên hợp quốc (LHQ) giữa các bên tranh chấp trên Biển Đông đã có chuyển biến mới khi Malaysia gửi công hàm bác bỏ tuyên bố trước đó của Trung Quốc nói rằng Kuala Lumpur không có quyền xin thiết lập thềm lục địa ở vùng biển phía Bắc của Biển Đông.

Malaysia đưa công hàm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc

Ngày 29/7, Phái đoàn thường trực của Malaysia tại LHQ đã gửi công hàm số HA26/20 tới Tổng thư ký LHQ, trong đó khẳng định định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Theo phái đoàn thường trực của Malaysia tại LHQ, công hàm HA26/20 thể hiện quan điểm của quốc gia Đông Nam Á này đối với công hàm CML/14/2019 của Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ.

Nội dung công hàm của Malaysia khẳng định bản đệ trình mà nước này gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) LHQ ngày 12/12/2019 đối với thềm lục địa mở rộng ngoài phạm vi 200 hải lý trong khu vực phía Bắc Biển Đông, tính từ đường cơ sở, được thực hiện theo đúng cam kết về nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, phù hợp với các quy định của UNCLOS cũng như Quy tắc tố tụng của CLCS. Công hàm nhấn mạnh, Chính phủ Malaysia khẳng định bản đệ trình phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của Malaysia trong việc phân định ranh giới thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở theo quy định tại Khoản 7, điều 76 UNCLOS.

Nội dung công hàm cũng nêu rõ, liên quan đến tuyên bố của Trung Quốc trong các đoạn thứ hai và thứ ba của công hàm CML/14/2019, chính phủ Malaysia bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán khác đối với vùng biển thuộc Biển Đông được bao phủ trong phạm vi cái gọi là “Đường 9 đoạn” vì các tuyên bố này trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý khi vượt quá giới hạn địa lý và thực chất của các quyền hàng hải của Trung Quốc theo quy định của UNCLOS.

Chính vì vậy, Chính phủ Malaysia cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể tại Biển Đông không có cơ sở theo luật pháp quốc tế và quốc gia Đông Nam Á này bác bỏ toàn bộ nội dung của công hàm CML/14/2019.

Bên cạnh đó, phái đoàn thường trực của Malaysia tại LHQ cũng đề nghị CLCS tiếp tục tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định đối với bản Đệ trình bộ phận mà quốc gia Đông Nam Á đã gửi ngày 12/12/2019.

Những lưu ý về công hàm này của Malaysia

Có một số lưu ý trong công hàm này của Malaysia. Thứ nhất là công hàm này cho thấy cách thể hiện lập trường về vấn đề biển Đông của Malaysia có những thay đổi nhất định.

Malaysia là bên khởi đầu dẫn tới “cuộc chiến công hàm” với đệ trình về thềm lục địa mở rộng lên CLCS ngày 12/12/2019. Từ đó dẫn tới việc các quốc gia liên quan đã gửi một loạt các công hàm/công thư lên Liên Hợp Quốc để bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình ở biển Đông.

Công hàm ngày 29/7/2020 của Malaysia được đưa ra sau các công hàm tương tự của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Mỹ và Australia kể từ sau đợt trao đổi đầu tiên giữa Malaysia và Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái. Các công hàm này không phải là công hàm ngoại giao bình thường giữa các quốc gia, mà được đệ trình lên Tổng thư ký LHQ với đề nghị rằng chúng sẽ được lan truyền tới các nước thành viên khác.

Một trong những nội dung đáng chú ý của công hàm HA26/20 đó là việc Malaysia công khai khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý cũng như phủ nhận “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách biển Đông của Malaysia.

Trước đây, Malaysia luôn kiên trì áp dụng “chính sách ngoại giao thầm lặng” trong việc giải quyết các bất đồng với Trung Quốc ở biển Đông. Thế nhưng, đây là lần đầu Malaysia công khai khẳng định điều này khi mà trước đây nước này chỉ trao đổi trong các cuộc gặp song phương kín với đại diện của Trung Quốc. Tuy nhiên, công hàm này không phải là sự thay đổi hoàn toàn lập trường của Malaysia trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, mà đây là sự khẳng định tiếp theo chính sách nhất quán giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình của quốc gia Đông Nam Á này.

Trước đây, Malaysia luôn kiên trì áp dụng “chính sách ngoại giao thầm lặng” trong việc giải quyết các bất đồng với Trung Quốc ở biển Đông. Thế nhưng, đây là lần đầu Malaysia công khai khẳng định điều này khi mà trước đây nước này chỉ trao đổi trong các cuộc gặp song phương kín với đại diện của Trung Quốc.

Điểm lưu ý thứ hai trong nội dung của công hàm này, đó là mặc dù trong Đệ trình về thềm lục địa mở rộng gửi lên CLCS năm 2019, Malaysia dường như đã dựa trên sự tiến triển của các lập luận pháp lý sau Phán quyết của Toà trọng tài năm 2016 trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc. Tuy nhiên, trong công hàm ngày 29/7 này, Malaysia không đả động gì tới Phán quyết 2016. Cho dù, các công hàm/công thư của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Hoa Kỳ và Australia đều viện dẫn Phán quyết và yêu cầu các bên liên quan thực thị Phán quyết 2016 này.

Điều này thể hiện rằng, mặc dù trước áp lực của “cuộc chiến công hàm”, Malaysia thấy cần phải lên tiếng vừa để bảo vệ lợi ích của mình, vừa không để vuột mất cơ hội đi cùng các quốc gia chống lại tham vọng phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Tuy nhiên, Malaysia cũng vẫn rất thận trọng, tránh để mích lòng Trung Quốc, khi không nhắc tới Phán quyết, cho dù khẳng định các yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển Đông của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, một hàm ý gián tiếp và gây nhiều tranh cãi từ điều này.

Cuộc chiến pháp lý ở biển Đông vẫn tiếp diễn

Như vậy, cùng với công hàm mới đây của Malaysia, nội dung của các công hàm của các nước thành viên ASEAN trước đây về vấn đề biển Đông đều nhấn mạnh rằng các tuyên bố về quyền và quyền tài phán đối với các khu vực biển trên Biển Đông phải tuân thủ UNCLOS mà trong đó Trung Quốc và các nước ASEAN đều là các bên tham gia. Các công hàm của các quốc gia ASEAN này cũng khẳng định thêm rằng việc Trung Quốc tuyên bố về các quyền và quyền tài phán trên Biển Đông không phù hợp với UNCLOS.

Ngoài ra, Việt Nam, Philippines và Indonesia đều nhắc tới phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 về vụ kiện giữa Manila và Bắc Kinh, trong đó khẳng định Bắc Kinh không có quyền lịch sử tại Biển Đông. Việc các quốc gia ASEAN ban hành các công hàm như vậy là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tranh cãi về tính pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không sớm lắng dịu, cho dù ASEAN và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

RELATED ARTICLES

Tin mới